Doanh nghiệp châu Âu tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam
Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam), Chỉ số Niềm tin Kinh doanh tại Việt Nam đạt mức cao nhất trong hơn hai năm qua.
Cụ thể, Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý IV/2024 đạt 61,8%, tăng vọt so với mức 46,3% của cùng kỳ năm trước đó. Điều này phản ánh tinh thần lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Điểm nổi bật nhất là 75% lãnh đạo tham gia khảo sát cho biết họ sẽ giới thiệu Việt Nam như một điểm đến đầu tư lý tưởng.
Dữ liệu này nhấn mạnh sự công nhận ngày càng gia tăng về tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam như một trung tâm đầu tư trong khu vực Đông Nam Á.
Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng đang mở rộng, Việt Nam đã và đang tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp châu Âu muốn mở rộng hoạt động tại khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, chuyên gia EuroCham Việt Nam nhấn mạnh, tình hình chung đang có xu hướng tích cực, nhưng các thách thức trong vận hành vẫn là vấn đề đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Điển hình, ba trở ngại lớn nhất trong vận hành được xác định là gánh nặng hành chính, quy định chưa rõ ràng và khó khăn trong việc xin giấy phép.
Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng, với những nỗ lực như đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đang cho thấy triển vọng tích cực sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, FDI tăng trưởng và thời kỳ vàng son của đất nước… Nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát chỉ số BCI quý IV/2024 kỳ vọng, các cải cách này, sẽ mang lại sự cải thiện đáng kể trong quy trình hành chính.
Một lĩnh vực khác, mà các doanh nghiệp châu Âu kỳ vọng có sự cải thiện đáng kể là cơ sở hạ tầng như dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam được dự đoán sẽ có nhiều lợi ích đối với khả năng di chuyển của lực lượng lao động và vận tải logistics. Tuyến đường sắt này, cũng được dự kiến sẽ cải thiện đáng kể khả năng kết nối giao thông, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng, cải thiện môi trường kinh doanh chung; đồng thời tăng cường kết nối cho các dòng chảy xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, sự phát triển của cơ sở hạ tầng hàng không và hàng hải cũng đóng vai trò không nhỏ. Điển hình, sân bay quốc tế Long Thành dự kiến sẽ nâng cao sức cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam, trong khi các cảng nước sâu của Hải Phòng đang góp phần phát triển nền kinh tế hàng hải của quốc gia…