Doanh nghiệp cơ khí Việt trước áp lực đổi mới để không đánh rơi 'mỏ vàng'

Quy mô của thị trường cơ khí Việt Nam đến năm 2030 ước tính có thể đạt khoảng 310 tỷ USD. Thế nhưng, áp lực đổi mới đối với các doanh nghiệp công nghiệp cơ khí nội địa đang ngày càng tăng lên rõ rệt nếu không muốn đánh rơi 'mỏ vàng' thị trường này vào tay khối ngoại.

Số liệu cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2023 cho thấy, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 118,31 tỷ USD (chiếm tỷ lệ 93,6%), trong đó riêng nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm đến 43,9%.

Thị trường đáng “mơ ước”

Các nhà cung cấp máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo cho Việt Nam chủ yếu vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Bốn thị trường này chiếm khoảng 70% nguồn máy móc nhập khẩu của Việt Nam do giá cả cạnh tranh.

Các DN nội địa trong ngành cơ khí Việt Nam cần phải là “lá cờ đầu” trong đổi mới để tăng sức cạnh tranh, giữ thị trường “sân nhà”.

Các DN nội địa trong ngành cơ khí Việt Nam cần phải là “lá cờ đầu” trong đổi mới để tăng sức cạnh tranh, giữ thị trường “sân nhà”.

Trong khi đó, thông tin đưa ra vào ngày 13/6 tại buổi họp báo ở Tp.HCM để giới thiệu Triển lãm và Hội thảo Quốc tế lần thứ 19 về Cơ khí Chính xác và Sản xuất Chế tạo (MTA Vietnam 2023, dự kiến diễn ra vào các ngày 4 – 7/7) có lưu ý trong vài năm gần đây, áp lực đổi mới đối với ngành công nghiệp cơ khí của Việt Nam tăng lên rõ rệt.

Giới chuyên gia cho rằng, với tư cách là hạt nhân của các ngành công nghiệp, nhận nhiệm vụ đảm bảo cung cấp các công cụ, thiết bị, máy động lực cho tất cả các lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp (DN) nội địa trong ngành cơ khí chính xác, máy công cụ và gia công kim loại cần phải là “lá cờ đầu” về đổi mới. Nhất là với ước tính quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo Việt Nam từ nay đến năm 2030 sẽ ở mức khoảng 310 tỷ USD.

Trong đó, giá trị máy móc, thiết bị, cấu kiện cho các công trình nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản khoảng 120 tỷ USD. Máy xây dựng, nông nghiệp và chế biến nông, lâm sản khoảng 15 tỷ USD. Các loại thiết bị tiêu chuẩn như quạt, động cơ, thiết bị thủy lực khoảng 10 tỷ USD. Giá trị cho lĩnh vực thiết bị đường sắt tốc độ cao khoảng 35 tỷ USD. Đường sắt đô thị là 10 tỷ USD. Còn lĩnh vực công nghiệp ô tô là 120 tỷ USD.

Có thể thấy, đó là “mỏ vàng”, là thị trường đáng “mơ ước” đủ lớn để các DN nội địa phát triển ngành cơ khí nói chung và công nghiệp máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại nói riêng.

Hiện nay, mặc dù cả nước có khoảng 25.000 DN cơ khí đang hoạt động, nhưng xét về năng lực cạnh tranh vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Tuy thị trường “sân nhà” lớn như vậy, nhưng DN nội địa vẫn khó chen chân và chỉ đáp ứng khoảng hơn 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.

Không những thế, các DN sản xuất cơ khí nội địa rất khó trở thành nhà thầu phụ cung cấp máy móc, thiết bị cho các dự án đầu tư lớn như nhiệt điện, thép, hóa chất, hạ tầng giao thông.

Trao đổi với VnBusiness, ông Lê Quốc Hiệp, giám đốc một DN vừa và nhỏ trong ngành cơ khí ở Tp.HCM cho biết, các công ty cơ khí nội địa đang phải cạnh tranh rất lớn với các DN nước ngoài. Đặc biệt, có những mặt hàng đang phải chịu sự cạnh tranh lớn từ các sản phẩm của thị trường Trung Quốc giá rất thấp, dẫn tới việc đơn hàng từ đầu năm đến nay giảm mạnh, chỉ còn khoảng 40% so với năm trước.

Lá cờ đầu về đổi mới

Còn theo ông Bình, giám đốc một công ty khí ở tỉnh Đồng Nai, để tăng sức cạnh tranh, công ty có dự tính xây dựng một nhà máy lớn để sản xuất các máy móc tự động nhưng hiện vẫn chưa thực hiện được do không đủ khả năng thuê diện tích đất lớn trong khu công nghiệp.

Một số chủ DN khác trong ngành cơ khí cũng phân bua: mọi lợi nhuận phần lớn đầu tư vào máy móc, xây dựng hệ thống nên không thể thuê đất trong các khu sản xuất tập trung được. Điều này khiến cho việc mở rộng, liên kết sản xuất với các đối tác cũng bị ảnh hưởng.

Chưa kể, nguồn vốn để các DN cơ khí nội địa mở rộng quy mô sản xuất vẫn còn rất hạn hẹp. Chính điều đó làm cho các đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài với nguồn lực tài chính mạnh, không ngừng đầu tư mở rộng, dễ dàng thâu tóm thị phần trong nước.

Ngoài ra, đứng ở góc độ quan sát, ông BT Tee, Tổng giám đốc Công ty Informa Markets Việt Nam cho rằng, trước áp lực cạnh tranh, các DN cơ khí của Việt Nam cần tiếp cận những sản phẩm máy công cụ, cơ khí tiên tiến nhất và cập nhật những xu hướng mới nhất của ngành để xây dựng nền sản xuất thông minh trong tương lai.

Hơn thế nữa, theo ông BT Tee, các DN cần phải hiểu cơ khí chính xác là nền tảng của ngành cơ khí. Không có sự góp mặt của cơ khí chính xác, các ngành sản xuất khó có thể vận hành. Cho nên, các DN cần đáp ứng nhu cầu về một quy trình sản xuất chất lượng hơn.

Bởi lẽ, tại thị trường cơ khí Việt Nam, nhu cầu với các giải pháp gia công tiên tiến, tự động hóa toàn diện, tập trung cắt giảm thời gian chết trong sản xuất để thúc đẩy hiệu quả, cải thiện độ chính xác và tối ưu hóa quy trình đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Bên cạnh đó, không chỉ cần dẫn đầu về tính đổi mới, các DN Việt trong ngành công nghiệp cơ khí, máy công cụ và gia công kim loại còn cần tiên phong đóng góp vào cải thiện tính bền vững. Để thực hiện hóa ý tưởng về sản xuất xanh, DN cần dẫn dắt về cải tiến quy trình, máy móc thành phẩm, cần gắn chặt từng khía cạnh của toàn bộ hệ thống với tính bền vững.

Vấn đề mà các DN nội địa cần làm cho ngành cơ khí của Việt Nam tương lai là nên tập trung tự động hóa, các tính năng thông minh, vạn vật kết nối (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và các hệ thống máy tiện cơ khí nâng cấp được điều khiển bằng máy tính.

Điều này cũng có thể được dẫn chứng từ một DN “đầu đàn” của ngành cơ khí Việt, đó là Thaco Group. Thời gian gần đây, công ty con của DN này là Thaco Auto Chu Lai được cho là đã thúc đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, phát triển sản xuất thông minh, qua đó được xem như “chìa khóa” giúp gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh.

Tựu trung lại, để không đánh rơi “mỏ vàng” thị trường cơ khí ở Việt Nam vào tay khối ngoại, điều kiện tiên quyết trong lúc này của các DN cơ khí nội địa là phải đổi mới trong tâm thế “lá cờ đầu”. Và, điều này không chỉ tự thân họ có thể làm được, mà còn cần thêm sự hỗ trợ về mặt chính sách của Nhà nước.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-co-khi-viet-truoc-ap-luc-doi-moi-de-khong-danh-roi-mo-vang-1093210.html