Doanh nghiệp chớp cơ hội xuất khẩu sang Brazil

Brazil đã có giao dịch thương mại trong hầu hết các mặt hàng. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường Brazil đạt 6,35 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.

Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Riêng 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Brazil đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Brazil đạt 533,2 triệu USD, tăng 3,5%, nhập khẩu 1,175 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021.

Thông tin này được ông Ngô Xuân Tỵ - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Brazil chia sẻ tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Brazil do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 6/5.

Tư vấn về cơ hội tiếp cận thị trường cho một số mặt hàng cụ thể theo đề xuất của doanh nghiệp, ông Ngô Xuân Tỵ cho hay: Mặt hàng mỳ gạo được người tiêu dùng nước sở tại cũng như người châu Á sinh sống tại Brazil rất ưa chuộng, nhu cầu tiêu dùng cao nên có cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu.

Với một số mặt hàng nông sản khác như trà, nước uống mật ong chanh, gừng, nước ép từ quả, quả sấy khô hay rau củ đông lạnh là những mặt hàng khó thâm nhập hơn vào các trung tâm kinh tế, thành phố lớn.

Nguyên do là bên cạnh sản phẩm không thông dụng như trà, Brazil là đất nước có nền nông nghiệp phát triển sản phẩm cùng loại rất đa dạng và người tiêu dùng nước sở tại ưa dùng sản phẩm tươi. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước vẫn có thể xuất khẩu các mặt hàng này nếu tiếp cận thị trường ngách là các bang, thành phố ở khu vực xa trung tâm lớn.

Riêng các mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, da giày, hàng Việt có khả năng gia tăng kim ngạch do chi phí sản xuất tại Brazil lớn mà Việt Nam lại có nhiều lợi thế trong sản xuất nên khả năng cạnh tranh tương đối cao.

Để tiếp cận thị trường Brazil, ông Ngô Xuân Tỵ khẳng định: Chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu, tiếp đó mẫu mã bao bì phải phù hợp thị hiếu tiêu dùng, giá thành cạnh tranh. Đặc biệt, trên bao bì sử dụng ngôn ngữ Brazil là một yếu tố quan trọng, giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm thuận lợi hơn.

Cùng đó, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là tham gia các hội chợ chuyên ngành lớn tại Brazil là một kênh tìm hiểu thị trường, giới thiệu sản phẩm tốt. Thương vụ Việt Nam tại Brazil sẽ tổng hợp thông tin về các hội chợ chuyên ngành phù hợp với từng nhóm mặt hàng thế mạnh của Việt Nam để cung cấp cho doanh nghiệp.

Liên quan đến việc Chính phủ Brazil mới giảm thuế nhập khẩu mỳ ống, ông Ngô Xuân Tỵ khuyến cáo, việc cắt giảm thuế chỉ mang tính tạm thời và ngắn hạn từ 3-6 tháng. Do đó, doanh nghiệp trong nước đã có đối tác rất tốt nhưng nếu chỉ bắt đầu tìm kiếm sẽ khó tận dụng cơ hội từ quyết định này.

Hơn nữa, tiếp cận thị trường là cả hành trình dài, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị, đầu tư và đi sớm một bước mới có thể "chớp" các cơ hội tốt.

Mặt khác, hệ thống thuế của Brazil khá phức tạp, bên cạnh thuế chung theo quy định của Chính phủ còn có thuế riêng của mỗi bang. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ thông tin về chủng loại sản phẩm, có thể tìm kiếm đối tác địa phương hoặc đơn vị tư vấn để hỗ trợ nắm rõ thuế với từng mặt hàng, từng giai đoạn và sự thay đổi quy định về thuế.

Brazil là thị trường có quy mô dân số lớn, tới 214 triệu dân với nhiều phân khúc tiêu dùng. Dự báo thời gian tới xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng sang Brazil tăng cao khi các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội được gỡ bỏ toàn bộ và chiến dịch tiêm vaccine được thực hiện trên toàn quốc với tốc độ nhanh.

Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam có thể gia tăng thị phần khi nhu cầu tiêu dùng rất cao và Brazil không phải là thị trường khó tính./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-chop-co-hoi-xuat-khau-sang-brazil/242982.html