Doanh nghiệp chạy nước rút phát hành trái phiếu
Giới phân tích cho rằng, sự tăng trưởng của thị trường TPDN trong thời gian ngắn vừa qua đến từ việc doanh nghiệp 'tranh thủ' phát hành trái phiếu trước khi Nghị định số 81 có hiệu lực từ ngày 1/9/2020.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động trong quý II, đặc biệt trong tháng 6, tháng 7 và tháng 8 là do thông tin Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP (Nghị định 81) về việc “Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 163/2018/NĐ-CP (Nghị định 163) quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp”.
Theo thống kê, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong quý 2-2020 là 122,3 nghìn tỷ đồng, tăng 69,7% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, riêng tháng 5 và tháng 6, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công lên đến 106,8 nghìn tỷ đồng (tăng 72,6% so với cùng kỳ). Lũy kế 6 tháng đầu năm là 171,5 nghìn tỷ đồng, tăng 61,3% so cùng kỳ.
Trong đó, bất động sản và ngân hàng chiếm gần 70% tổng lượng phát hành trong 6 tháng đầu năm (bất động sản 41,8%; ngân hàng 27,6%).
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI đưa ra nhận định, Việt Nam là một trong 3 nước có thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh nhất châu Á trong 6 tháng đầu năm 2020.
Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thì dự báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể vẫn tăng nóng trong quý 3 nhưng sẽ hạ nhiệt trong quý 4.
Trong đó, việc siết chặt quy định phát hành TPDN kể từ 1/9 theo Nghị định 81 khiến các doanh nghiệp phải tăng tốc phát hành trái phiếu trong quý 2 nhằm kịp huy động vốn trước khi các điều kiện phát hành bị siết.
Giới phân tích cho rằng, sự tăng trưởng của thị trường TPDN trong thời gian ngắn vừa qua đến từ việc doanh nghiệp “tranh thủ” phát hành trái phiếu trước khi Nghị định số 81 có hiệu lực từ ngày 1/9/2020.
Thời gian qua, thị trường TPDN riêng lẻ cũng đã xuất hiện những méo mó khi có hiện tượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu, liên tục huy động thông qua chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành và tăng mức lãi suất để thu hút nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ.
Chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực nói: “Rõ ràng là thị trường TPDN cũng đang tiềm ẩn rủi ro”.
Nghị định số 81/2020/NĐ-CP được ban hành ngày 10/7/2020 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163 (2018) đối với trường hợp phát hành TPDN riêng lẻ theo hướng chặt chẽ, thận trọng hơn nhằm lành mạnh hóa, kiểm soát rủi ro thị trường.
Theo Nghị định 81 điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ được thắt chặt hơn. Cụ thể mức dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trước đó, dự thảo của Bộ Tài chính đưa ra con số giới hạn là 3 lần. Đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng, mỗi doanh nghiệp chỉ có thể phát hành 1-2 đợt mỗi năm.
Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính - Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, các cơ quan quản lý đang từng bước điều tiết và uốn nắn để kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp đi vào nề nếp, quy củ và có sự an toàn trong tương lai.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/doanh-nghiep-chay-nuoc-rut-phat-hanh-trai-phieu-505049.html