Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phòng vệ thương mại
Xuất hàng sang nước bạn mới biết hàng nằm trong danh mục bị áp thuế phòng vệ thương mại ở mức cao nhất, container hàng sắp cập cảng mới biết hạn ngạch ưu đãi thuế quan dành cho ngành hàng đã hết - đó chỉ là 2 trong số rất nhiều câu chuyện cho thấy, nếu doanh nghiệp chưa đặt đúng vai trò của biện pháp phòng vệ thương mại thì sẽ… hụt hơi trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Đối mặt với áp lực từ hàng hóa nhập khẩu
Việt Nam hiện đã tham gia 14 hiệp định thương mại tự do (FTA), 13 hiệp định đã có hiệu lực. Đây là một con số chứng tỏ mức độ hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam, mang lại nhiều lợi thế cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam), thì “nhiều cơ hội nhưng thác thức không nhỏ”.
Bà Trang phân tích, thách thức trước hết chính là cạnh tranh trên thị trường nội địa. Rà soát cho thấy, các nguồn cung nhập khẩu (NK) hàng hóa vào Việt Nam cũng đồng thời là những nước bị kiện phòng vệ thương mại (PVTM) nhiều nhất trên thế giới. Ví dụ như Trung Quốc, nguồn NK lớn nhất vào Việt Nam đã bị kiện hơn 1550 vụ trong 25 năm (kể từ năm 1995). Rõ ràng rủi ro mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang phải chịu trước nguồn hàng hóa NK nước ngoài rất lớn.
Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp khó khăn trên toàn cầu do dịch Covid, xu hướng bảo hộ thương ở toàn thế giới tăng lên, Việt Nam càng có nhiều lý do lo ngại. Nhất là những nguồn hàng dư thừa, tồn đọng sẽ chuyển sang Việt Nam theo nhiều cách. Bà Trang chia sẻ: “Rủi ro từ hội nhập đã bắt đầu được cảm nhận khá rõ ràng. Hàng hóa nhập vào Việt Nam cạnh tranh không lành mạnh, họ bán phá giá để cạnh tranh, lâu dài gây thiệt hại cho người tiêu dùng và nền kinh tế. Để đối phó, Tổ chức thương mại thế giới đã ghi nhận những công cụ giúp nền sản xuất nội địa chống lại những điều này, do đó, nhu cầu cần công cụ để bảo vệ nền sản xuất trong nước là rất cao”.
Ở chiều xuất khẩu (XK), hàng hóa Việt Nam cũng đang phải chịu sức ép gia tăng từ các biện pháp PVTM. Theo số liệu từ Cục PVTM (Bộ Công Thương), số lượng các vụ kiện PVTM đối với hàng hóa XK của Việt Nam đang ngày càng tăng nhanh. Số liệu cho thấy, đến hết tháng 9/2020, Việt Nam đối mặt với 189 vụ kiện nhưng chỉ sau 15 ngày, đến giữa tháng 10/2020, số lượng vụ kiện đối với hàng hóa Việt Nam đã lên đến 193 vụ, đứng thứ 15 trên thế giới.
Cần coi phòng vệ thương mại như một chiến lược phát triển
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM, cho rằng không khó lý giải cho việc hàng hóa XK của Việt Nam bị gia tăng các vụ kiện PVTM bởi PVTM là biện pháp tồn tại trong thương mại quốc tế khá lâu. Những nước càng hội nhập, càng tự do hóa thương mại thì sẽ đối mặt với việc sử dụng các biện pháp PVTM ngày càng nhiều, kim ngạch XK tăng cao thì phải đối mặt với nhiều vụ việc là điều bình thường. Khi hàng hóa của Việt Nam được ưu đãi trong các FTA với mức độ cắt giảm thuế quan lớn thì doanh nghiệp Việt có lợi thế XK hơn các nước khác, năng lực sản xuất tăng lên để theo kịp tiến độ XK hàng hóa… càng gặp nhiều nguy cơ đối diện với PVTM.
Do đó, ông Dũng cho rằng, DN cần phải coi biện pháp PVTM là thực tế tất yếu phải đối mặt, phải đặt vấn đề PVTM là một phần trong chiến lược kinh doanh của mình. Bởi chính các vấn đề liên quan đến biện pháp PVTM cũng là một yếu tố góp phần bảo vệ sản xuất trong nước và nguyên liệu đầu vào.
Bà Trang cũng đồng tình khi khẳng định, các cơ quan nhà nước không thể coi PVTM như một mục tiêu để xây dựng nhưng DN thì cần phải xây dựng chiến lược PVTM, phải coi đây là một vấn đề quan trọng trong xây dựng chiến lược phát triển DN. Nếu không coi trọng vấn đề về PVTM, DN thường sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong cạnh tranh, không chỉ ở thị trường XK mà còn ngay chính thị trường trong nước.
Đề cập đến việc DN phải có bộ phận chú trọng đến vấn đề PVTM, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục PVTM chia sẻ 2 câu chuyện liên quan đến việc DN xuất hàng đi và “chịu trận” hoàn toàn trước thông tin hàng hóa bị áp thuế NK cao. Đó là chuyện một DN chuyên XK túi không dệt, khi ký hợp đồng XK đi không kiểm tra các vấn đề liên quan đến PVTM, chỉ khi đến hải quan nước bạn mới biết mặt hàng này đang bị áp thuế PVTM với mức thuế cao nhất (35%). Một DN khác xuất hàng sang một nước châu Âu, khi hàng chuẩn bị cập cảng nước này mới biết mức thuế quan ưu đãi áp dụng cho mặt hàng của DN đã hết hạn ngạch ưu đãi.
“Đến khi có chuyện xảy ra, DN gọi cho Bộ Công Thương thì chúng tôi cũng không biết phải làm thế nào để giúp được bởi nếu các nước đã đưa ra những biện pháp PVTM thì Bộ cũng không thể can thiệp được. Đó chính là lý do buộc DN khi đã tham gia kinh doanh cần phải hiểu biết, nắm bắt được ngành nghề, sản phẩm mình kinh doanh, sản xuất luôn để ý đến các biện pháp PVTM với sản phẩm của mình để đối phó kịp thời” - bà Giang nói.