Doanh nghiệp 'cân não' với bài toán thiếu lao động

Thiếu hụt nhân sự khi tình hình kinh tế đang trên đà phục hồi và phát triển trở lại sẽ là bài toán nan giải cho những doanh nghiệp đang cần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đến nay, quy mô lao động đã dần phục hồi, với khoảng 51,4 triệu người. Đặc biệt, trong các lĩnh vực, địa bàn gặp khó khăn trong đại dịch thì hiện nay mức độ phục hồi tương đối tốt. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động vẫn diễn ra cục bộ, nhất là những ngành, nghề, lĩnh vực yêu cầu trình độ cao, như lĩnh vực tài chính, công nghệ thông tin, logistic…

Doanh nghiệp khốn đốn vì thiếu lao động

Kết quả từ báo cáo về tình hình thị trường lao động trong năm 2022 do VietnamWorks vừa công bố cũng cho thấy, theo thống kê, có tới 86,4% doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong hoạt động tuyển dụng, nguyên nhân chính đến từ việc nhân viên chủ động nghỉ việc hoặc phục hồi nhân sự từ một lượng lớn bị cắt giảm trong giai đoạn căng thẳng bởi dịch bệnh.

Chính điều này khiến cho doanh nghiệp luôn trong trạng thái “khát” nhân sự ở mức báo động khi đã phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhu cầu tuyển dụng lao động từ nay đến cuối năm vẫn còn rất cao

Nhu cầu tuyển dụng lao động từ nay đến cuối năm vẫn còn rất cao

Có đến 40,8% doanh nghiệp có tỉ lệ nhân viên từ chức ở mức tăng 10 - 20% và 31,5% doanh nghiệp đạt mức tỉ lệ thiếu hụt lao động dưới 10%, hơn 12% doanh nghiệp có tỉ lệ nhân viên chủ động nghỉ việc lên đến 30 - 40%.

Số liệu từ Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông đã giảm, từ chỗ cần giới thiệu khoảng 15.000 người thì hiện nay các doanh nghiệp cần trung tâm giới thiệu khoảng hơn 8.000 lao động phổ thông mỗi tháng. Nhu cầu về lao động có tay nghề vẫn giữ nguyên, khoảng hơn 1.000 lao động mỗi tháng.

Công ty Giày Đông Anh, Hà Nội cho biết, chỉ cần được tuyển vào công ty lao động sẽ đi làm ngay và được đóng luôn bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, công ty tuyển được rất ít người.

Để khắc phục tình trạng thiếu lao động, công ty cố gắng giữ chân lao động bằng cách tăng lương nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế vì xung quanh các công ty khác đều tăng phúc lợi.

Các doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày hiện nay đều khó tuyển lao động trong khi đang thiếu 20% nhân lực. Có những doanh nghiệp đầu năm lên kế hoạch tuyển thêm 1.000 lao động nhưng chưa tuyển đủ thì đã mất hàng trăm lao động "nhảy việc".

Từ đầu năm đến nay công ty Nông sản Phương Huyền (Hà Tĩnh) chuyên sản xuất bún, bánh tráng... xuất khẩu với nhu cầu khoảng 220 công nhân, luôn trong cảnh thiếu hụt lao động, hiện chỉ tuyển được 60 - 70% so với nhu cầu. Theo đại diện đơn vị này, nếu tuyển được đầy đủ số lao động, doanh nghiệp có thể tăng sản lượng xuất khẩu thêm 30 - 40%.

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu không sớm có các giải pháp, đặc biệt là chấn chỉnh khâu đào tạo nguồn nhân lực đang dần mất cân đối, không theo kịp thực tế sau dịch COVID-19 thì tình trạng thiếu hụt lao động sẽ ngày càng trầm trọng, nhiều doanh nghiệp sẽ mất khách hàng. Do đó, việc giải "cơn khát" nhân công bằng cách nào để tuyển được người và giữ chân người lao động lâu dài vẫn là câu hỏi lớn.

Thu hút lao động bằng ưu đãi là chưa đủ

Một vấn đề khác của thị trường lao động hiện nay là các doanh nghiệp đang đồng loạt thực hiện tuyển dụng và cạnh tranh, thu hút lao động với nhiều ưu đãi ngoài lương tối thiểu.

Ông Lê Nhật Trường - Chủ tịch công đoàn cơ sở công ty TNHH Pousung Việt Nam, huyện Trảng Bom, Đồng Nai, cho biết việc giữ chân lao động phải làm đồng bộ, đến toàn thể người lao động chứ không chỉ một bộ phận nào đó. Chính sách lương thưởng thay đổi phù hợp với người lao động để tránh tình trạng thấy doanh nghiệp khác có lương thưởng tốt hơn, lao động có thể "nhảy việc".

Tại công ty Pousung những năm qua vẫn luôn duy trì tiền lương 17 bậc, tăng lương định kỳ hằng năm. Ngoài ra, công ty còn thưởng tiền năng suất căn cứ vào sản lượng đạt được. "Tăng tiền năng suất là tiền ngoài lương, những doanh nghiệp dám đột phá, dám ghi nhận công lao của người lao động thì mới có thể chi khoản tiền này. Đây là một trong những giải pháp giữ chân người lao động lâu dài hơn", ông Trường nhận định.

Về phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất để giảm bớt việc sử dụng lao động. Ông Nguyễn Hữu Huân, giám đốc công ty xuất khẩu tại khu công nghiệp Lễ Môn (Thanh Hóa) cho biết, công ty đã có kế hoạch thay đổi công nghệ, chuyển đổi mô hình và phát triển theo hướng bán tự động. Qua đó, làm sao sử dụng lao động một cách hiệu quả và tốt nhất, không thâm dụng lao động như lâu nay.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sử dụng ưu đãi để hút lao động chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài cần phải khơi thông các "điểm nghẽn" của thị trường lao động như: Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại và bền vững; tạo việc làm có năng suất cao; thực hiện đột phá phát triển nguồn nhân lực, đầu tư mạnh mẽ vào vốn con người, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài...

Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc bằng cách tập trung xây dựng nhà ở, nhà lưu trú dành cho người lao động có thu nhập thấp để mua trả góp; xây dựng nhà trẻ, trường học cho con em của công nhân lao động, đồng thời triển khai các chương trình bình ổn giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đào tạo lao động và thay đổi tư duy "sử dụng nguồn nhân công giá rẻ".

Hoàn thiện thể chế, tập trung phát triển lao động có kỹ năng

Phát biểu kết luận tại Hội nghị phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm, việc ổn định thị trường, trong đó có thị trường lao động thì phải phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người lao động.

Theo Thủ tướng, việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của con người để có thể đảm bảo cuộc sống và sự phát triển toàn diện. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường lao động.

Với tinh thần kiên định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thiết thực và hiệu quả, cần phải có năng lực độc lập, tự chủ, Thủ tướng cho rằng cần có được lao động chất lượng cao, gắn cơ chế đào tạo, cải cách tiền lương, tạo môi trường làm việc tốt, thu hút, giữ chân lao động.

Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó nâng cao nhận thức về thị trường lao động, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách. Nắm bắt nhu cầu, phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực đang là ưu tiên như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời, đẩy mạnh liên kết thị trường việc làm giữa các vùng trong nước, giữa trong và ngoài nước, xây dựng hệ thống quản trị thị trường hiện đại, minh bạch, làm tốt công tác thông tin, dự báo thị trường.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động và nhiệm vụ đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, chú trọng nâng cao tay nghề, đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng sống, ngoại ngữ, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao.

Đặc biệt, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động phục vụ phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/doanh-nghiep-can-nao-voi-bai-toan-thieu-lao-dong-1087496.html