Doanh nghiệp chê lãi suất cao, ngân hàng có động thái 'nóng'
Room tín dụng được nới, nhiều doanh nghiệp nửa mừng nửa lo, nhưng lo nhiều hơn vì lãi suất đang rất cao, doanh nghiệp không dám vay.
Tuy nhiên, mới đây, 12 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền hơn 3.300 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, người dân, với mức giảm từ 0,5 - 3%/năm.
Doanh nghiệp không mặn mà vay
Mặc dù đã bước vào cao điểm cuối năm, song ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong (Châu Thành, Bến Tre) cho biết, so với năm ngoái, năm nay đơn hàng sụt giảm hơn. Chính vì vậy, dù hạn mức tín dụng còn, song Công ty không có ý định vay thêm.
“Theo tôi, thời điểm này, các doanh nghiệp chỉ vay vốn lưu động ngắn hạn khi có đơn hàng, còn vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng cao là không khả thi”, ông Thuật nói.
Trong khi đó, anh Lê Quang Chiến (Thanh Trì, Hà Nội), đại diện một doanh nghiệp lắp đặt nhôm kính tại Hà Nội cho biết từ đầu năm nay, hoạt động kinh doanh đã suy giảm đáng kể khi lãi suất ngân hàng tăng cao.
“Lãi suất vay ngân hàng hiện đã lên tới 14-15%/năm, cao hơn nhiều so với mức 11-12%/năm của năm trước khiến chi phí tài chính tăng 25%, trong khi vốn vay chiếm đến 30% tổng vốn đầu tư. Vì vậy, công ty không dám vay và chấp nhận giảm đơn hàng, bởi nếu vay sẽ thua lỗ”, anh Chiến chia sẻ.
Nhận xét về sự thận trọng của doanh nghiệp, ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+ cho rằng, bên cạnh mở room tín dụng thì phải giảm lãi suất, nếu không doanh nghiệp sẽ không dám vay, trừ khi có những kế hoạch kinh doanh thật khả quan. Giai đoạn "phòng thân" này còn kéo dài thêm 1-2 quý, đến khi lạm phát của Mỹ dần rõ nét hơn.
Liên quan đến kiến nghị giảm lãi suất cho vay, chia sẻ với báo giới mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao cho Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) tiếp tục kêu gọi, vận động các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất. Tất nhiên, tùy vào mức độ, khả năng cũng như năng lực tài chính của mỗi tổ chức tín dụng để đưa ra được những quyết định giảm lãi suất, nhưng tinh thần chung là có sự vận động để các NHTM tiếp tục chia sẻ, đặc biệt trong đợt dịch vừa qua, sự chia sẻ của các NHTM cho các doanh nghiệp rất nhiều.
Tuy nhiên, điều kiện kinh tế vĩ mô cũng phải cho phép để các ngân hàng có thể giảm lãi suất không chỉ đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp mà vẫn phải đảm bảo khả năng thanh khoản, an toàn của mỗi ngân hàng cũng như cả hệ thống.
Tất cả cơ chế chính sách hiện nay của NHNN đặt ra đều xuất phát từ mục tiêu cuối cùng là làm thế nào hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách bền vững và tiếp tục quán xuyến thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Xuất hiện lãi vay ngược chiều ở nhiều ngân hàng
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA cho biết, VNBA vừa tổ chức cuộc họp với đại diện các tổ chức tín dụng hội viên để bàn về vấn đề ổn định lãi suất và các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Các tổ chức tín dụng đã thống nhất sẽ hỗ trợ lẫn nhau để duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, giảm đà tăng của lãi suất huy động. Bởi, “Nếu lãi suất huy động tiếp tục tăng, lãi suất cho vay sẽ cao nữa thì làm sao mà doanh nghiệp chịu được?”, ông Hùng nói.
Đồng thời đại diện VNBA thông tin: “Đến nay đã có 12 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền hơn 3.300 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, người dân với mức giảm từ 0,5 - 3%/năm”.
Đối tượng được tập trung cho vay trước hết là lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt, vốn ưu tiên cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế trong lúc này.
Ngoài ra, để đảm bảo doanh nghiệp, người dân được hưởng dòng vốn rẻ hơn, NHNN dành room tín dụng, ưu tiên thỏa đáng cho những NHTM có khả năng thanh khoản cao và đặc biệt là những ngân hàng đang giảm lãi suất.
Đây là một trong những chính sách để khuyến khích các NHTM giảm lãi suất cho vay. Cùng với đó, các NHTM cũng phải bằng mọi cách giảm chi phí hoạt động để tạo điều kiện hạ lãi suất cho các doanh nghiệp, dự án, lĩnh vực cần thiết lúc này.
Một số doanh nghiệp cho rằng, việc nhiều NHTM giảm lãi suất cho vay là tín hiệu tích cực, đặc biệt sau khi NHNN nới room tín dụng. Việc các ngân hàng có thêm room để cho vay, lãi suất lại giảm, sẽ góp phần giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng cần công bố mức lãi suất cho vay hiện hành và mức lãi suất sau khi giảm để thấy rõ sự thực chất.