Doanh nghiệp cần thận trọng khi hoạt động trở lại
Sau thời gian ba tháng thực hiện giãn cách với nhiều biện pháp nghiêm ngặt, nhiều doanh nghiệp (DN) đang rất nóng lòng mở cửa trở lại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần 'chậm mà chắc', có phương án cụ thể theo tình hình DN.
Thời điểm này, Công ty TNHH Công nghệ môi trường Wepar (quận Tân Phú) chuyên cung ứng máy móc, thiết bị lọc nước để tạo ra nguồn nước sạch đang tăng tốc hoạt động. “Khi các nhà máy sản xuất nước uống đóng chai đang phải tăng ca liên tục để bảo đảm cung cấp đủ lượng nước uống cho người dân địa phương, các khu cách ly thì đơn vị này cũng “chạy hết công suất” để hỗ trợ kỹ thuật cũng như thay lõi lọc nước khi máy lọc có sự cố” - Giám đốc Công ty Wepar Nguyễn Thị Xuân Mãi cho biết. Chia sẻ về kế hoạch hoạt động trong thời gian tới, bà Mãi cho rằng: “Nếu dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tăng và chưa kiểm soát được thì chúng tôi vẫn đẩy mạnh hướng làm việc trực tuyến. Nhân viên lắp đặt, bảo trì, vận chuyển hàng hóa, công ty sẽ ưu tiên tuyển dụng những người đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin và người từng nhiễm nhưng đã khỏe mạnh để làm việc. Tuy nhiên, do lực lượng nhân sự một phần đã về quê dẫn đến khó tuyển dụng lao động trong thời gian tới”. Giám đốc Wepar cũng hy vọng được Nhà nước hỗ trợ chi phí làm xét nghiệm hoặc hỗ trợ thêm bởi đây là một khoản chi khá lớn nếu xét nghiệm thường xuyên; ngân hàng giảm lãi vay… Bên cạnh đó, DN này mong muốn được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc vận chuyển hàng hóa.
Từ khi nhà máy gián đoạn sản xuất khi phát hiện nhiều ca F0, Công ty Vissan đã tổ chức song song hai hình thức: vừa “3 tại chỗ” vừa cho công nhân về nhà theo kiểu “4 xanh” (người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh). Trong đó, riêng nhóm “4 xanh” phân chia theo nhóm và luân phiên thay đổi ca làm việc để tránh tiếp xúc. Hiện, Vissan đang khôi phục sản xuất và đạt gần 100% công suất nhà máy. “Không có phương án nào tối ưu và vẫn có những rủi ro nhất định, bởi hiện nay số ca nhiễm quá nhiều. Tùy theo ngành hàng và điều kiện thực tế, nên cho phép DN chọn mô hình phù hợp nhất để có thể vừa hoạt động vừa bảo đảm sức khỏe người lao động” - Tổng Giám đốc Công ty Vissan Nguyễn Ngọc An cho biết.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Công nghệ HTP Ngô Vi Đồng, trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, DN xác định phải thích ứng an toàn với dịch và không thể phục hồi lại như cũ ngay tức thời. Do vậy, công ty đã và đang cố gắng duy trì, tăng cường bảo đảm an ninh để có thể tự mình vượt khó. Cụ thể, đơn vị đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quá trình thực hiện giám sát các hoạt động của cán bộ, công nhân viên, những báo cáo từ bộ phận, các cấp đến lãnh đạo, cụ thể như ứng dụng phần mềm quản lý quan hệ khách hàng; quản lý từ xa và các hoạt động khác đều liên quan tới CNTT để duy trì giám sát 24/24 giờ đối với DN; mỗi phòng ban đều có những cán bộ đảm bảo việc giám sát chặt chẽ các hoạt động trong DN. “Chúng tôi thực hiện rất nhiều biện pháp để duy trì kết nối với nhân viên, mục đích để làm sao không một nhân viên nào không thể kết nối với lãnh đạo. Chúng tôi cũng cố gắng duy trì mức lương cho nhân viên và tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, mời các chuyên gia tâm lý để chia sẻ với công nhân tại các DN của mình trong đợt dịch này” - ông Ngô Vi Đồng chia sẻ.
Ở góc độ DN, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP Hồ Chí Minh Đỗ Phước Tống nhận định: “Về lâu dài, DN rất khó có thể lo cho công nhân ăn ngủ tại chỗ một cách đầy đủ và trong thời gian kéo dài. Mặc dù chúng tôi thực hiện “3 tại chỗ” luân phiên bằng những nhóm khác nhau, nhưng một số bộ phận vẫn có F0 phải cho họ nghỉ về điều trị. Sau này, kiểm soát chặt chẽ hơn, chúng tôi lại chia ra: khi quay trở lại công ty, những công nhân nào ở trong “vùng đỏ” thì sẽ mang thẻ đỏ, công nhân nào ở “vùng xanh” thì mang thẻ xanh. Vì thế, chúng tôi rất cần thành phố cung cấp hệ thống dữ liệu về các vùng xanh, đỏ, cam, vàng.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu tư vấn, để tái khởi động nền kinh tế, thành phố và DN cần các bước đi “chậm mà chắc”. Cụ thể, ông Hiếu đưa ra nhiều giải pháp như nới lỏng từng vùng của thành phố xác định rõ vùng xanh, đỏ, cam, vàng để nới lỏng vùng xanh và giãn cách nghiêm vùng đỏ; cần nới lỏng cho các shipper và ngành vận chuyển để phục vụ cung ứng hàng hóa đầy đủ cho người dân; cho người dân được phép di chuyển, buôn bán trở lại với những điều kiện kèm theo; cho phép phương tiện công cộng hoạt động một cách có chọn lọc. “Đối với DN cần phân loại, DN nào bảo đảm an toàn, an ninh cho người lao động thì ưu tiên cho họ mở cửa một phần, sau đó từ từ mở hết. Những DN đang thực hiện tốt “3 tại chỗ” nên tiếp tục duy trì một thời gian. DN nào tạo ra việc làm cho nhiều lao động và có tầm quan trọng đối với nền kinh tế của TP Hồ Chí Minh thì hỗ trợ cho họ mở cửa trước…” - ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) Chu Tiến Dũng cho rằng, cần có nhiều điều kiện để các DN tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sớm bắt nhịp hoạt động trở lại. Một trong những vấn đề quan trọng là điều kiện vay vốn trong bối cảnh rất nhiều DN đang thiếu hụt dòng tiền sau thời gian dài đối phó với dịch bệnh và cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, vấn đề tiêm vắc-xin cho người lao động cần phải được đẩy mạnh để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch khi DN hoạt động trở lại. Theo báo cáo của HUBA, hiện đã có khoảng 84% số DN trên địa bàn thành phố đã hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 1 cho người lao động, 16% đang cố gắng tiếp cận nguồn vắc-xin và sớm lên kế hoạch tiêm chủng.