Doanh nghiệp cần tập huấn xử lý ngộ độc thực phẩm

Nhiều doanh nghiệp tổ chức bếp ăn cho hàng nghìn công nhân mỗi ngày nhưng tới nay vẫn chưa đưa ra được phương án xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Sáng 14/8, đoàn khảo sát của HĐND TPHCM do ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc về công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Công ty TNHH Kim may Organ Việt Nam (Quận 7).

Xây dựng vành đai an toàn thực phẩm ngay tại bếp ăn doanh nghiệp

Nguyễn Thị Phương Thảo, Trưởng phòng nhân sự - tổng vụ Công ty TNHH Kim may Organ Việt Nam cho biết, công ty đã nghiên cứu rất kỹ để có thể đưa ra khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng theo khuyến nghị cho hơn 1.000 suất ăn mỗi ngày.

Ngoài việc đảm bảo dinh dưỡng, công ty cũng rất quan tâm tới vấn đề an toàn thực phẩm. Theo đó, công ty sẽ nhập thực phẩm từ nhà cung cấp. Các thực phẩm tươi sống sẽ được nhập vào lúc 6h sáng, không để qua đêm và sẽ được sử dụng trong ngày, các loại gia vị sẽ được mua sắm và sử dụng trong vòng 1 tháng để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cho công nhân.

Ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM kiểm tra bếp ăn tập thể. Ảnh: P.T.

Ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM kiểm tra bếp ăn tập thể. Ảnh: P.T.

"Nhà cung cấp phải cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng minh thực phẩm và nguồn nguyên liệu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, đơn vị còn bố trí nhân sự kiểm tra thực phẩm lúc nhập hàng", bà Thảo nhấn mạnh.

Về công đoạn chế biến, Trưởng phòng nhân sự cho biết thêm, công ty có 5 bếp ăn, các bếp đều thực hiện theo quy trình 3 bước nghiêm ngặt đó là kiểm tra trước khi chế biến thức ăn - kiểm tra quy trình chế biến thức ăn - kiểm tra trước khi ăn.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn thực phẩm công ty cũng trang bị đầy đủ các thiết bị và vật dụng cần thiết để đảm bảo hoạt động bếp ăn được hiệu quả, đảm bảo an toàn. Bộ phận cấp dưỡng gồm 24 nhân viên, đều được kiểm tra sức khỏe định kỳ theo quy định.

Có 29 năm làm việc tại bộ phận mài kim của công ty, anh Nguyễn Xuân Hải (SN 1974, ngụ Quận 7), cho biết, từ ngày làm việc tại công ty, suất ăn của tôi cũng như các công nhân khác luôn đảm bảo no và đủ chất.

"Công nhân mỗi người mỗi khẩu vị nên không thể nào hài lòng hết 100%, những bất đồng xảy ra chủ yếu về vấn đề nêm nếm gia vị là chính", anh Hải cho hay.

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ các gánh hàng rong

Bà Vũ Cao Quế Dung, Phụ trách Phòng Quản lý kinh doanh của công ty này cho hay, dù các bữa ăn ở công ty đã đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn hiện hữu.

Thực phẩm tại các bếp ăn được nhập, chế biến và sử dụng trong ngày. Ảnh: P.T.

Thực phẩm tại các bếp ăn được nhập, chế biến và sử dụng trong ngày. Ảnh: P.T.

"Làm việc tại công ty đã gần 30 năm, tôi thấy các hàng rong trước các công ty, khu chế xuất vẫn tồn tại rất nhiều từ xưa tới nay. Thực tế, đã có một số công nhân của công ty gặp phải các vấn đề về sức khỏe khi sử dụng thức ăn tại các hàng rong này", bà Dung chia sẻ.

Bà Dung nhấn mạnh, các nguyên liệu được sử dụng, bày bán ở các xe hàng rong không được kiểm tra chất lượng, quy trình chế biến không đảm bảo an toàn, thực phẩm không được bảo quản đúng cách, các dụng cụ sử dụng để chế biến, đựng, bảo quản các thực phẩm cũng không được kiểm chứng chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Liên quan tới vấn đề nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ các gánh hàng rong, ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa – Xã hội cho rằng, việc công nhân mua các thực phẩm từ các gánh hàng rong là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để nguy cơ mất an toàn thực phẩm xuống mức thấp nhất các doanh nghiệp nên tổ chức các bếp ăn tập thể hoặc sử dụng các suất ăn công nghiệp cho công nhân, hạn chế tình trạng công nhân sử dụng các thực phẩm từ các hàng quán không đảm bảo.

"Về lâu dài, cần vận động người bán hàng rong chuyển đổi ngành nghề. Nếu không khả thi thì sẽ mở các khu vực có sự quản lý của cơ quan chức năng để họ buôn bán. Đồng thời, HĐND TPHCM sẽ có văn bản kiến nghị với UBND TPHCM để sớm có giải pháp phù hợp nhất", Trưởng ban Văn hóa – Xã hội cho hay.

Doanh nghiệp còn chủ quan trong công tác xử lý ngộ độc thực phẩm

Theo ông Bình, các doanh nghiệp cần thực hiện cung ứng bữa ăn cho người lao động theo một quy trình khép kín và đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, mức độ an toàn thì cơ quan quản lý sẽ an tâm và khi đó người lao động sẽ được đảm bảo sức khỏe và có năng suất lao động tốt nhất."

Các công ty cần tập huấn phòng, xử lý ngộ độc thực phẩm. Ảnh:P.T.

Các công ty cần tập huấn phòng, xử lý ngộ độc thực phẩm. Ảnh:P.T.

Cũng tại buổi làm việc, bà Trần Thị Tuyết Hồng – Phó chánh Văn phòng HĐND TPHCM cho rằng, công ty cần diễn tập và chuẩn bị các phương án phòng trường hợp có ngộ độc thực phẩm xảy ra. Ngoài tập huấn, hướng dẫn về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng còn cần khám sức khỏe cho công nhân.

"Nếu có tình huống ngộ độc xảy ra, công nhân sẽ được đưa đến nơi gần nhất là phòng khám đa khoa khu chế xuất, sau đó sẽ sử dụng các phương tiện để chuyển lên tuyến trên", bà Hồng nói.

"An toàn vệ sinh thực phẩm luôn là nỗi lo của tất cả các doanh nghiệp, có làm tốt nhưng vẫn luôn hồi hộp. Qua buổi kiểm tra, giám sát này, cảm thấy công ty còn nhiều vấn đề cần được khắc phục để có thể đảm bảo được tốt hơn. Chúng tôi sẽ tìm hiểu và trao đổi thêm với cơ quan quản lý để lên phương án diễn tập, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe công nhân", bà Dung cho hay.

Nam Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/doanh-nghiep-can-tap-huan-xu-ly-ngo-doc-thuc-pham-169240814204718817.htm