Doanh nghiệp chật vật tìm vốn rẻ cho chuyển đổi xanh
Tín dụng xanh hiện chiếm tỷ lệ thấp trong tổng dư nợ, chưa đáp ứng được nhu cầu về nguồn vốn cho chuyển đổi xanh. Hiện nay, các doanh nghiệp vay vốn xanh chủ yếu là các tập đoàn lớn, nhưng ngân hàng không thể cho vay với mức lãi suất quá thấp, bởi chuyển đổi xanh là khoản đầu tư dài hạn, rủi ro của các dự án chuyển đổi xanh là có thực.
Nhận thức được tầm quan trọng, nhiều doanh nghiệp lương thực, thực phẩm, dệt may, cơ khí... đang nỗ lực chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, để đầu tư, theo đuổi chiến lược dài hạn xanh hóa, doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn.
Khoảng 65% doanh nghiệp khó khăn vay vốn xanh
Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào nêu thực tế: “Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, tín dụng xanh hiện chỉ chiếm chưa tới 5% tổng dư nợ, trong khi thị trường trái phiếu khí hậu gần như chưa hình thành rõ nét”.
Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn để tiếp cận với nguồn tín dụng xanh bởi những rào cản từ chính sách, thủ tục. Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho hay, nhu cầu tín dụng xanh hiện nay là rất lớn khi nhiều doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, phần lớn những doanh nghiệp mạnh dạn thực hiện chuyển đổi xanh lại là các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp SME gặp nhiều khó khăn trong quá trình xanh hóa.

“Một trong những rào cản lớn nhất là vấn đề tài chính. Theo thống kê, khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh”, ông Đinh Hồng Kỳ chia sẻ.
Từ kinh nghiệm của một doanh nghiệp lớn, tại Hội thảo "Hành trình chuyển đổi xanh và các giải pháp tài chính - công nghệ" tổ chức ngày 21/4, bà Nguyễn Thị Thu Thảo, đại diện Tập đoàn Gemadept, cho hay để tiếp cận được tín dụng xanh thì doanh nghiệp phải xác định được các chỉ tiêu (KPI) cụ thể cho quá trình chuyển đổi xanh. Ngay từ đầu, hai bên phải ngồi lại với nhau để xác định, dựa trên điều kiện và kế hoạch của doanh nghiệp, những KPI nào là thực thi và khả thi nhất. Các bên thống nhất về những KPI đó, và doanh nghiệp nỗ lực để đạt được. Khi đó, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được những khoản hỗ trợ vốn vay xanh.
Theo bà Thảo, lãi suất và các ưu đãi tốt hơn các gói vay thông thường nhưng không nên kỳ vọng mức lãi suất quá thấp. Thay vào đó, hãy nhìn vào lợi ích xa hơn và mạnh mẽ hơn khi doanh nghiệp công bố ra thị trường việc mình được các tổ chức tài chính tín dụng uy tín tài trợ tín dụng xanh căn cứ vào các KPI cụ thể trong quá trình sản xuất. Đó mới là giá trị nhất, chứ không phải chỉ nhìn vào con số lãi suất.
"Bên cạnh giá trị tài chính, việc thẩm định của bên thứ ba (ngân hàng), danh tiếng và thương hiệu doanh nghiệp trên thị trường từ chuyển đổi xanh mang lại là những thứ không thể đong đếm được bằng tiền", bà Thảo nhấn mạnh.
Ngân hàng không thể cho vay lãi suất quá thấp
Tại Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia 2025 với chủ đề “Chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững” do Tạp chí Kinh doanh tổ chức mới đây, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nêu thực tế phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu của chuyển đổi xanh.
Ngoài ra, Việt Nam hiện vẫn thiếu một khung pháp lý và hệ thống chính sách tổng thể, nhất quán, đặc biệt liên quan đến các yếu tố then chốt của tăng trưởng xanh và chuyển đổi xanh. Điều này bao gồm các quy định về phân loại và xác nhận dự án xanh, cũng như các cơ chế thử nghiệm và tiêu chí - tiêu chuẩn xanh cụ thể. Tình trạng này khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn trong việc xác định và đánh giá thế nào là một dự án xanh thực sự, dẫn đến việc cho vay trở nên "tù mù" và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Một thách thức khác được Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhắc đến đó là cơ chế phối hợp và ưu đãi. Theo đó, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc thúc đẩy các hoạt động xanh còn hạn chế. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính, tín dụng, hay các ưu đãi về thuế, phí, hỗ trợ hệ sinh thái cho các hoạt động xanh chưa thực sự đủ mạnh và đồng bộ.
Ông Lực cho rằng, ngân hàng không thể cho vay với mức lãi suất quá thấp. Bởi bản chất của chuyển đổi xanh là khoản đầu tư dài hạn, và chi phí đầu vào lớn. Hơn nữa, rủi ro của các dự án chuyển đổi xanh là có thực, có nhiều doanh nghiệp thất bại hoặc không thành công. Do đó, lãi suất cho vay ít nhất phải ở mức trung bình trở lên, không thể quá thấp được. Đây cũng là lý do, theo ông Lực, rất cần bàn tay của Nhà nước.
BIDV đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh. Trong đó, ngân hàng cung cấp các sản phẩm tài chính như khoản vay xanh, trái phiếu phát triển bền vững, tài trợ thương mại xanh và dịch vụ tư vấn ESG.
Tính đến hết năm 2024, ngân hàng đã tài trợ cho hơn 1.600 khách hàng với gần 2.000 dự án xanh, tổng dư nợ đạt trên 80.000 tỷ đồng. Khi doanh nghiệp tiếp cận những khoản tín dụng xanh, ngoài việc được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi về lãi suất (thường lãi suất cho vay sẽ thấp hơn 1% - 2% so với lãi suất cho vay thông thường) còn nhận được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết cũng đang "đỏ mắt" tìm dự án xanh để cho vay vốn. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc OCB cho hay, hiện nay, việc thiếu tiêu chuẩn xanh rõ ràng sẽ dẫn đến khó khăn trong việc đo lường và báo cáo hiệu quả môi trường của các dự án. Các tổ chức tài chính quốc tế thường yêu cầu báo cáo chi tiết về lượng khí thải carbon, mức độ tiêu thụ năng lượng và các chỉ số môi trường khác. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa có hệ thống quản lý và báo cáo đủ mạnh để đáp ứng các yêu cầu này.
Qua đó, ông Hải hy vọng năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ có hướng dẫn về khung tài chính xanh để có sự hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Ban Chính sách sản phẩm bán buôn của BIDV đánh giá: “Doanh nghiệp nào có chiến lược chuyển đổi một cách rõ ràng và có kế hoạch hành động cụ thể chắc chắn sẽ mở ra nhiều những cơ hội về mặt thị trường cũng như thu hút vốn đầu tư tốt hơn".