Doanh nghiệp căng mình thích ứng với 'bão giá'
Giá xăng dầu liên tục tăng khiến doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh khi nguyên liệu đầu vào, dịch vụ logistics đều tăng thêm. Hiện nhiều DN đang cố gắng cân đối, thương lượng, chia sẻ cùng nhau, giảm bớt chi phí để duy trì sản xuất.
Nhiều áp lực
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, DN đang trên đà phục hồi lại phải đối mặt với giá xăng dầu tăng, tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên rất nhiều lĩnh vực. Thực tế đó đã và đang khiến DN lo lắng về các đơn hàng đã ký kết với các đối tác không đáp ứng kịp cũng như việc thắt chặt chi phí để thích ứng và tồn tại.
Nhiều DN sản xuất cho rằng giá xăng dầu tăng nhanh với biên độ lớn dẫn đến DN khó trở tay do đa số đơn hàng đều ký hợp đồng trước với đối tác. Trong 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho lợi nhuận của các DN bị thu hẹp, có những DN chấp nhận sản xuất hòa vốn để duy trì hoạt động, giữ chân người lao động. Với việc giá xăng dầu tăng như hiện nay, nhiều DN sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Theo bà Trương Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giày da, túi xách tỉnh, hiện nhiều DN quay trở lại nhịp độ sản xuất như trước dịch bệnh, đã ký hợp đồng với đối tác hết quý II-2022. Tuy nhiên, đối diện với nỗi lo thiếu hụt lao động chưa xong, giá xăng dầu tăng liên tục, chi phí logistics, vận chuyển, nguyên phụ liệu tăng... trong khi đó lại không thể tăng thêm giá sản phẩm ngay để bù lỗ, ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh của DN .
Đồng quan điểm với thực tế này, ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long, cho biết giá xăng lên, DN rất khó khăn với những đơn hàng đã ký kết từ trước. DN chỉ có thể thương lượng với khách hàng, nếu họ chấp nhận cho điều chỉnh giá sẽ bớt áp lực. “Trong bối cảnh hiện nay, các DN đều phải tính toán cắt giảm những khâu không quan trọng để duy trì hoạt động. DN sẽ rơi vào thế bị động vì không tính toán sát được giá thành cho sản phẩm khi nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia. So với đầu năm 2020, giá container xuất khẩu vào Hoa Kỳ đã lên gấp 10 lần. DN hiện đang rất lo lắng khi tình hình thế giới bất ổn, nguồn cung năng lượng, vận tải bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện chưa có giải pháp nào tối ưu, nhiều DN đang trông đợi chính sách giảm thuế, lãi suất của Chính phủ để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Tín nói.
Sẻ chia khó khăn
Theo nhiều DN, đầu năm 2022, tình trạng thiếu container vừa mới được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn, nay tiếp tục quay trở lại giai đoạn khó khăn như năm 2021. DN không dám ký kết những hợp đồng lớn vì chưa lường hết được biến động của thị trường.
Theo ông Vương Siêu Tín, trong bối cảnh chi phí tăng cao, các DN sản xuất phải nỗ lực, tái cấu trúc hoạt động để chi phí thấp nhất. Điều đáng mừng, hiện các DN gốm sứ chú trọng khâu đầu tư công nghệ tự động để thích ứng và phát triển. Cộng đồng DN cũng rất mong các bộ, ngành có những giải pháp để ổn định hoặc giảm giá nguyên liệu, bởi với xu hướng tăng giá và những biến động thế giới hiện nay, DN sẽ tiếp tục phải chịu áp lực lớn hơn nữa về cấu thành giá.
Chia sẻ khó khăn với các DN, ông Phạm Văn Xô cho biết đối với phí vận tải, kho cạn, Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh cũng đàm phán với các đối tác. Đối với các hoạt động vận tải, phải tính toán khoa học để sử dụng được cả hai chiều. “Điều đáng mừng là trong khó khăn, chúng tôi đã ngồi lại với các đối tác, cân nhắc cùng nhau chia sẻ khó khăn. Hiện nay, các DN đối tác cũng cần nêu cao tinh thần giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Theo đó, giá vận tải, thuê kho đang được tính để 2 bên cùng có thể tồn tại và phát triển được. Hiện các DN đã và đang tính toán để đàm phán với doanh nghiệp đối tác về giá sản phẩm đầu ra ở kỳ đàm phán những lô hàng tiếp theo. Đây là niềm hy vọng giữ vững tăng trưởng trở lại của DN”, ông Xô cho biết.
Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương: Hiện nay, cùng với việc tăng giá xăng dầu, cước vận chuyển đã tăng lên từ 15 - 20% so với thời điểm nửa năm trước. DN gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh khi nguyên liệu cho sản xuất tăng giá, các dịch vụ như vận tải, phí thuê kho bãi cũng tăng, tất cả đều phải tính vào giá thành sản phẩm. Ông Xô cũng lo ngại về khả năng xuất khẩu sụt giảm khi kinh tế toàn cầu đều bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu. Giá xăng dầu liên tục tăng khiến chi phí nhiên liệu, giá cước vận chuyển, xếp dỡ tại các cảng đều tăng. Do đó, hiện nhiều đơn vị buộc phải điều chỉnh giá cước vận chuyển container tăng 10 - 30% so với đơn giá hiện tại. Tuyến vận chuyển từ các IDC đến Tân cảng Cát Lái tăng cao nhất 30%...
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/doanh-nghiep-cang-minh-thich-ung-voi-bao-gia-a267415.html