Doanh nghiệp chạy đua nhập hàng vào các khu thương mại miễn thuế ở Mỹ

Các doanh nghiệp ở Mỹ đang tăng cường gửi hàng nhập khẩu vào các khu thương mại nước ngoài (foreign trade zone – FTZ) của nước này, nơi hàng hóa được tạm thời miễn thuế cho đến khi chính thức đưa vào thị trường nội địa.

Động thái này diễn ra khi nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, Tổng thống Donald Trump vẫn có thể đảo ngược các mức thuế quan mới công bố gần đây.

Một khu thương mại nước ngoài (FTZ) nằm gần cảng San Diego, bang California, Mỹ. portofsandiego.org

Một khu thương mại nước ngoài (FTZ) nằm gần cảng San Diego, bang California, Mỹ. portofsandiego.org

Theo ghi nhận của nhà điều hành nhà kho, khách hàng đang chạy đua gửi hàng hóa vào kho trữ hàng ở các FTZ trên khắp nước Mỹ để được tạm thời miễn thuế theo các quy định được ban hành vào thập niên 1930 để giảm nhẹ tác động của chính sách bảo hộ của chính phủ Mỹ thời đó.

FTZ là một khu vực nơi hàng hóa nước ngoài có thể được nhập vào mà không phải chịu thuế hải quan ngay lập tức. Đây là một phần của lãnh thổ quốc gia nhưng được coi là nằm ngoài khu vực hải quan về mặt kỹ thuật. Khi hàng hóa đã vào FTZ, doanh nghiệp sau đó có thể quyết định chuyển hàng vào thị trường nội địa Mỹ và trả bất kỳ mức thuế nào được áp dụng, hoặc xuất tái xuất không phải trả thuế.

Doanh nghiệp cũng có thể nhập khẩu linh kiện để lắp ráp bên trong FTZ và chỉ phải trả thuế khi sản phẩm cuối cùng được đưa vào thị trường nội địa.

Diễn biến này xuất hiện khi chính quyền Tổng thống Donald nhanh chóng áp đặt một loạt mức thuế quan nhập khẩu nhằm vào các đối tác cụ thể cũng như nhằm vào một số mặt hàng nhất định như nhôm thép và ô tô.

Mức độ quan tâm đối của doanh nghiệp đối với FTZ tăng từ 2-4 lần kể từ khi ông Trump trở Nhà Trắng hồi tháng 1, theo Jeffrey Tafel, Chủ tịch Hiệp hội các khu thương mại nước ngoài quốc gia (NAFTZ).

Các sắc lệnh hành pháp liên tục về thương mại và thuế quan và chưa từng có tiền lệ của chính quyền Tổng thống Donald Trump thúc đẩy phần lớn sự quan tâm này.

“Chúng tôi chứng kiến số lượng công ty có nhu cầu gửi hàng vào các FTZ tăng vọt”, Greg Nichols, giám đốc dịch vụ hải quan của DHL Global Forwarding (Đức), công ty đang điều hành 15 FTZ nằm gần các cảng nhập khẩu trên khắp nước Mỹ nói.

Nichols nói thêm, dù các địa điểm này thường tốn kém hơn so với các kho thông thường, nhưng mang đến cho doanh nghiệp cơ hội lưu trữ hàng hóa trong lúc chờ xem tình hình thuế quan có thay đổi không.

Nhu cầu sử dụng FTZ tăng mạnh là ví dụ mới nhất về việc doanh nghiệp đang nhanh chóng ứng phó với các mối đe dọa thương mại của ông Trump vì tin rằng vẫn có thể bị đảo ngược.

Mỹ cho phép thành lập các FTZ vào năm 1934, sau khi Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley năm 1930 làm trầm trọng thêm Đại khủng hoảng kinh tế thế giới (Great Depression). Hiện có 261 khu vực như vậy được các tổ chức bao gồm chính quyền địa phương ở các bang và cơ quan điều hành cảng giám sát.

Nhiều công ty đa quốc gia, bao gồm BMW và Airbus, trước đây từng được cấp phép sản xuất tại các khu vực này. Thông thường phải mất từ 6-9 tháng để xin cấp phép cho một FTZ mới.

Theo lãnh đạo của một công ty hậu cần đang quản lý nhiều FTZ ở Mỹ, công ty nhận hàng chục cuộc gọi từ khách hàng mỗi ngày để yêu cầu đưa hàng vào FTZ.

Người này lưu ý, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump, nhu cầu sử dụng FTZ chỉ ở mức hạn chế vì doanh nghiệp nhìn chung có nhiều thời gian để chuẩn bị ứng phó thuế quan.

Hiện nay, ông Trump triển khai nhanh hơn các lệnh hạn chế thương mại thông qua các sắc lệnh hành pháp. Điều này thúc đẩy doanh nghiệp tìm kiếm “sự linh hoạt và kiểm soát nhiều hơn” bằng cách tích trữ những mặt hàng có nguy cơ bị áp thuế, bao gồm phụ tùng ô tô, dược phẩm và máy điều hòa không khí.

Tafel của NAFTZ cho biết, sự quan tâm liên tục đối với FTZ phụ thuộc vào cách thực hiện các mức thuế mà chính phủ Mỹ mới công bố và bất kỳ biện pháp hạn chế tiềm tàng đối với việc sử dụng các khu vực này. Hội nghị thường niên của NAFTZ vào tháng 5 tới tại bang Georgia dự kiến có lượng người tham dự đông nhất từ trước đến nay, dựa trên số lượng người đăng ký hiện tại.

Nichols của DHL Global Forwarding (Đức) ghi nhận, nhiều doanh nghiệp đang quan tâm đến việc sản xuất và lắp ráp sản phẩm bên trong các FTZ. Vì vậy, công ty đang xem xét xin cấp phép thêm cho các FTZ mới.

Theo Financial Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-chay-dua-nhap-hang-vao-cac-khu-thuong-mai-mien-thue-o-my/