Doanh nghiệp châu Âu đặt niềm tin vào tiềm năng dài hạn của kinh tế Việt Nam

Nhận định này được nêu trong Báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý 2/2025 do Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới công bố.

Theo báo cáo, Chỉ số BCI tại Việt Nam trong quý 2/2025 ghi nhận đạt mức 61,1 điểm, giảm nhẹ so với quý trước trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng, nhưng xu hướng chung vẫn là sự lạc quan. "Trước những biến động quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn duy trì niềm tin mạnh mẽ vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam," EuroCham nhấn mạnh.

Chỉ số BCI quý này cũng chỉ ra rằng, sự dịch chuyển trong môi trường thương mại và đầu tư tại Việt Nam, từ rủi ro thuế đối ứng, gánh nặng hành chính… cho tới tác động thực tiễn của Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) mang đến cả cơ hội và thách thức; đồng thời, định hình chiến lược của các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam. Cụ thể, có 72% doanh nghiệp châu Âu tham gia khảo sát cho biết, sẵn sàng giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư và có tiềm năng dài hạn.

Bất chấp những biến động ngày càng phức tạp trên thị trường quốc tế, căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp tục leo thang và chuỗi cung ứng đối mặt với nhiều áp lực rủi ro, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn ghi nhận rõ năng lực phục hồi của Việt Nam.

Song, nhiều doanh nghiệp châu Âu nhấn mạnh, những diễn biến liên quan đến thuế quan là yếu tố cần được theo dõi sát sao và phân tích kỹ lưỡng nhằm ứng phó kịp thời với những thay đổi chính sách quốc tế, cũng như tại Việt Nam.

Theo báo cáo, một trong những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến tâm lý thị trường hiện nay và cũng dẫn đến việc doanh nghiệp châu Âu ngày càng thận trọng là sự bất định xoay quanh các biện pháp thuế đối ứng từ phía Mỹ. Sau vòng đàm phán thương mại thứ ba giữa Việt Nam và Mỹ trong tháng 6 vừa qua vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể, nên dẫn đến lo ngại về những điều chỉnh thuế quan khó lường. Điều này tiếp tục tạo áp lực lên các kế hoạch trung và dài hạn, nhất là đối với những doanh nghiệp có chuỗi cung ứng xuyên biên giới.

Chủ tịch EuroCham Việt Nam Bruno Jaspaert chia sẻ trong báo cáo rằng, khi những biến động địa chính trị tiếp tục tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu, việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng và có thể xác minh cho sản phẩm trở thành một lợi thế cạnh tranh lớn hơn bao giờ hết.

Trước đó, từ ngày 5/5/2025, Bộ Công Thương Việt Nam đã chính thức tiếp quản quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), với định hướng thúc đẩy chuyển đổi số trong một số khâu then chốt. Điều này được cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao, do hứa hẹn sẽ cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý và tích hợp hiệu quả hơn với hệ thống hải quan điện tử, chữ ký số.

'Chuyển đổi số không chỉ là một nỗ lực giảm thiểu thủ tục giấy tờ, mà còn là bước đi chiến lược để định vị Việt Nam là một đối tác thương mại đáng tin cậy, sẵn sàng bắt nhịp với thương mại thế hệ mới. Nếu Việt Nam có thể phát triển một chuỗi cung ứng nội địa vững mạnh và gia tăng tỷ lệ hàng hóa thực sự được sản xuất tại Việt Nam, quốc gia sẽ có vị thế tốt hơn trong cuộc cạnh tranh toàn cầu," ông Bruno Jaspaert nhấn mạnh trong báo cáo.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/doanh-nghiep-chau-au-dat-niem-tin-vao-tiem-nang-dai-han-cua-kinh-te-viet-nam-43328.html