Doanh nghiệp cần tự bào chế 'vắc xin tinh thần' trong đại dịch
Vắc xin cho Covid-19 thì có thể phải mất nhiều thời gian nữa mới có, nhưng 'vắc xin cho tinh thần' đối với doanh nhân, doanh nghiệp thì cần phải có ngay và luôn!
Trong bối cảnh khủng hoảng toàn diện trên mọi cấp độ và mọi phương diện như hiện nay, không một quốc gia hay một tổ chức nào đứng ngoài dòng chảy biến động khủng khiếp đó.
Đây cũng là lúc cộng đồng doanh nghiệp cùng trăn trở về câu hỏi “Sức mạnh tinh thần nào sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua biến cố?” và cần tìm ra những phương pháp luận thiết yếu để mỗi người có thể tự bào chế 'vắc xin tinh thần' cho bản thân và cho cả doanh nghiệp mình, từ đó gia tăng sức khỏe tinh thần và sức mạnh tinh thần để không chỉ có khả năng vượt qua khủng hoảng trước mắt, mà còn mở ra những vận hội mới cho mình và doanh nghiệp của mình.
Ông Giản Tư Trung, người sáng lập Học viện Quản lý PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED đã chia sẻ như thế trong tọa đàm “Quản trị sức khỏe tinh thần của doanh nhân thời đại dịch” do TheLEADER tổ chức.
“Thực ra nếu không có Covid-19 thì thế giới này vẫn bị khủng hoảng, nhưng sự tấn công của Covid-19 đã đẩy mức độ khủng hoảng tăng lên bội phần. Tôi cho rằng cuộc khủng hoảng sâu rộng lần này không phải là “khủng hoảng kép” (khủng hoảng y tế và kinh tế), mà là “khủng hoảng chồng”, vì không chỉ là khủng hoảng y tế và kinh tế, mà còn là khủng hoảng về văn hóa, chính trị, xã hội... trên khắp toàn cầu.
Tất cả mọi khía cạnh đều bị tê liệt, với độ phủ khốc liệt bao trùm trên toàn thế giới, khắp các quốc gia, đến từng gia đình, từng cá nhân. Không một ai, không một doanh nghiệp nào, không một tổ chức nào có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng này, sự tác động này cũng ảnh hưởng cả nhân mạng lẫn của cải, cả vật chất lẫn tinh thần.
Có thể nói chưa bao giờ loài người chứng kiến một cuộc khủng hoảng sâu và rộng đến như vậy trong lịch sử hàng ngàn năm. Ngày xưa dịch bệnh cũng hoành hành, nhưng do thế giới chưa mở cửa như hiện nay, giao thông và truyền thông cũng chưa phát triển, nên sự lây lan của dịch bệnh có giới hạn, con người có thể chủ động phong tỏa từng địa phương, từng quốc gia để dập dịch.
Thực tế trong nhiều trường hợp, dịch bệnh tự sinh, tự diệt. Nhưng bây giờ giao thông và truyền thông phát triển quá mạnh, cả thế giới gần như chung một mái nhà về địa lý và giao tiếp, đẩy khủng hoảng lên tầm mức chưa từng có trong lịch sử loài người về mọi khía cạnh, mọi cấp độ, mọi phương diện”.
“Vắc xin cho tinh thần” là gì?
Là người luôn tư duy mọi vấn đề một cách khúc chiết và chuyển thành phương pháp luận, những thắc mắc, suy tư của các doanh nhân trong buổi tọa đàm chợt trở nên sáng rõ, mọi người dường như vỡ òa, đồng cảm và thấu hiểu mình hơn khi lắng nghe những phân tích cụ thể, đi sâu vào căn nguyên sức khỏe tinh thần của ông Giản Tư Trung.
“TheLEADER đặt ra vấn đề sức khỏe tinh thần của doanh nhân vào thời điểm này tôi cho rằng vô cùng cần thiết và kịp thời. Lâu nay, mở các báo ra mỗi ngày chỉ thấy con số bao nhiêu người chết, dịch bệnh đang hoành hành, vaccine thì chưa có, kinh tế châu Âu, Mỹ tăng trưởng âm, doanh nghiệp phá sản, thất nghiệp tăng vọt… làm sao mà tâm an được? Nhưng nếu chúng ta biết tìm lối ra trên tinh thần khai minh, khai sáng, dựa trên những giá trị bất biến, nền tảng nhân tính, nhân văn… thì những việc mình làm tự tin hơn rất nhiều.
Một câu hỏi mà tôi thường được nghe gần đây từ các anh chị doanh nhân là “Khi nào thì kinh tế sẽ phục hồi”, “Có phép màu nào không để kinh tế phục hồi”, “Khi nào thì nhịp sống có thể bình thường trở lại”… Đây là những câu hỏi rất nhức nhối. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về câu trả lời, chắc chỉ có phép màu duy nhất là khi nào có vắc xin trị Covid-19. Vắc xin Covid-19 thì phải nhiều thời gian nữa mới có, nhưng vắc xin cho tinh thần thì phải có ngay và luôn, không chờ được.
Vậy ai sẽ là người đưa vắc xin tinh thần cho chúng ta? Không có ai cả, chỉ có chính mình mới bào chế ra vắc xin tinh thần cho mình, chỉ có gia đình mình mới bào chế ra vắc xin tinh thần cho gia đình mình, chỉ có doanh nghiệp mình mới bào chế vắc xin tinh thần cho doanh nghiệp mình, và chỉ có quốc gia mình mới bào chế ra vắc xin tinh thần cho quốc gia mình mà thôi.
Đây là vấn đề rất lớn và rất sâu, nói bao nhiêu cũng không đủ. Khi tôi chia sẻ lần đầu về chủ đề này trên diễn đàn trực tuyến của Học viện PACE hồi tháng 4/2020, thấy mọi người đặc biệt quan tâm. Đặc biệt trong bối cảnh này, chúng ta càng thấy rõ nếu ai trụ vững về tinh thần thì khả năng vượt bão sẽ mạnh hơn. Ai không trụ vững sẽ khó có thể tồn tại.
Để bào chế vắc xin tinh thần, đầu tiên phải trả lời một cách khoa học sức khỏe là gì? Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khỏe là một trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không chỉ đơn giản là có bệnh hay không có bệnh. Nghĩa là, thể chất không có bệnh cũng chưa chắc đã là khỏe.
Một người có sức khỏe tinh thần tốt thứ nhất là tâm hồn phải thật bình an. Muốn có tâm hồn bình an thì không được làm chuyện xấu, chuyện ác.
Thứ hai là phải có niềm tin vào cuộc đời, hy vọng vào tương lai. Không có niềm tin vào cuộc đời, không biết vui sống ở hiện tại và không có hy vọng vào tương lai thì tinh thần khó mà khỏe được.
Tuy nhiên, có bình an, có niềm tin và hy vọng vẫn chưa được xem là người có sức khỏe tinh thần tốt. Bởi có những người ban ngày giết người cướp của mà tối về ngủ vẫn rất ngon, tâm hồn cực kỳ bình an. Vì sao vậy? Vì họ thiếu yếu tố thứ ba là lương tri. Với người có lương tri, khi làm chuyện xấu, chuyện ác, tâm hồn của họ không thể bình an được.
Một định nghĩa khác của MetalHealth.gov tôi cho là khá trọn vẹn: “Sức khỏe tinh thần là tình cảm, tâm lý và hạnh phúc xã hội của chúng ta. Nó ảnh hưởng đến cách chúng ta nghĩ, cách chúng ta cảm nhận và cách chúng ta hành dộng. Nó cũng giúp quyết định cách chúng ta kiểm soát căng thẳng, mối quan hệ với người khác và đặc biệt quyết định cách chúng ta đưa ra các lựa chọn”.
Đằng sau một cơ thể cường tráng không thể được xem là khỏe mạnh nếu mang một tâm hồn bệnh hoạn, hay thiếu chí khí và sức mạnh nội tâm. Một người như thế chỉ cần một tác động nhẹ từ bên ngoài sẽ bị gục ngã ngay, không thể đứng vững trước khủng hoảng, chứ đừng nói khủng hoảng kép hay khủng hoảng chồng.
Sức khỏe tinh thần tốt sẽ giúp con người nhận ra, phát huy hết tiềm năng của mình, kiểm soát mọi căng thẳng phát sinh trong cuộc sống và công việc, làm việc một cách hiệu quả, tạo ra những đóng góp cống hiến có ý nghĩa cho tổ chức, xã hội. Đó là những giá trị rất ý nghĩa.
Với doanh nhân lại cần nhiều tiêu chuẩn hơn. Lãnh đạo có sức khỏe tinh thần mới có thể giúp cho nhân viên có sức khỏe tinh thần và từ đó giúp cho doanh nghiệp có sức khỏe tinh thần. Có thể nói, sức khỏe tinh thần của con người sẽ quyết định sức mạnh tinh thần của doanh nghiệp.
Những biểu hiện phổ biến nhất của căn bệnh tinh thần trong khủng hoảng?
Ông Trung cho rằng, muốn khỏe thì phải biết bệnh và trị bệnh. Bệnh tinh thần có nhiều triệu chứng như đau đớn, buồn bực, cáu bẳn, hoảng loạn, sợ hãi, lo âu, hoang mang, bất an, căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm, u uất…
Tuy nhiên, tựu chung lại có ba nhóm biểu hiện rõ rệt nhất là: Hoảng loạn, đau đớn, lo sợ. Hoảng loạn là khi nhìn thấy những tai họa đang diễn ra. Đau đớn là khi nghĩ về những gì đã và đang mất mát. Lo sợ là khi nghĩ đến những nguy hiểm, mất mát tiếp tục xảy ra trong tương lai.
“Khủng hoảng Covid-19 đã cướp đi của con người quá nhiều thứ. Mất người thân, mất việc làm, mất tiền của, mất cơ hội, mất tự do… khiến người ta đau đớn. Nếu không cướp đi cái gì của mình thì cũng cướp đi quá nhiều của người khác khiến ta không thể không đau lòng. Tôi rất ấn tượng với câu nói của Karl Marx trong bộ phim “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy: “Chỉ có con thú mới quay lưng lại trước nỗi đau của đồng loại để chăm sóc cho bộ da của mình”, con người không thể làm được điều này.
Còn về hoảng loạn, không phải cá nhân nào, doanh nghiệp nào, quốc gia nào cũng giữ được bình tâm. Chưa bao giờ con người ta dễ ‘nổi điên’ như bây giờ. Người ta lo sợ vì sẽ mất mát tiếp tục trong tương lai. Rồi lo âu, sợ hãi, hoảng loạn, bực bội, nóng giận, căng thẳng, u uất, trầm cảm… không biết ngày mai có mất việc không? Công ty có phá sản không… Nói chung là đủ cả.
Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ trị “triệu chứng” thì sẽ trị hoài không khỏi. Muốn giải quyết khủng hoảng về sức khỏe tinh thần, theo tôi, phải trở lại từ căn nguyên”.
Hành trình bào chế “vắc xin tinh thần” cho doanh nghiệp trong đại dịch
“Theo tôi, cách tốt nhất thoát khỏi nỗi đau là phải biết buông bỏ. Cách tốt nhất thoát khỏi sợ hãi là tìm được lối ra. Cách tốt nhất để thoát khỏi hoảng loạn là tìm thấy sự vững vàng từ bên trong. Có thái độ sống phù hợp, luôn hi vọng vào những điều tốt đẹp nhất, đồng thời luôn chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất. Nếu không sẽ rất dễ bị đau đớn, sợ hãi, hoảng loạn. Đó là cách chúng ta sống chung mạnh mẽ với thời cuộc và vượt qua mọi biến cố!
Song song với khủng hoảng về y tế và kinh tế là khủng hoảng về văn hóa. Lâu nay chúng ta đã thấy khắp nơi trên thế giới, nhiều giá trị bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, nhiều niềm tin bị đổ vỡ. Mô tả về thế giới này chúng ta cũng có thể gói gọn trong một từ, đó là “thời loạn”. Nếu như ngày xưa người ta nói làm sao để “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” ngày nay ta có thể nói làm sao để “Tâm bất biến giữa dòng đời tỷ tỷ biến”.
Mức độ “biến” của thời cuộc ngày càng khủng khiếp hơn. Và cách duy nhất để ta vững vàng từ bên trong thì phải chạm vào những giá trị vượt không gian và vượt thời gian. Vậy giá trị gì mới bất biến, trường tồn? Chỉ có một thứ, đó là “nhân bản”.
Nói cách khác, trong kỷ nguyên “tỷ tỷ biến” này, khi con người ta được khai mở về nhân tính thì sẽ xây dựng mọi thứ (cuộc đời, gia đình, tổ chức, quốc gia…) dựa trên tính nhân bản (nhân bản với chính mình và với người khác) thì sẽ có cơ hội đạt đến sự bền vững trong tồn tại và phát triển. Ngược lại sẽ bị tiêu vong, dù có hùng mạnh hay cường thịnh tới cỡ nào.
Có một điều chắc chắn, đại dịch này sẽ tác động đến loài người một cách ghê gớm, buộc chúng ta phải sống khác, làm khác, lãnh đạo khác, học khác, chơi khác… tất cả mọi thứ đều phải khác. Những điều trước giờ chưa từng xảy ra thì bây giờ sẽ xảy ra. Tuy nhiên, thay đổi theo hướng tốt hơn hay tệ đi đều do sự lựa chọn của mình.
Chẳng hạn, trong kỷ nguyên mới, con người ngày càng độc lập và tự do hơn, nên chúng ta khó mà quản trị hay lãnh đạo thành công theo cách cũ được. Bởi lẽ, quản trị thì khác với cai trị, lãnh đạo thì khác với cầm quyền, doanh nhân thì khác với trọc phú và con buôn, tự do thì khác với hoang dã, đức tin thì khác với mê tín, cá tính thì khác với quái tính…
Tôi cho rằng, ngày nay, cách tốt nhất để lãnh đạo người khác là giúp người đó biết cách tự lãnh đạo họ. Cụ thể hơn là giúp họ tự lực khai khóng chính mình, tìm ra mình và làm ra mình, rồi sống hết mình với công việc và đồng hành cùng công ty.
Riêng trong bối cảnh đại dịch và khủng hoảng này, có 3 lối tư duy: thúc thủ, thích ứng, kiến tạo, mình chọn tâm thế nào? Dứt khoát không nên thúc thủ chờ chết, phải thích ứng để sống sót, tìm mọi cách để sống sót. Thái độ cao hơn sự thích ứng là kiến tạo ra một thời kỳ mới cho mình và tổ chức của mình.
Đại dịch không chỉ gây ra tại họa, mà còn giúp cho loài người nói chung và mỗi người nói riêng một “khoảng lặng” quý giá để tư duy lại những vấn đề căn cốt của nhân sinh, tư duy lại về cuộc đời và con người, về hạnh phúc. Nếu đại dịch không xảy ra, con người có khi chẳng có “khoảng lặng” nào, vì cuộc sống bộn bề sẽ cuốn ta đi mãi rồi quên đi những thứ quan trọng.
Tôi nghĩ, trong giai đoạn này, nếu tư duy “sống sót” thì khả năng sống sót sẽ không cao. Còn nếu tư duy “bứt phá” thì sẽ không chỉ sống sót mà còn tạo ra những vận hội mới chưa từng có cho doanh nghiệp mình. Khi đó có dòng xung điện mãnh liệt trong người mình, để truyền xung lực đó cho nhân viên, để kiến tạo ra một thời kỳ mới. Cái gì mất đã mất rồi, ngồi đó đau đớn cũng chỉ làm cho mình thêm kiệt sức. Chi bằng hãy đi tìm lối ra, thích ứng, và kiến tạo!
Trong bối cảnh không ít doanh nghiệp khó khăn hiện nay, tôi nghĩ đến câu chuyện của Chung Ju-yung, nhà sáng lập của Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc. Cuộc đời doanh nhân của ông ấy không ít lần xuống bùn đen, nhưng rồi lại sống sót và bứt phá ngoạn mục. Cuối đời ông ấy đã đúc kết rằng, cuộc đời “không có thất bại, tất cả chỉ là thử thách”.
Trước khi ông trời dự định trao cho mình một việc lớn hơn, sẽ “nắn gân” mình xem thử thế nào, nếu mình chịu đựng được thì sẽ trao tiếp cơ hội, còn nếu không biết vượt qua thử thách thì mình không xứng đáng được trao tiếp cơ hội.
Thay cho lời kết, ông Trung cho rằng: “Lý tưởng mà chúng ta theo đuổi, giá trị mà chúng ta dựa vào, tầm nhìn mà chúng ta chọn lựa, khả năng sinh tồn mà ta có chính là sức mạnh tinh thần của ta, nó không chỉ giúp chúng ta vượt qua đau đớn, hoảng loạn, sợ hãi, mà còn giúp chúng ta biết thích ứng để sống sót, biết kiến tạo để bứt phá”.
“Một khi con người có lẽ sống, họ có thể vượt qua mọi khó khăn, biến cố, nghịch cảnh của cuộc đời. Một công ty cũng vậy, khi có lý do để tồn tại, có sứ mệnh để theo đuổi, có giá trị cốt lõi để dựa vào, thì họ có một sức mạnh ghê gớm để vượt qua những khó khăn của thời cuộc. Đó chính là “bà đỡ”, nền tảng vô cùng quan trọng cho sức khỏe tinh thần. Khi khó khăn và nghịch cảnh không thể làm ta gục ngã thì chắc chắn sẽ làm cho ta mạnh mẽ hơn bội phần”, ông Trung kết luận.