Doanh nghiệp công nghệ: Nghị quyết 57 là điểm tựa để Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình
Tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI, nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đưa ra lời cam kết đồng hành cùng cả nước hưởng ứng tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, các doanh nghiệp cho biết sẵn sàng đứng ra nhận các nhiệm vụ và đưa ra các đề xuất, kiến nghị để góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Cần cơ chế để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, bứt phá công nghệ
Phát biểu tại Diễn đàn, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, Nghị quyết 57 đã đưa ra những mục tiêu rõ ràng, giải pháp thực hiện đầy đủ, toàn diện, với những chính sách đột phá để tháo gỡ những “điểm nghẽn của điểm nghẽn” làm hạn chế sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thời gian qua, như cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới; cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ tiên tiến của nước ngoài; cơ chế đặc thù thu hút nhân tài về Việt Nam làm việc; thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược,…
Để các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam tham gia đóng góp tích cực vào phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 57, trong hội nghị ngày hôm nay, đại diện Viettel đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước.
Một là, ban hành hướng dẫn hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế đánh giá để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển các công nghệ mới. Nghị quyết 57 đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Đây là chủ trương đột phá để các doanh nghiệp nhà nước như Viettel mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và đưa vào áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có độ rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp, nhưng nếu thành công sẽ có lợi nhuận lớn, tạo ra sự bứt phá cho doanh nghiệp.
Do đó, Viettel kiến nghị Nhà nước sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm tại doanh nghiệp theo các quy định của pháp luật; Hướng dẫn việc đánh giá kết quả thử nghiệm công nghệ, mô hình kinh doanh mới không chỉ dựa trên các hiệu quả về tài chính. Theo ông Tào Đức Thắng, dù kết quả nghiên cứu thành công hay thất bại đều mang lại bài học quý báu để chúng ta mau chóng đạt được thành công trong tương lai.
Hai là, đề xuất triển khai giải pháp hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược. Nghị quyết 57 cũng đã đề cập đến giải pháp về hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ chiến lược.
Ba là, đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích, ưu tiên sử dụng các sản phẩm Make in Viet Nam. Một trong những giải pháp trong Nghị quyết 57 để thúc đẩy sản xuất trong nước là cơ chế khuyến khích mua sắm đối với các sản phẩm, hàng hóa là kết quả nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp trong nước tạo ra. Đây là một trong những điểm nghẽn cần tháo gỡ để thúc đẩy nghiên cứu trong nước.
Dẫn lời Tổng Bí Thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc gặp doanh nghiệp vừa và nhỏ: “Không một tập đoàn lớn nào không khởi nguồn từ doanh nghiệp nhỏ”, theo lãnh đạo Viettel thì các nhà cung cấp thiết bị lớn cũng khởi đầu từ quy mô nhỏ và chi phí nghiên cứu, phát triển rất lớn. Hiện nay các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được nhiều sản phẩm công nghệ cao với chất lượng tương đương các nhà sản xuất lớn trên thế giới, tuy nhiên giá thành không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài do họ có thị trường lâu năm, lợi thế về quy mô và có những chính sách linh hoạt trong nghiên cứu, công nghệ”.
Do vậy, đại diện Viettel kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành cụ thể quy định khuyến khích mua sắm, sử dụng các sản phẩm công nghệ do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Việc làm chủ các hệ thống, thiết bị trong hệ sinh thái 5G sẽ là nền tảng để Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, phát triển các công nghệ lưỡng dụng. Với tinh thần trách nhiệm và sự đổi mới không ngừng, đại diện Viettel cho biết doanh nghiệp sẽ tiếp tục tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 57.
Nhiều doanh nghiệp cam kết đầu tư công nghệ, nhân lực
Đồng quan điểm với Tổng giám đốc Viettel, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nhấn mạnh, Nghị Quyết 57 là điểm tựa của Việt Nam để đi vào kỷ nguyên vươn mình, trở thành quốc gia hùng cường thịnh vượng, phồn vinh, đây chính là khát vọng của cả dân tộc. Hiện tại, Việt Nam đã có một đội ngũ tương đương các nước phát triển về công nghệ thông tin, do đó cần sớm thay đổi để vươn lên, theo lãnh đạo FPT thì Nghị quyết 57 như một chỉ dấu về vận nước đã đến.
Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, đại diện FPT cho biết Tập đoàn đã đưa ra 8 chương trình hành động, FPT cũng đưa ra cam kết 3 điều.
Cụ thể, một là FPT xin cam kết tập trung vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bán dẫn, công nghệ ô tô, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Cam kết thứ hai là đầu tư về nhân lực. FPT hiện có 12.000 kỹ sư làm về AI. Trong thời gian ngắn doanh nghiệp đã có 1 vạn chứng chỉ của NVIDIA. Bên cạnh đó, ông Trương Gia Bình cho biết, FPT đã xây dựng 2 nhà máy, 1 ở Việt Nam, 1 ở Nhật Bản. Từ những nền tảng trên, FPT cam kết đến năm 2030 sẽ đào tạo 1 vạn kỹ sư bán dẫn, 5 vạn kỹ sư AI, đồng thời tham gia đào tạo chuyển đổi nửa triệu kỹ sư CNTT sang lĩnh vực AI.
Cuối cùng, FPT dự kiến sẽ đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, Tập đoàn này muốn góp sức để Việt Nam sớm trở thành một trong các quốc gia cung ứng hạ tầng về tính toán trí tuệ nhân tạo hàng đầu trong khu vực.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, Nghị quyết 57 đã đặt ra định hướng rõ ràng. Với vai trò của một doanh nghiệp lớn, Vietjet đề xuất nhận cam kết đầu tư cho nghiên cứu, phát triển để làm chủ công nghệ số chiến lược đã được Đảng đề ra như công nghệ Blockchain.
Để hiện thực hóa sứ mệnh này, Vietjet đã xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể gồm: Thứ nhất, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ Blockchain, nền tảng quan trọng của nền kinh tế số; thứ hai là hợp tác sâu rộng với các đối tác trong và ngoài nước để nâng cao năng lực, đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số; thứ ba, tạo động lực, kêu gọi toàn thể nhân viên, đối tác cùng chung tay thực hiện sứ mệnh này, không chỉ vì doanh nghiệp mà vì cả sự phát triển của đất nước.
Cũng tại Diễn đàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính đưa cam kết nhận 2 nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, CMC sẽ xây dựng nền tảng điện toán đám mây CMC Cloud trở thành nền tảng dẫn đầu Việt Nam, sở hữu năng lực công nghệ của người Việt như công nghệ ảo hóa máy chủ, công nghệ ảo hóa lớp mạng, ảo hóa lưu trữ. Doanh nghiệp cam kết đến năm 2028 sẽ đầu tư một trung tâm điện toán đám mây hàng đầu khu vực với quy mô 80MW, hoàn toàn do Việt Nam làm chủ.
Nhiệm vụ thứ hai là xây dựng nền tảng tri thức Việt AI mà CMC gọi là C-Open AI. Với C-Open AI, CMC đã làm chủ toàn bộ công nghệ lõi và có 25 công nghệ lõi, có những công nghệ hàng đầu thế giới. Doanh nghiệp cam kết thực hiện xây dựng trợ lý ảo cho toàn bộ công chức, viên chức để phục vụ cho bài toán tra soát văn bản luật, tìm kiếm mâu thuẫn, từ nội dung, hình thức đến thẩm quyền. Trợ lý ảo thứ hai cung cấp toàn bộ dịch vụ pháp lý cho người dân.
Từ những lời cam kết trên, CMC mong muốn đóng góp vào mục tiêu 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển dựa trên công nghệ số.