Doanh nghiệp chủ động ứng phó với tình trạng thiếu điện
Trong bối cảnh nguồn điện bị thiếu hụt, thời gian qua, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc phải thực hiện cắt giảm điện luân phiên tại các doanh nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời điểm này, mực nước tại nhiều hồ thủy điện đã được cải thiện đáng kể do có những trận mưa lớn, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Mặt khác, tình hình nắng nóng dự báo còn tiếp diễn trong những tháng tới đòi hỏi doanh nghiệp, chính quyền phải chủ động phương án ứng phó để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chi phí gia tăng, doanh thu sụt giảm
Đó là viễn cảnh các doanh nghiệp phải đối mặt nếu tình trạng cắt điện luân phiên liên tiếp xảy ra trong thời gian dài. Đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, chưa khi nào các doanh nghiệp thấy vấn đề điện năng lại căng thẳng như năm nay. Để ưu tiên dành nguồn điện phục vụ sản xuất, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phải thực hiện tiết giảm tối đa thiết bị chiếu sáng, làm mát tại công ty. Không chỉ các phân xưởng máy, ngay cả khối văn phòng, việc sử dụng thiết bị điều hòa tại nhiều thời điểm cũng bị hạn chế.
Là một trong những doanh nghiệp FDI lớn, nằm trong nhóm khách hàng được ưu tiên ở nhiều lĩnh vực, thời gian qua, Công ty TNHH Compal Việt Nam, KCN Bá Thiện, huyện Bình Xuyên vẫn bị cắt điện luân phiên. Đại diện công ty cho biết, việc bị cắt điện luân phiên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất. Nếu tình trạng này không được cải thiện, kế hoạch xuất hàng cho các đối tác của công ty vào cuối tháng 6 sẽ phải giãn, hoãn, có nguy cơ phát sinh các khoản chi phí bồi thường.
Hiện nay, Công ty TNHH Compal Việt Nam có 3 nhà máy sản xuất. Việc cắt giảm điện luân phiên khiến hoạt động sản xuất tại các phân xưởng có thời điểm "tê liệt", rất khó khăn. Doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư, lắp đặt thêm các máy phát điện nhưng lo lắng việc làm này sẽ “đội” phí sản xuất ở mức cao.
Công ty TNHH Compal Việt Nam là nhà đầu tư lớn của tỉnh, đang sử dụng khoảng 12.000 lao động. Năm 2022, doanh thu của doanh nghiệp ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, nộp ngân sách cho tỉnh gần 36 tỷ đồng, nên việc đảm bảo cung ứng điện cho công ty luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh ổn định.
Tương tự, Công ty TNHH Jahwa Vina, KCN Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên cũng là một trong những nhà đầu tư lớn, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị công nghệ thông tin, linh kiện ô tô kháng điện PTC… Hiện nay, công ty tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động; doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 88 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước hơn 11,5 tỷ đồng.
Theo đại diện công ty, nhu cầu cung ứng điện cho các xưởng sản xuất tương đối lớn, trong đó có 7 lò sấy thường xuyên phải duy trì vận hành để đảm bảo nhiệt lượng sấy các loại linh kiện điện tử, ô tô. Việc bị cắt giảm điện luân phiên trong thời gian qua ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các lò sấy này.
Mặt khác, sau khi điện được cấp lại, các thiết bị này phải mất 4 ngày mới có thể vận hành bình thường. Bị cắt điện luân phiên không chỉ bị sụt giảm công suất, sản lượng mà còn gia tăng chi phí sản xuất do các xưởng phải sử dụng máy phát điện; công nhân bị cắt việc luân phiên ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống…
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 450 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong các KCN, trong đó có hơn 350 dự án FDI. Lịch cắt điện luân phiên tại các doanh nghiệp thời gian qua là việc làm bất khả kháng, ngành Điện lực cũng như địa phương không mong muốn. Ngay sau khi nhận được đề nghị hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong cung ứng điện của nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh đã đến nắm bắt tình hình và chỉ đạo ngành Điện lực có phương án cấp điện phù hợp, hiệu quả nhất.
Khuyến khích doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời
Tại một số doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh chia sẻ những khó khăn và ghi nhận, hoan nghênh tinh thần, trách nhiệm thực hành tiết kiệm điện của nhà đầu tư. Hiện nay, chính quyền, nhân dân Vĩnh Phúc cũng đang nỗ lực chung tay sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và ưu tiên cung ứng điện tối đa cho các KCN.
Là tỉnh phát triển công nghiệp, nên chủ trương của tỉnh luôn quan tâm, ưu tiên việc cung ứng điện cho các doanh nghiệp FDI. Đặc biệt là những nhà đầu tư nằm trong nhóm khách hàng được ưu tiên, trong đó có Công ty TNHH Compal Việt Nam.
Trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp, tỉnh đã có phương án cung ứng điện phù hợp, đảm bảo hiệu quả sản xuất công nghiệp. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với địa phương cũng như với ngành Điện lực trong bối cảnh phải tiết giảm công suất, cắt điện luân phiên.
Thời gian tới, dự báo thời tiết còn nắng nóng, nhu cầu cung ứng điện ở các nhóm khách hàng sẽ tăng cao nên có thể sẽ tái diễn việc cắt giảm điện luân phiên. Để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất tại các KCN, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án đầu tư máy phát điện.
Tuy nhiên, việc sử dụng thiết bị này sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất ở mức cao đối với các nhà đầu tư lớn; việc tiếp cận nguồn nhiên liệu (dầu) khối lượng lớn gặp nhiều khó khăn nên phương án sử dụng điện mặt trời (điện áp mái) ở thời điểm này là phù hợp và được tỉnh gợi ý, khuyến khích. Đồng thời, kết hợp sử dụng máy phát điện và thực hiện rà soát, có kế hoạch tiết giảm điện tối đa tại các phân xưởng, khối văn phòng.
Thời gian qua, tỉnh đã tranh thủ thời cơ và nhiều lần đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam về vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, trong đó đặc biệt quan tâm, ưu tiên điện cho các KCN.
Trên cơ sở đó, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương luôn được Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện tối đa. Thời điểm này, ngành Điện lực đã tăng tốc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình để nâng cấp cơ sở hạ tầng, lưới điện tại các địa phương. Qua đó, có cơ hội đón đầu các dự án điện, trong đó có Quy hoạch điện 8 phục vụ lộ trình phát triển các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.
Nhằm tháo gỡ khó khăn về cung ứng điện cho doanh nghiệp, từ ngày 12 - 25/6, ngành Điện lực ưu tiên phần công suất tăng thêm cho các KCN, từ 446MW - 570MW. Sau ngày 25/6, căn cứ mức phân bổ công suất và tình hình thời tiết, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc sẽ tính toán lập phương án tiết giảm phù hợp trên cơ sở ưu tiên tối đa cho các KCN; thực hiện lịch thông báo cắt điện (nếu có) sớm nhất để doanh nghiệp chủ động phương án sản xuất.