Doanh nghiệp 'căng mình' tìm hướng xuất khẩu
Dù thị trường may mặc đã có sự hồi phục đáng kể, nhưng vẫn nhiều khó khăn.
Sức mua trên thị trường yếu, đơn hàng cũng giảm nên các doanh nghiệp phải tìm hướng đi mới là cơ hội xuất khẩu sang các thị trường ngách, thị trường mới để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.
“Tấn công” sang thị trường mới
Dù thị trường may mặc đã có sự hồi phục đáng kể, nhưng vẫn nhiều khó khăn. Trước thực tế này, ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty Dệt may Dony “không chịu ngồi yên” mà linh hoạt ứng phó bằng cách chuyển hướng thị trường sang châu Phi, Trung Đông và đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á để tìm hiểu nhu cầu, tăng lượng đơn hàng.
“Tôi phải qua nước bạn để làm việc với đối tác. Từ các buổi nói chuyện, trao đổi và cho đối tác biết rõ hơn về năng lực của mình, khách hàng vì thế cũng tin tưởng và thấy được thiện chí của mình thay vì làm việc online”, vị CEO này tâm sự.
Cụ thể, từ cuối quý I/2024, để bù đắp cho lượng đơn hàng thất thoát ở thị trường Mỹ và EU, ông Phạm Quang Anh đã liên tục xuất ngoại sang các nước khu vực Đông Nam Á và nhanh chóng ký được các đơn hàng xuất khẩu sang đến quý III/2024 tại các quốc gia như: Singapore, Indonesia, Malaysia và Campuchia.
“Đây là những thị trường có biên độ cạnh tranh rất dữ dội nhưng vẫn có thể làm được và rất thuận lợi về logistics. Chi phí, thời gian vận chuyển rất phù hợp, thậm chí có nơi còn rẻ hơn trong nước. Đây là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh hiện nay”, ông Quang Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, Dony cũng “tấn công” sang thị trường Trung Đông để mở thêm cơ hội. “Nếu quá phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Mỹ, EU thì khi họ ‘hắt hơi mình cũng sổ mũi’, vì vậy, Dony chuyển hướng sang các thị trường ngách và thấy rằng các thị trường này rất tiềm năng”, CEO Dony nói thêm.
Năm nay, Công ty Thực phẩm Khánh Hà (chuyên chế biến, sản xuất và kinh doanh bún, phở khô) đặt mục tiêu đẩy mạnh vào thị trường xuất khẩu với mục tiêu 4.000 - 5.000 tấn sản phẩm/năm.
Bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc công ty cho hay, sẽ không hướng tới những thị trường trung cấp mà tập trung vào thị trường cao cấp tại Mỹ và châu Âu. Trong đó phải tạo ra sự khác biệt để chinh phục thị trường.
“Châu Âu luôn đặt cao tiêu chí phát triển bền vững, vì vậy Khánh Hà phải xây dựng vùng nguyên liệu, vùng trồng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, cùng với đó là phải đảm bảo nhà máy chế biến đạt chất lượng, sản xuất xanh.
Đồng thời, công ty cũng tập trung vào sản phẩm chế biến có sự khác biệt như bún, phở khô làm từ các loại đậu, ngũ cốc, thanh long ruột đỏ, lá bồ ngót hay ống hút bằng gạo… để thu hút khách hàng”, bà Hà cho biết.
Ở độ tuổi ngoài 60, “ông trùm gia vị” Nguyễn Trung Dũng, CEO Công ty Dh Foods vẫn miệt mài tham dự các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước với quyết tâm đưa các sản phẩm gia vị bản địa của Việt Nam lên bàn ăn thế giới.
“Dh Foods luôn xem việc tham gia các triển lãm quốc tế là cơ hội để sản phẩm của mình lọt vào mắt xanh của các nhà thu mua tiềm năng”, ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho hay, do có sự khác biệt về văn hóa, tín ngưỡng, tập quán tiêu dùng... nên lâu nay các doanh nghiệp Việt chưa chú trọng khai thác các thị trường Nam Mỹ, các nước Hồi giáo và Ấn Độ.
“Thị trường các nước Hồi giáo có sức mua tốt, tính cộng đồng rất cao; nếu một quốc gia đã chấp nhận sản phẩm của mình thì các quốc gia còn lại dễ dàng mở cửa đón nhận. Trong khi đó, thị trường Ấn Độ đông dân nhất thế giới, có tín ngưỡng đa dạng nhưng còn tương đối dễ tính trong tiêu dùng. Đây là những ‘mảnh đất’ mới mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tập trung khai phá”, ông Hòa nói.
Làm sao để chinh phục thị trường mới?
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngành thực phẩm, dệt may, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ đã bắt đầu khai thác những thị trường ngách như: Ấn Độ, Trung Đông, Úc, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ…, ban đầu đã có những kết quả khả quan.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và chính bản thân lãnh đạo các doanh nghiệp thừa nhận, muốn hái “quả ngọt” và đứng vững ở các thị trường này, đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động linh hoạt hơn trong việc đầu tư những sản phẩm ngách, thị trường ngách.
Đặc biệt, thời gian tới phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng rất cần gia tăng các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đưa doanh nghiệp tiến sâu vào những thị trường ngách, tạo sân chơi bền vững cho các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA cho hay, muốn chinh phục thị trường ngách, thị trường mới thì bản thân các doanh nghiệp phải thấu hiểu tập quán tiêu dùng, văn hóa, tín ngưỡng để có những sản phẩm phù hợp, có khả năng thâm nhập thị trường.
“Song song đó, doanh nghiệp cũng cần tăng cường xúc tiến bán hàng vào các thị trường truyền thống để duy trì đơn hàng”, ông Hòa nói.
Từ góc độ doanh nghiệp, CEO Dony Phạm Quang Anh cho hay, muốn chinh phục thị trường ngách cho riêng mình chỉ cần tạo một khác biệt nổi trội. Tuy nhiên, khác biệt này phải được khách hàng chấp nhận, nghĩa là phải phù hợp với nhu cầu tiềm ẩn của khách hàng mục tiêu và phải phù hợp với văn hóa các nước này.
Dẫn chứng tại thị trường Trung Đông, CEO này cho biết, đây là thị trường có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Người tiêu dùng khu vực này sẵn sàng trả giá cao để mua các sản phẩm chất lượng tốt.
“Tuy nhiên, khu vực này có sự đa dạng về văn hóa, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đầu tư, nghiên cứu, hiểu biết văn hóa, thói quen tiêu dùng và môi trường kinh doanh để chào bán sản phẩm phù hợp”, ông Quang Anh nói.
Theo chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương, việc phát triển các thị trường khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latinh… tuy nhỏ nhưng đang có tốc độ tăng trưởng cao và còn nhiều dư địa khai thác. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực ASEAN và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.
“Việt Nam đã và đang tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, 16/19 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu... Bên cạnh việc tận dụng cơ hội từ các FTA, đồng thời khai thác thị trường mới, cũng như sử dụng sản phẩm ngách để tạo lợi thế cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn, mở ra cơ hội cho xuất khẩu bền vững. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyền thống”. Chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doanh-nghiep-cang-minh-tim-huong-xuat-khau-post687971.html