Doanh nghiệp công nghệ đứng trước cơ hội lớn nhờ 5G, AI, điện toán đám mây...

Chuyển đổi số hứa hẹn sẽ mang đến nhiều lợi ích cho nền kinh tế, người tiêu dùng và các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp công nghệ viễn thông.

Bà Rita Mokbel, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam trình bày tại Hội thảo sáng 30/9. Ảnh: Chí Cường

Bà Rita Mokbel, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam trình bày tại Hội thảo sáng 30/9. Ảnh: Chí Cường

Tại hội thảo "Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam" do báo Đầu tư tổ chức sáng 30/9, bà Rita Mokbel, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam (đơn vị cung cấp hơn 50% nền tảng công nghệ 5G trên toàn cầu) nhận định, quá trình triển khai mạng 5G nói riêng, chuyển đổi số nói chung đang đem lại những lợi ích to lớn đối với các nền kinh tế, các xã hội và các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp viễn thông.

Nhờ giải pháp công nghệ số, các chính phủ có thể khai phóng được tiềm năng của nền kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng kinh tế số thành công; người tiêu dùng được nâng cao trải nghiệm học tập, thụ hưởng các dịch vụ và các loại hình giải trí; doanh nghiệp có cơ hội nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng nguồn thu...

Bà Rita dẫn chứng, sau khi được cung cấp mạng 5G riêng, các doanh nghiệp có thể vận hành nhanh hơn, linh hoạt hơn, giảm chi phí, nâng cao độ tin cậy. 5G mang lại lợi ích cho rất nhiều lĩnh vực như sân bay, cảng biển, y tế, đặc biệt là ngành sản xuất...

Đối với các nhà mạng viễn thông, nếu như trước đây chỉ tiếp cận được khách hàng cá nhân thì nay với 5G họ đã có thể tiếp cận doanh nghiệp, số hóa các doanh nghiệp đó và mang lại nguồn lợi mới cho mình.

Các nhà mạng có thể xây dựng các tình huống sử dụng mới. Trước đây với 4G đã có sự ra đời của nhiều ứng dụng mới như Uber, Grab, Facebook, Instagram…; với 5G chắc chắn có thêm đổi mới sáng tạo vào các ứng dụng mới.

Bên cạnh đó, khi các nhà mạng mở 5G cho các nhà sáng tạo giải pháp ứng dụng thì các nhà mạng có thể trở thành một đối tác kết nối trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, xây dựng các ứng dụng và mô hình kinh doanh mới.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo nghiên cứu gần đây của Tractica, trí tuệ nhân tạo (AI) sẵn sàng tạo ra gần 11 tỷ USD hàng năm cho các công ty viễn thông vào năm 2025 và dự báo sẽ tăng trưởng hơn nữa khi lĩnh vực ứng dụng AI tiếp tục mở rộng.

Khảo sát của Omdia năm 2024 cũng cho thấy, hầu hết các mạng đều tin tưởng rằng, GenAI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) sẽ tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của họ trong vòng hai năm tới. Các nhà mạng có niềm tin cao vào GenAI đang chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Chí Cường

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Chí Cường

Tại Việt Nam, theo ông Nhã, tác động của AI tới các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Theo đó, AI sẽ tác động đến mọi hoạt động của doanh nghiệp từ vận hành mạng lưới, tiếp thị, bán hàng, quản trị doanh nghiệp, đo lường trải nghiệm của khách hàng. Do đó, những ưu điểm và xu hướng ứng dụng AI trong các nhà mạng viễn thông là tất yếu và sống còn đối với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam.

Việt Nam dự định thương mại hóa 5G vào cuối năm nay hoặc chậm nhất là đầu năm sau, hiện nay các doanh nghiệp viễn thông đang tích cực chuẩn bị cho nhiệm vụ này.

Đại diện Cục Viễn thông cũng cho hay, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã và đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng trung tâm dữ liệu. Theo thống kê, tổng số trung tâm dữ liệu các doanh nghiệp đã đầu tư là 44 trung tâm với tổng công suất thiết kế là 181 MW; trong đó, 31 trung tâm đã cung cấp dịch vụ với tổng công suất là 81 MW.

“Kinh doanh trung tâm dữ liệu và các dịch vụ liên quan đến dữ liệu sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp viễn thông trong tương lai gần”, ông Nhã nhấn mạnh.

Chia sẻ cụ thể hơn,ông Hoàng Viết Tiến, Phó tổng thư ký, Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, tháng 4/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép băng tần 5G cho 3 nhà mạng là MobiFone, Vinaphone, Viettel thông qua hình thức đấu giá các băng tần 2.6 và 3.5 và thu về số tiền lên tới 12.700 tỷ đồng.

Ông Hoàng Viết Tiến, Phó tổng thư ký, Hội Truyền thông số Việt Nam. Ảnh: Chí Cường

Ông Hoàng Viết Tiến, Phó tổng thư ký, Hội Truyền thông số Việt Nam. Ảnh: Chí Cường

"Đây là minh chứng cho cam kết của doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ 5G trong thời gian tới đây. Trước mắt, doanh nghiệp làm hệ thống 5G phục vụ những khu vực có 4G hay bị nghẽn và tập trung phát triển 5G cho các khu vực có khu công nghệ cao, nhà máy thông minh, khu vực có yêu cầu kết nối mạng công nghệ cao, độ trễ thấp mà công nghệ 4G không đáp ứng được...", ông Tiến nói.

Đại diện cho đơn vị hợp tác trung gian, cung cấp giải pháp công nghệ cho người dùng cuối, ông Eric Yeo, Tổng giám đốc AWS Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là quốc gia có tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân rất mạnh, các doanh nghiệp rất nhiệt tình học hỏi, sẵn sàng sử dụng công nghệ mới và do đó đang đầu tư mạnh về nhân lực.

Nhiều công ty đang hợp tác với các đơn vị như AWS để đào tạo về 5G, AI, khoa học dữ liệu, điện toán đám mây... nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự.

Đơn cử, Ngân hàng Techcombank đã hợp tác với AWS Việt Nam để triển khai mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Models) đến 250 nhân viên (không chỉ công nghệ mà cả kinh doanh, kế toán...) để toàn bộ nhân viên của Techcombank học hỏi, tối ưu hóa mô hình ngôn ngữ lớn như GenAI sao cho phù hợp công việc của họ.

Ông Eric Yeo, Tổng giám đốc AWS Việt Nam. Ảnh: Chí Cường

Ông Eric Yeo, Tổng giám đốc AWS Việt Nam. Ảnh: Chí Cường

Tương tự như vậy, tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ngay từ cấp hội đồng quản trị và ban điều hành, họ trực tiếp học công nghệ mới như GenAI, theo hướng tiếp cận từ trên xuống dưới, từ lãnh đạo đến các nhân viên.

Hay Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) gần đây đã sử dụng chương trình AWS Skill Builder để đào tạo cho tất cả nhân viên, đảm bảo họ sẵn sàng cho nền kinh tế số mới và được trang bị các kỹ năng về đám mây.

TymeX, một công ty FinTech ở Việt Nam phục vụ thị trường ASEAN, đã sử dụng Amazon Q Developer để giúp các nhà phát triển ứng dụng tăng năng suất lên 40% và cải thiện hiệu quả kiểm thử lên 90%, giảm thời gian kiểm thử từ 5 giờ xuống còn 30 phút.

Tuy vậy, ở một góc tiếp cận khác,ông Remi Nguyen, Phó chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số, Eurocharm nhận xét, Chính phủ Việt Nam đưa ra hoài bão là chiến lược tiếp cận 5G đến năm 2030 sẽ phủ tới 99% dân cư. Chính phủ đã đầu tư vào hạ tầng như trạm, trung tâm dữ liệu song một số thách thức Việt Nam đang gặp phải là thu hút đầu tư vào lĩnh vực viễn thông cũng như mức độ sẵn sàng của hạ tầng kết nối hiện tại.

"Chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng viễn thông và tăng cường hỗ trợ pháp lý cho lĩnh vực này", ông Remi Nguyen nhấn mạnh.

Ông Remi Nguyen, Phó chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số, Eurocharm.Ảnh: Chí Cường

Ông Remi Nguyen, Phó chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số, Eurocharm.Ảnh: Chí Cường

Cũng theo vị này, thách thức đối với các nhà mạng Việt Nam hiện nay là các nhà mạng có cơ hội sở hữu nguồn dữ liệu lớn song việc khai thác dữ liệu tạo ra sản phẩm cần dữ liệu sạch, nhất quán. Trong khi đó, nguồn dữ liệu có thể đến từ nhiều nơi, bối cảnh để thu thập dữ liệu đâu đó còn chưa được quan tâm. Ngoài ra, việc ứng dụng AI trong nhà mạng viễn thông vẫn chỉ là khởi đầu.

"Các nhà mạng đang tìm cho mình cách đi cách tiếp cận làm sao cho hiệu quả. Việc bóc tách xác định giá trị của nó là thách thức và tôi cho rằng, việc các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ cần làm là phải có chiến lược, kế hoạch cụ thể", đại diện Eurocharm nêu quan điểm.

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-cong-nghe-dung-truoc-co-hoi-lon-nho-5g-ai-dien-toan-dam-may-post354914.html