Doanh nghiệp 'coi thường', địa phương bất lực

Những doanh nghiệp còn lại đều không đủ tiêu chuẩn, song vẫn ngang nhiên xả thải ra môi trường.

> Sông “chết”, dân kêu cứu

Trong số hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, chỉ có 2 đơn vị có hệ thống xử lý thải cục bộ và được cấp giấy phép xả thải. Những doanh nghiệp còn lại đều không đủ tiêu chuẩn, song vẫn ngang nhiên xả thải ra môi trường. Trong thời gian chờ nhà máy xử lý thải, người dân khu vực này tiếp tục cảnh sống chung với nước thải và hít… khí độc.

Dân "kêu trời không thấu"!

Mương nước đen hướng ra sông Thái Bình.Ảnh: L.H

"Nguồn nước thải (bao gồm nước thải công nghiệp và sinh hoạt) bị ô nhiễm nặng, nước có màu đen, váng dầu mỡ và có mùi hôi thối khó chịu, xả ra kênh T2 rồi đổ vào sông Thái Bình phía thượng nguồn, gần điểm lấy nước của Nhà máy nước sạch Cẩm Thượng là sự thật và đáng báo động".

Ông Vũ Đình Hiền, Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh Hải Dương

Từ năm 2000, một số nhà máy, xí nghiệp bắt đầu xây dựng trên khoảng đất rộng phía Bắc hướng đi Hà Nội. Đến nay, đã có hàng trăm nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất... hoạt động ở đây. Khi vào xây dựng, các doanh nghiệp đều cam kết xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động, sản xuất chỉ có vài đơn vị có hệ thống xử lý thải cục bộ, được cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn. Những đơn vị còn lại đều đổ trực tiếp những chất thải tổng hợp ra kênh tiêu thoát nước chung của khu dân cư.

Nước thải chủ yếu của các nhà máy, xí nghiệp sản xuất bia, bánh đậu, kem, hóa chất, gỉ sắt, thạch rau câu... đổ ra. Người dân cho biết, năm nào cũng có vài đoàn thanh tra về khảo sát, kiểm định nhưng kết quả cuối cùng lại... "không có gì"(?). Ông Vũ Quang Ánh, Phó bí thư thường trực Đảng ủy phường Cẩm Thượng dẫn chứng:

Cách đây vài năm, Xí nghiệp sản xuất thạch rau câu Long Hải xả nước thải không qua xử lý ra môi trường. Dân kêu thì đoàn kiểm tra về nhưng khi có kết quả, văn bản ra lại xác định "không vấn đề" gì. Còn nữa, năm ngoái người dân phản ánh về khói thải của Công ty sản xuất gạch tuy-nen. Sản xuất gạch trong khu dân cư nhưng ống khói thấp, khi nhiệt độ xuống, khói lò gạch xông vào tận nhà dân khét mũi, nhất là lúc về đêm.

Ít ngày sau có đoàn kiểm định, nhưng họ đi kiểm tra vào ban ngày, nắng ấm vệt khói lên không rõ nên cuối cùng kết luận là "vẫn đảm bảo"! Thế nhưng, "ban đêm hoặc ngày nhiệt độ xuống thấp, đến đây mới thấy rõ vệt khói đi. Nhiều hôm, gió lớn, khói quẩn vào nhà ngộp thở".

"Lần nào chả thế! Lúc kiểm tra thì đảm bảo, nhưng sau đó thế nào ai mà biết? Bao giờ lập đoàn kiểm tra chả phải báo trước vài ngày. Đến nơi thì đâu cũng vào đó rồi nên kết quả mới "không có gì", một cựu chiến binh ở phường Cẩm Thượng bức xúc. "Phường cũng không đủ thẩm quyền để thẩm định, giải quyết. Dân phản ánh, các tổ đại biểu tập hợp ý kiến dân đưa lên phường, phường đưa ra trong các buổi họp HĐND thành phố. Cấp trên chưa giải quyết được chúng tôi cũng đành chịu", ông Vũ Đình Hùng, Chủ tịch UBND phường Cẩm Thượng cho biết.

Tỉnh cũng... bất lực?!

Chúng tôi mang những bức xúc của nhân dân đến Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương. Ông Vũ Đình Hiền, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trưởng tỉnh Hải Dương cũng xác nhận những phản ánh này là đúng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để giải quyết vấn đề này, ngày 2/4/2007, UBND tỉnh Hải Dương đã có công văn số 345/UBND - VP về việc tăng cường công tác thanh tra, xử lý những cơ sở sản xuất xả nước thải không đạt tiêu chuẩn môi trường vào kênh T2, giao cho TP Hải Dương sớm triển khai công tác khảo sát, lập đề án thoát nước khu vực kênh T2 trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

Ngoài ra, trong công văn UBND tỉnh cũng nêu rõ: "Hệ thống kênh tưới, tiêu T2 của 2 phường Việt Hòa và Cẩm Thượng có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn xả nước thải chưa xử lý ra kênh rồi đổ ra sông Thái Bình. UBND tỉnh cũng có chỉ thị cấm xả thải vượt quá mức. Những cơ sở xả thải không bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường phải đầu tư hệ thống xử lý. Nếu cơ sở nào cố tình không thực hiện, Sở sẽ có văn bản báo cáo UBND tỉnh đình chỉ sản xuất cho đến khi có giải pháp xử lý mới hoạt động trở lại".

Nhưng đến nay, trong tổng số gần 100 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gồm các ngành như may mặc, chế tạo máy, chế biến thực phẩm... chỉ có 2 doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải cục bộ, còn lại đều xả thẳng chất thải tổng hợp không qua xử lý ra kênh tiêu thoát nước này. Với lưu lượng 65 m³/ngày đêm nước thải độc hại xả ra, cụm công nghiệp này cần xây dựng một nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có văn bản chính thức nào về việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Thêm vào đó, "cụm công nghiệp này, hạ tầng không có chủ đầu tư nên việc kiểm tra, xử phạt đơn vị xả thải gây ô nhiễm gặp nhiều khó khăn" - Ông Hiền cho biết.

Ông Nguyễn Đình Khanh, Trưởng phòng kỹ thuật đầu tư, Công ty TNHH một thành viên Quản lý công trình đô thị Hải Dương khẳng định: "Về nguyên tắc, việc xả thải phải có giấy phép nhưng cả cụm công nghiệp này mới được 2 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn. Nước thải phải dẫn qua hệ thống ống kín, nhưng thực tế các kênh đều đang sử dụng ống hở.

Về lý, khu vực này cần một nhà máy xử lý nước thải. Khi chưa xây dựng được, đúng ra mỗi công ty phải xây dựng hệ thống xử lý thải cục bô... Nếu tất cả các cơ sở sản xuất đều chấp hành nghiêm túc việc xử lý nước thải ngay từ đầu nguồn, chắc chắn tình trạng ô nhiễm sẽ được hạn chế rất nhiều".

Sau gần 4 năm UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu, nguồn nước ô nhiễm vẫn chưa được xử lý, các doanh nghiệp vẫn thoải mái xả thải ra môi trường và để hậu quả cho người dân gánh chịu. Luật pháp không nghiêm, các doanh nghiệp quá "mạnh" để có thể coi thường tất cả, hay địa phương... bất lực?

(Còn tiếp)

Lê Hường

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20101229083418187p0c1000/doanh-nghiep-coi-thuong-dia-phuong-bat-luc.htm