Doanh nghiệp 'con cưng' thời đại dịch: Bạo phát, bạo tàn?
Các doanh nghiệp 'phất' lên nhờ hưởng lợi từ đại dịch đang đối diện bài toán sinh tồn, buộc phải cắt giảm lượng lớn nhân sự nhằm tiết kiệm chi phí.
Peloton, Robinhood đuổi việc hàng ngàn nhân viên, ngay cả các công ty có văn hóa hạn chế sa thải như Netflix cũng buộc phải cắt giảm… Nguyên nhân chính xuất phát từ 2 yếu tố: Tăng trưởng kinh doanh chậm lại và chi phí lao động gia tăng.
Dưới đây là tình hình biến động nhân sự tại các doanh nghiệp nổi tiếng bậc nhất.
Wayfair sa thải 870 nhân viên
Wayfair là doanh nghiệp đồ nội thất và dụng cụ gia đình đã phát triển mạnh trong thời kỳ đại dịch. Bởi lẽ, do đại dịch, hàng triệu người phải làm việc ở nhà, hạn chế đi lại và phát sinh nhu cầu trang bị cho nhà cửa, nội thất. Tuy nhiên, cuộc đua mua sắm đồ gia dụng đã dừng lại và Wayfair đang phải chật vật với sự đảo ngược này.
Doanh thu trong 6 tháng đầu năm nay của Wayfair giảm 14% và lỗ ròng 697 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm 2021 báo lãi 149 triệu USD.
Mới đây, Wayfair cho biết, Công ty sẽ sa thải khoảng 870 nhân viên, tương đương 5% lực lượng lao động của hãng. Chi phí để sa thải lượng nhân sự này (bao gồm lương, bù đắp phúc lợi…) vào khoảng 30 - 40 triệu USD.
Robinhood giảm hơn 1.000 người
Robinhood là ứng dụng đầu tư nổi lên trong đại dịch, đã phần nào góp sức tạo nên trào lưu “meme stock” - các cổ phiếu tăng trưởng vượt bậc nhờ tin đồn và sự ủng hộ thiếu căn cứ của số đông nhà đầu tư cá nhân.
Trong giai đoạn 2020 - 2021, đội ngũ nhân sự của Robinhood tăng chóng mặt từ mức 700 người lên khoảng 3.800 người, theo CEO Robinhood Vlad Tenev. Tuy nhiên, đà tăng quá nhanh và quá nhiều này đã khiến Robinhood buộc phải cắt giảm khoảng 9% nhân sự trong tháng 4/2022.
Tiếp theo đó, tháng 8/2022, Công ty thông báo cắt giảm thêm khoảng 23% số lượng nhân viên. Bình luận về động thái này, CEO Vlad Tenev cho biết, lần cắt giảm trước đó chưa đủ mạnh để giảm chi phí trong bối cảnh lạm phát leo thang và thị trường tiền số lao dốc, khiến lượng giao dịch trên ứng dụng này giảm mạnh.
Peloton: Hơn 4.150 nhân sự mất việc
Trong đại dịch, không một doanh nghiệp nào có mức tăng trưởng ấn tượng như Peloton. Khi không thể tới phòng tập gym và có nhiều thời gian rảnh ở nhà, người tiêu dùng đồng loạt mua thiết bị thể dục và đăng ký các khóa tập online của công ty này. Năm 2020, Peloton báo lãi quý đầu tiên khi doanh thu tăng 139% và giá cổ phiếu tăng 434%.
Tuy nhiên, khi các phòng gym được mở cửa, lượng bán thiết bị và khóa học giảm rất nhanh. Tuần trước, Công ty báo lỗ 4 quý liên tiếp, giá cổ phiếu đã giảm hơn 90% kể từ cuối năm 2020.
Trong tháng 2/2022, Peloton đã sa thải 2.800 nhân viên khi tình hình kinh doanh không lấy làm sáng sủa.
Tiếp theo đó, Peloton thực hiện thêm 3 cuộc cắt giảm nhân sự mạnh tay. Tổng cộng từ tháng 2 tới nay, hơn 4.150 nhân viên đã mất việc làm.
Coinbase: Giảm 18% lượng nhân sự
Nền tảng giao dịch tiền điện tử Coinbase thông báo sẽ giảm 18% lượng nhân sự nhằm “đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh trong bối cảnh kinh tế đi xuống”.
Cùng ngày ra thông báo, hơn 1.000 nhân viên bất ngờ nhận ra mình đã bị sa thải khi không thể truy cập vào email công ty. Trong khi đó, Coinbase cho biết sẽ giảm khoảng 5.000 nhân viên cho tới nửa cuối năm 2022.
CEO Coinbase Brian Armstrong cho biết, việc sa thải hàng loạt là hệ quả của việc Công ty tăng trưởng quá nhanh, các điều kiện kinh tế thay đổi và cần phải giữ chi phí ở mức thấp hơn khi kinh tế rơi vào chu kỳ đi xuống.
Netflix: Khoảng 150 nhân sự mất việc làm
Cuối tháng 5, Netflix cho biết đã sa thải khoảng 150 nhân sự. Đây là lần sa thải hàng loạt thứ 2 trong năm 2022. Thông báo từ Netflix cho biết, những thay đổi này chủ yếu vì tình trạng kinh doanh, không phải vì năng lực cá nhân.
Đầu năm 2022, Netflĩ công bố số lượng khách thuê bao giảm 200.000 người - lần đầu tiên lượng thuê bao sụt giảm trong cả thập kỷ qua. Công ty nhấn mạnh rằng việc giảm sút số thuê bao có thể tiếp tục diễn ra trong tương lai.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-con-cung-thoi-dai-dich-bao-phat-bao-tan-d172643.html