Doanh nghiệp chăn nuôi trong nước 'kêu khó' vì gà, lợn nhập ồ ạt

Các hiệp hội chăn nuôi cho rằng, hàng hóa ngoại lấn sân khiến các sản phẩm chăn nuôi trong nước chịu áp lực cạnh tranh không công bằng. Về lâu dài việc gà, lợn nhập ồ ạt vào thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia.

4 Hiệp hội gồm: Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam vừa có đơn gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiến nghị về những bất cập, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành.

Theo các hiệp hội này, doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước đang gặp nhiều khó khăn trước sản phẩm nhập khẩu gia tăng.

Theo số liệu thống kê, năm ngoái trên 3,5 tỷ USD sản phẩm chăn nuôi được nhập về Việt Nam, gấp gần 7 lần xuất khẩu (hơn 0,5 tỷ USD).

 Gà, lợn nhập ồ ạt vào thị trường, doanh nghiệp chăn nuôi trong nước "kêu khó".

Gà, lợn nhập ồ ạt vào thị trường, doanh nghiệp chăn nuôi trong nước "kêu khó".

Ngoài chính ngạch, Hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay còn lượng lớn vật nuôi, hàng chế biến nhập lậu qua đường tiểu ngạch. Bình quân mỗi ngày 6.000-8.000 con heo được nhập vào Việt Nam, chưa kể lượng lớn trâu, bò, gà...

Hàng hóa ngoại lấn sân khiến các sản phẩm chăn nuôi trong nước chịu áp lực cạnh tranh không công bằng. Bởi, phần lớn hàng nhập là thứ phẩm (ít được dùng làm thực phẩm), như đầu, cổ cánh, tim cật, lòng mề, hoặc sản phẩm gần hết hạn sử dụng giá rẻ bằng một nửa trong nước.

"Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia", các hiệp hội nhìn nhận. Họ cho rằng với tốc độ nhập khẩu hiện nay, 3- 5 năm tới khi các thuế nhập khẩu về 0%, Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Chưa kể, việc nhập khẩu ồ ạt cũng gây nhiều rủi ro, lan truyền dịch bệnh nguy hiểm như tả lợn châu Phi, cúm gia cầm. Do đó, các hiệp hội kiến nghị, Việt Nam cần sớm có các hàng rào kỹ thuật, chính sách thương mại để hạn chế nhập chính ngạch và có biện pháp ngăn hàng lậu.

Các Hiệp hội nhận định, đây có thể là một ngoại lệ diễn ra quá nhanh so với nhiều nước trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nhà nước cần có chính sách và thời gian để người chăn nuôi và doanh nghiệp trong nước có thể thích nghi được.

Do đó, các Hiệp hội đề nghị, cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Đối với nhập khẩu chính ngạch, khẩn trương xây dựng các hàng rào kỹ thuật và các chính sách thương mại để hạn chế thấp nhất việc nhập khẩu chính ngạch các sản phẩm chăn nuôi. Dẫn kinh nghiệm của Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…, các Hiệp hội cho biết, họ đưa ra các yêu cầu về xử lý nhiệt lạnh với công nghệ phức tạp, chi phí cao hay mỗi nước trung bình chỉ cho phép có từ 3-5 cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không là được phép nhập khẩu vật nuôi sống mà thôi. Trong khi Việt Nam chúng ta đang có tới trên 30 cửa khẩu các loại được phép nhập khẩu vật nuôi sống vào trong nước.

Đối với nhập khẩu tiểu ngạch, các Hiệp hội đề nghị cấm tất cả mọi hình thức nhập khẩu và sử dụng các loại vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu theo hình thức này, vì sản phẩm chăn nuôi trong nước đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, ngoài ra Việt Nam có đường biên giới dài, các nước xung quanh chưa phải là những nước có công tác thú y, kiểm soát tốt dịch bệnh.

Hoàng Lan

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/doanh-nghiep-chan-nuoi-trong-nuoc-keu-kho-vi-ga-lon-nhap-o-at-d46897.html