Doanh nghiệp CNTT Nhật cần gì tại thị trường Việt Nam?
Nâng tầm hợp tác hai bên cùng có lợi thay vì chỉ gia công và đảm bảo nguồn nhân lực thành thạo ngôn ngữ và kĩ năng cũng như văn hóa Nhật là hai trong số những điều kiện mà các doanh nghiệp Nhật đặt ra.
Thông tin này được ghi nhận tại Ngày CNTT Nhật Bản 2019 (Japan ICT Day 2019) diễn ra ngày hôm nay, 22-10, tại Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng.
Tăng onsite, giảm offshore
Có khoảng 70% các công ty Nhật hoạt động tại Việt Nam cho biết có định hướng mở rộng kinh doanh tại châu Á và ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, theo khảo sát thường niên do JETRO (Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản) thực hiện được công bố tại sự kiện. Riêng trong lĩnh vực CNTT, việc hợp tác và trao đổi song phương đang phát triển mạnh. Năm ngoái có tới 248 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực CNTT, chiếm 8% tổng số đầu tư của Nhật vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, đại diện JETRO cũng cho biết những năm gần đây, đầu tư từ Việt Nam sang Nhật Bản cũng tăng nhanh.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội, cho biết các doanh nghiệp Nhật đang có xu hướng muốn nâng tầm hợp tác.
Ông Lê Quang Lương, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản (VJC), thông tin thêm kể từ đầu năm nay, nhu cầu hợp tác của các doanh nghiệp CNTT tại Nhật Bản có sự thay đổi. Họ cần hợp tác ở góc độ onsite (cùng hợp tác đầu tư sản phẩm) thay vì offshore (gia công) như trước kia.
Chia sẻ về xu hướng này, ông Daisuke Kimura, Giám đốc điều hành, Công ty Series A Nhật Bản, đưa ra nhận xét các doanh nghiệp CNTT Việt Nam có chuyên môn tốt, nhưng lại chưa tốt kinh doanh, vì vậy lâu nay họ chọn con đường gia công. Vì vậy, ông mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có sự thay đổi. “Tôi mong muốn kinh doanh dài lâu tại Việt Nam và đang ấp ủ kế hoạch tạo ra những sản phẩm được làm bởi doanh nghiệp Nhật và Việt, phù hợp với thị trường Việt Nam”, ông Kimura chia sẻ.
“Chúng tôi phải thấy được thị trường rồi mới có chiến lược thâm nhập và phát triển lĩnh vực mới AI (Trí tuệ nhân tạo) tại Việt Nam”, ông Ông Norikiro Muratake, Tổng Giám đốc NTT Data Việt Nam, chia sẻ khi được hỏi về hướng đầu tư sắp tới tại Việt Nam. Vị doanh nhân người Nhật cũng kì vọng sẽ có hợp tác ở tầm cao, song phẳng với doanh nghiệp Việt, hướng tới xây dựng những sản phẩm mang thương hiệu chung Việt – Nhật.
Để có thể thực hiện được điều này, theo ông Nguyễn Tuấn Đức, Giám đốc Công ty AimeNext, thuộc VNEXT Holding, bên cạnh sự thay đổi của bản thân doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ để doanh nghiệp tự tin bỏ dần làm offshore (khái niệm trước đây là outsourcing) để chuyển qua làm onsite. Ông Đức giải thích để có thể hợp tác song phẳng thì làm chủ big data (dữ liệu lớn) và IoT (Internet vạn vật) rất quan trọng.
“Đừng xem trễ 5 phút là chuyện bình thường”
Một yếu tố rất quan trọng mà hầu như các đại diện đến từ Nhật lẫn Việt Nam đều nhắc đến để có được sự hợp tác tốt là nguồn nhân lực.
Vấn đề muôn thuở của nhân lực người Việt Nam rất ít người vừa giỏi tiếng Nhật, giỏi chuyên môn và hành xử theo văn hóa Nhật. Người giỏi tiếng Nhật thì đa số chuyên môn yếu và ngược lại.
Liên quan đến tình hình nhân sự, theo khảo sát hàng quí của JISA (Hiệp hội Dịch vụ CNTT Nhật Bản), đến tháng 6-2019, Nhật thiếu khoảng 781.000 kỹ sư CNTT, trên 80% các doanh nghiệp của Nhật sẵn sàng nhận người nước ngoài vào làm việc trong công ty. Và khoảng 95% các công ty Nhật trả lời quan tâm và sẽ nhận các kỹ sư của Việt Nam làm việc, tuy nhiên đến 80% doanh nghiệp yêu cầu các kỹ sư cần có năng lực tiếng Nhật N2 và N1.
Đây là thách thức rất lớn với các doanh nghiệp Việt Nam và là rào cản lớn nhất trong hợp tác CNTT Việt – Nhật.
Nhận biết được điều này, ông Norikiro Muratake chia sẻ trong những năm qua tại NTT Data Việt Nam, các nhân viên khi được tuyển vào đều được đào tạo lại. “Thật thú vị là những người giỏi ngôn ngữ sau đó được đào tạo chuyên môn chiếm tỉ lệ nhiều hơn”, ông nói.
Và theo ghi nhận tại sự kiện hôm nay, không chỉ riêng ông Muratake mà nhiều doanh nhân Nhật nghiêng về ngôn ngữ và văn hóa hơn khi tuyển nhân sự Việt Nam.
Ông Hideki Aso, Phó Chủ tịch Công ty Infogram, cũng chia sẻ ông không quan tâm đến xuất xứ chuyên môn của nhân viên khi tuyển vào mà quan trọng là trình độ ngôn ngữ và văn hóa ứng xử. Trình độ phải N1 hoặc N2 (2 cấp độ cao nhất trong tiếng Nhật) và luôn có tác phong chuyên nghiệp. “Ban đầu tôi thấy rất lạ. Một số nhân viên Việt Nam thấy việc đi trễ 5 phút là chuyện bình thường chứ không nhận thức được rằng họ thậm chí phải đi sớm hơn 10 phút”, ông Aso chia sẻ.
Ông Takahiro Ohura, Phó Tổng Giám đốc Japan Technical Software, thậm chí đưa ra ví dụ tại công ty mình là tuyển dụng nhiều người Việt và người Nhật không giỏi về IT. “Chúng tôi có trung tâm đào tạo để làm việc này”, ông chia sẻ.
Japan ICT Day là hoạt động xúc tiến hợp tác dành cho các doanh nghiệp CNTT Việt Nam – Nhật Bản được tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2007. Năm 2019, sự kiệnđược tổ chức tại Đà Nẵng có chủ đề: “Hợp tác Việt - Nhật thúc đẩy chuyển đổi số”. Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) và VJC phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng đồng tổ chức. Tham dự sự kiện có trên 300 doanh nghiệp CNTT Việt – Nhật.
Nhân Tâm