Doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc về đầu tư kinh doanh
Thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài đã giúp Việt Nam thu hút được nguồn vốn khá lớn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam tìm được nguồn vốn mở rộng sản xuất kinh doanh và một số DN lớn trong nước cũng bắt đầu có định hướng đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh giữa DN Việt Nam với DN nước ngoài cũng xuất hiện nhiều vấn đề vướng mắc, tranh chấp.
Nhiều vướng mắc kéo dài
Liên quan đến thủ tục đầu tư kinh doanh, bà Hoàng Kim Nguyên - Trưởng phòng Tư vấn Thuế Công ty TNHH tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam cho biết, vướng mắc khi DN được cấp giấy phép đầu tư ở nhiều dự án khác nhau thì có được quyền chuyển nhượng lại một hoặc một phần dự án cho nhà đầu tư khác hay không và cần những thủ tục nào.
Ngoài ra, vấn đề chuyển nhượng các DN cũng bị vướng khi có nhiều luật cùng điều chỉnh hoạt động này. Cụ thể như pháp luật hiện nay quy định, nếu là dự án bất động sản thì thực hiện theo Luật Kinh doanh bất động sản. Còn Luật Đầu tư cũng quy định trình tự thủ tục chuyển nhượng dự án ở địa phương nào thì chủ đầu tư nộp hồ sơ tại Sở Xây dựng của tỉnh, thành phố đó, Sở Xây dựng sẽ thẩm định các điều kiện và trình UBND cấp tỉnh/thành phố xem xét cho chuyển nhượng dự án hay không.
Cũng liên quan đến việc góp vốn, chuyển nhượng dự án đầu tư, Bà Phan Thị Thanh Lan- Giám đốc Tài chính Công ty HBP cho biết quy trình thực hiện thủ tục góp vốn đầu tư, mua bán và sáp nhập DN còn nhiều bất cập khiến cho DN gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện. Cụ thể, khi ngành thuế quy định trong vòng 10 ngày kể từ khi hai bên ký hợp đồng mua bán DN phải làm thủ tục nộp thuế. Nhưng ngân hàng lại có quy định phải sau 10 ngày từ khi ký kết hợp đồng mới được mở tài khoản ngân hàng và 5 ngày sau mới được thực hiện giao dịch chuyển tiền. Vậy DN lấy tiền đâu để đóng thuế? Một vấn đề khác là hiện nay pháp luật quy định với hợp đồng đầu tư, góp vốn sau 90 ngày nếu nhà đầu tư chưa chuyển tiền thì hợp đồng đó bị vô hiệu hóa và DN chưa được góp vốn phải tuyên bố phá sản, nếu muốn tiếp tục góp vốn phải thành lập một công khác, mà việc thành lập một công ty khác lại bắt đầu quy trình thủ tục như từ ban đầu.
Ngoài ra, nhiều DN cũng gặp vướng mắc, khó khăn trong việc việc xin giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài, chính sách xuất toán thuế của DN nước ngoài tại Việt Nam. Nhiều trường hợp chuyên gia nước ngoài bị từ chối cấp phép lao động từ chối bởi luật có quy định, người lao động nước ngoài chỉ được cấp giấy phép lao động khi sở hữu đồng thời hai điều kiện là có từ đủ 05 năm kinh nghiệm và 04 năm học đại học. Thực tế nhiều DN nước ngoài các kĩ sư của họ có thể có trình độ đại học, trên đại học nhưng kinh nghiệm thì dưới 05 năm (dù người này là chuyên gia quan trọng của DN)...
Tháo gỡ nhanh cho DN
Tháo gỡ nhanh những vướng mắc cho DN, tại Hội nghị đối thoại giữa DN và chính quyền thành phố về những vấn đề cần lưu ý trong hoạt động đầu tư kinh doanh ngày 13/12, ông Phạm Trung Kiên - Trưởng phòng Đăng ký đầu tư - Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh trả lời về vướng mắc của DN trong chuyển nhượng dự án bất động sản. Trước đây mỗi ngân hàng có chính sách khác nhau về thời gian mở tài khoản cho DN mới thành lập dẫn đến độ vênh với quy định của ngành thuế trong việc thực hiện các giao dịch, nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 06/2019/TT- BTC sửa đổi Thông tư 72/2017/TT- BTC quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước nhằm tạo thuận lợi cho DN, chủ đầu tư trong việc sử dụng các khoản thu.
Về khoản góp vốn trong vòng 90 ngày, quy định này cũng giúp DN nhận đầu tư, góp vốn có thể kiểm soát việc thực thi hợp đồng đầu tư, góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong trường hợp DN chưa thể thu xếp nhanh khoản vốn đầu tư lớn trong vòng 90 ngày thì DN có thể liên hệ cơ quan quản lý chức năng để được hướng dẫn làm thủ tục gia hạn thời gian đầu tư hoặc chia nhỏ mức đầu tư theo từng giai đoạn... Các vướng mắc khác của DN sẽ được ghu nhận đầy đủ và trình cho cá cơ quan chức năng liên quan giải quyết cho DN trong thời gian sớm nhất.
Ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh giữa DN Việt Nam với DN nước ngoài cũng xuất hiện nhiều vấn đề vướng mắc, tranh chấp. Một trong những điểm yếu của DN Việt Nam trong việc tham gia các hợp đồng đầu tư, kinh doanh thương mại quốc tế là không xác minh rõ chủ thể hợp tác với chủ thể ký hợp đồng, thiếu kỹ năng thẩm định các điều khoản, khả năng tài chính thật của DN... Chính vì thế để hạn chế những vướng mắc phát sinh các DN khi thực hiện hợp tác kinh doanh với đối tác nước ngoài cần có sự kiểm tra, xác minh năng lực thật sự của đối tác, nắm vững các thông lệ kinh doanh quốc tế để có hợp đồng hợp tác chặt chẽ, đúng pháp luật.