Doanh nghiệp: Cần xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc theo chính ngạch
Giám đốc Hoàng Phát Fruit cho biết việc doanh nghiệp Việt Nam chỉ xuất khẩu theo đường bộ dẫn tới tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu, đặc biệt khi Trung Quốc áp dụng 'Zero Covid'.
Tại diễn đàn Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 6/1, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit cho biết phía Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Việt Nam về việc nên xuất khẩu thanh long theo đường chính ngạch.
"Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam không nghe theo khuyến cáo và chỉ xuất đi đường bộ dẫn tới việc ùn ứ tại các cửa khẩu, đặc biệt khi Trung Quốc thực hiện 'Zero Covid' tạm ngưng thông quan", ông nói.
Theo đó, ông Huy khuyến cáo các doanh nghiệp nên chuyển qua hình thức xuất khẩu qua đường biển và khắc phục vấn đề có virus SARS-CoV-2 trên quả thanh long và các thùng hàng.
Ông cho biết Trung Quốc là nền kinh tế phát triển thứ 2 và dân số lớn nhất thế giới, đặc biệt Việt Nam xuất khẩu nông sản sang nước này với số lượng rất lớn.
"Thực tế, xuất khẩu đi 50 nước gần đó cũng không bằng một Trung Quốc. Theo thống kê, tổng sản lượng Việt Nam xuất vào thị trường Nhật Bản hay Hàn Quốc bằng 2 ngày xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc”, ông Huy so sánh.
Siêu thị vào cuộc
Về việc phát triển xuất khẩu sang thị trường châu Âu, ông Huy cho rằng khá khó khăn vì khoảng cách địa lý. "Tôi vừa xuất khẩu một container hàng, thời gian dự kiến đi tàu là 26 ngày nhưng thực tế mất 45 ngày, đến nơi hàng hóa đã hư hỏng 60%", ông nói.
Bà Trần Kim Nga - Giám đốc đối ngoại MM Mega Market - cho biết khi nhận thông tin hàng hóa ùn ứ trên cửa khẩu phía Bắc, đơn vị đã chủ động liên lạc với Bộ Công Thương với ý định tổ chức chương trình chung tay hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ nông sản.
"Về thanh long, bắt đầu từ ngày 7/1 đến Tết Nguyên đán, MM Mega Market sẽ triển khai chương trình tiêu thụ sản phẩm thanh long từ các tỉnh miền Tây tại 21 trung tâm trên toàn quốc với mức giá bán không lợi nhuận", bà nói
Bà cho biết thanh long sẽ được dành riêng một khu vực để trưng bày và được bố trí tại nơi có lưu lượng khách hàng nhiều nhất, bên cạnh đó triển khai chương trình "truck-sell", bán hàng trên xe tải ngay trong khuôn viên siêu thị để khách hàng dễ tiếp cận.
Tương tự, từ ngày 4/1, hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market thuộc tập đoàn Central Retail cũng triển khai chương trình “Đồng hành cùng nông dân, đẩy mạnh tiêu thụ trái thanh long”.
Các sản phẩm thanh long trắng, đỏ đều đảm bảo chất lượng tươi ngon và có giá bán tốt. Cụ thể, giá bán thanh long ruột đỏ tại GO!, Big C miền Nam chỉ 12.900 đồng/kg, và tại khu vực Hà Nội là 15.900 đồng/kg.
Dự kiến, ngay trong tuần đầu tiên áp dụng chương trình, các siêu thị của Central Retail sẽ tiêu thụ khoảng 20 tấn thanh long và sẽ nâng dần sản lượng tiêu thụ căn cứ vào sức mua đang tăng mạnh từng ngày, dịp cuối năm.
Tìm đầu ra cho 300.000 tấn thanh long tại Nhật, Ấn Độ, châu Âu
Trong thời gian tới, 300.000 tấn thanh long đang chuẩn bị thu hoạch trong bối cảnh không thể xuất khẩu sang Trung Quốc là bài toán nan giải của Bộ NNPTNT, các địa phương như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và các doanh nghiệp...
Ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản - cho biết từ năm 2009, Nhật Bản đã cho phép nhập khẩu sản phẩm thanh long ruột trắng của Việt Nam. Năm 2017, quả thanh long ruột đỏ cũng đã được cấp phép xuất khẩu sang nước này.
"Một số sản phẩm nông sản xuất khẩu từ Việt Nam sang bị phát hiện vi phạm liên quan đến dư lượng, tiêu chuẩn, sai chủng loại... Nếu phía Việt Nam không kiểm soát tốt chất lượng sẽ bị cấm xuất khẩu, việc gỡ bỏ lệnh cấm rất mất thời gian”, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản lưu ý.
Đối với đầu ra cho thanh long, ông Minh đề xuất thực hiện những trang quảng bá, giới thiệu nông sản Việt Nam trên các trang thương mại điện tử của Nhật Bản. Bắt đầu từ đầu năm 2022, phối hợp với Bộ NNPTNT có những chương trình quảng bá sản phẩm Việt Nam tại thị trường Nhật.
Tương tự, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ - cho biết thị trường Ấn Độ được đánh giá rất tiềm năng đối với nông sản Việt Nam, trong đó có mặt hàng thanh long.
"Ấn Độ là thị trường 1,4 tỷ dân, tỷ lệ người ăn chay và thói quen sử dụng hoa quả rất nhiều, do đó nhu cầu hàng năm về mặt hàng này rất lớn. Xuất khẩu hoa quả, hạt tươi của Ấn Độ năm tài chính 2020-2021 là 1,350 tỷ USD, nhập khẩu 3,159 tỷ USD", ông nói.
Với cộng đồng doanh nghiệp, ông cho rằng cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, tích cực tham gia các diễn đàn xúc tiến thương mại, chủ động giao lưu, kết nối và trao đổi với đối tác, thận trọng trong quá trình đàm phán, ký kết thị trường, lưu ý về bao bì nhãn mác sản phẩm…
Ông Như Nguyễn - Giám đốc Công ty VIEC - Đại diện thương mại Xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam cũng thông tin nông sản từ châu Á được coi là “siêu thực phẩm” ở châu Âu. Thanh long đang dần trở thành một mặt hàng như vậy, đặc biệt tại Hà Lan.
Theo ông Nguyễn, giá thanh long ở siêu thị vào khoảng 260.000 đồng với quả 400g. Sở dĩ giá thanh long cao như vậy, là bởi chi phí vận chuyển, logistics từ các vùng trồng.
"Hà Lan được xem là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa nông sản vào châu Âu. Để đưa được thanh long vào Hà Lan, sản phẩm phải đạt chứng nhận GlobalGAP và khoảng 150 tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, màu đỏ của trái phải chiếm hơn 70%, cuống phải cắt hoàn toàn và tai không dài quá 1,5 cm", ông lưu ý.