Doanh nghiệp chưa tiếp cận được tín dụng tăng trưởng xanh
Để đảm bảo sản xuất, tăng trưởng xanh, các doanh nghiệp vẫn rất cần nguồn vốn xanh. Song, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn trên từ nhiều nguyên nhân.
Chi phí chuyển đổi xanh tốn kém
Tại diễn đàn "Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh", ông Lê Hoàng Lân, chuyên viên chính Vụ Tài chính, tiền tệ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, Việt Nam hiện đang đặt ra những mục tiêu rất cao, đó là tới năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0; quy mô nền kinh tế xanh từ 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050.
Để hiện thức hóa mục tiêu này, Việt Nam cần nhiều bước đi đột phá, đặc biệt là thu hút sự đồng hành của khu vực kinh tế tư nhân bởi xanh hóa nền kinh tế là sự chuyển đổi về tư duy và chính sách toàn diện cần có lộ trình cụ thể và các nguồn lực được đảm bảo huy động đầy đủ.
Trước xu hướng tiêu dùng xanh, để không bị loại ra trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất xanh đang trở thành một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp Việt Nam hướng tới. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh.
Các chuyên gia đánh giá, thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp vẫn liên quan đến nguồn vốn bởi muốn chuyển đổi sang xu thế xanh cần nhiều chi phí, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp đầu tư gặp khó khăn trong quá trình cập nhật thông tin phân tích thị trường, khó đưa ra lựa chọn dự án và địa điểm phù hợp, hạn chế trong việc hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp khác để phối hợp triển khai các dự án trọng điểm.
Có mặt tại diễn đàn, từ góc độ doanh nghiệp, bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển Bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C đã chia sẻ những khó khăn thực tế doanh nghiệp đang phải đối mặt, trong đó, thách thức lớn nhất đối với các đơn vị hiện nay là thiếu thông tin về các đơn vị cấp tín dụng xanh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài ra, chi phí tài chính cao: lãi suất, phí bảo lãnh, phí xử lý hồ sơ; tiêu chí dự án xanh chưa cụ thể, rõ ràng, khác nhau giữa các đơn vị cấp tín dụng; một số các quỹ tín dụng xanh thường không chấp nhận tài sản đảm bảo; các dự án quy mô nhỏ (<30 triệu USD) khó tiếp cận vốn vay nước ngoài; rủi ro về tỷ giá;...
Phát triển xanh không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề xã hội
Dựa vào những khó khăn thực tế, bà Hoàn đề xuất giải pháp, cần phát triển khung pháp lý với các tiêu chí đánh giá dự án xanh rõ ràng, có các chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như ưu đãi lãi suất, gia hạn thời gian trả nợ, bảo lãnh tín dụng cho các dự án xanh, thủ tục đơn giản.
Cũng tại vấn đề pháp lý, TS. Võ Chí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu va Cạnh tranh, chia sẻ thêm, thực tế, Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới. Việt Nam cũng đã có những phương án cải thiện, thu gom rất nhiều rác thải nhựa từ nhiều lao động, trong đó nữ giới là chủ yếu. Điều này góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải ra môi trường.
Dựa vào dẫn chứng trên, ông nhấn mạnh, câu chuyện phát triển xanh không chỉ là vấn đề kinh tế mà đằng sau đó còn là vấn đề xã hội, do vậy, vấn đề pháp lý cần được chú trọng, quan tâm nhằm giúp nền kinh tế - xã hội hướng tới phát triển xanh được minh bạch và có hiệu quả.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho biết, một trong những giải pháp quan trọng nhất đó là cần tập trung vào khung pháp lý, cập nhật các tiêu chí tín dụng đánh giá tác động môi trường, xã hội và quản trị trên cơ sở Danh mục xanh. Ngoài ra, cần tập trung xây dựng quỹ tái cấp vốn, sổ tay thẩm định dành riêng cho tín dụng xanh; nâng cao nhận thức, đào tạo cán bộ về những lĩnh vực cho năng lượng tái tạo, sản xuất – tiêu dùng xanh;…
Một vấn đề nữa được bà Hoàn đề xuất thêm từ phía doanh nghiệp, đó là cần tạo quỹ đầu tư xanh để hỗ trợ tài chính cho các dự án của doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, hạ tầng dựa theo tự nhiên.
Chia sẻ về đề xuất này, ông Quan Đức Hoàng, Thành viên HĐQT Công ty Quản lý quỹ Amber, Chủ tịch Quỹ đầu tư A+, cho rằng, để có thể kết nối và nhận được đầu tư từ các quỹ, các doanh nghiệp cũng cần nắm rõ tiêu chí xanh của ngành mình trước khi tìm đến các quỹ tài chính xanh, xác định rõ lộ trình phát triển cũng như nhu cầu của doanh nghiệp, tìm hiểu kỹ các quy định và tiêu chí của các quỹ trước khi hợp tác.