Doanh nghiệp châu Âu tiếp tục rót vốn đầu tư vào Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp đến từ châu Âu cam kết rót vốn mạnh mẽ và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong năm 2022.

Sản xuất của một doanh nghiệp có vốn EU tại Việt Nam. Ảnh minh họa: TL

Tesa, tập đoàn phát triển các sản phẩm băng dính cải tiến và các giải pháp hệ thống tự dính cho đa dạng các ngành công nghiệp gần đây đã động thổ nhà máy tại Khu công nghiệp DEEP C (Hải Phòng).

Công ty sẽ đầu tư 55 triệu euro vào nhà máy có diện tích 70.000 m2 nhằm tăng cường năng lực sản xuất tại châu Á. Mục tiêu của nhà đầu tư đến từ EU này là sẽ sản xuất được 40 triệu m2 băng dính công nghiệp mỗi năm. Dự án nhà máy này dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất chính thức vào quí đầu tiên của năm 2024.

Trong khi đó, Công ty Công nghệ phần mềm toàn cầu Bosch sẽ mở chi nhánh trung tâm phần mềm mới tại Hà Nội trong tháng 2, sau khi trung tâm tại TPHCM đạt hơn 2.600 kỹ sư trình độ cao. Mục tiêu của Bosch là sẽ nâng đội ngũ kỹ sư phần mềm ở Việt Nam lên hơn gấp đôi vào năm 2025, đạt 6.000 người.

Nestlé đã công bố đầu tư thêm 132 triệu đô la nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao tại nhà máy Nestlé Trị An (Đồng Nai). Khoản đầu tư này đã nâng tổng giá trị đầu tư của Nestlé Việt Nam lên gần 730 triệu đô la.

Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) để đầu tư xây dựng nhà máy 1 tỉ đô la Mỹ tại tỉnh Bình Dương. Đây là nhà máy trung hòa các-bon đầu tiên của LEGO, dự kiến khởi công vào nửa cuối năm 2022.

Phần lớn cộng đồng các doanh nghiệp châu Âu cho rằng những lợi ích tiềm năng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có tầm quan trọng lớn để họ đến đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.

Nhấn mạnh về cơ hội và kế hoạch của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam trong thời gian tới, Chủ tịch EuroCham Alain Cany nhận định với việc dịch bệnh được kiểm soát, cùng lợi thế lớn từ EVFTA và tới đây là EVIPA, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một điểm đến ổn định, an toàn, thịnh vượng và cạnh tranh.

Sau các đợt giãn cách kéo dài vì Covid-19, hiện các hoạt động sản xuất dần quay trở lại. “Giờ đây, với việc bước sang một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống lại đại dịch, chúng ta nên bắt đầu tập trung vào tương lai. Mục tiêu của chúng tôi không còn chỉ là để tồn tại, mà là để phát triển”, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham nói, và cho rằng: “Nếu tận dụng tối đa EVFTA sẽ mở ra một làn sóng thương mại đầu tư mới”.

Nghi thức lễ động thổ khởi công nhà máy Tesa ở Hải Phòng vào ngày 26-1 vừa qua. Ảnh: DNCC

Khảo sát mới nhất về Chỉ số Môi trường kinh doanh (Business Climate Index – BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) được công bố gần đây cho thấy các doanh nghiệp châu Âu giờ đây có tinh thần lạc quan hơn về môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam. Lãnh đạo các doanh nghiệp EU tin tưởng hơn về triển vọng phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ “bình thường mới” này. Do đó, 43% có kế hoạch tăng đầu tư vào quí đầu tiên của năm 2022, so với 17% ba tháng trước.

Tương tự, 38,5% doanh nghiệp dự định tăng số lượng nhân viên của họ – một mức tăng khoảng 15% so với kỳ trước.

Xu thế đầu tư của EU chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên, gần đây có xu hướng phát triển tập trung hơn vào các ngành dịch vụ (bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ), lĩnh vực năng lượng sạch, công nghiệp phụ trợ, chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm…

Các chuyên gia dự báo dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU vào Việt Nam về trung hạn và dài hạn sẽ gia tăng đáng kể với nhiều dự án chất lượng có giá trị cao.

Đại diện EuroCham nhận định, Việt Nam đã nỗ lực cắt giảm các thủ tục hành chính và điều chỉnh các văn bản pháp luật theo hướng hài hòa với thông lệ quốc tế, song quá trình thực thi trên thực tế còn nhiều bất cập.

Để thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU, Việt Nam cần sửa đổi nhiều khung khổ quy định pháp lý, tiêu chuẩn liên quan tới đầu tư bởi thực tế đã có những quy định lỗi thời. “Việt Nam cần là nền kinh tế hiện đại công nghiệp hóa, thể chế pháp lý phù hợp thể chế kinh tế thị trường, không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài liên quan thuế và các cơ chế quản lý khác”, Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, nói.

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-chau-au-tiep-tuc-rot-von-dau-tu-vao-viet-nam/