Doanh nghiệp công nghệ sẽ tiếp tục 'bay xa'
Với triển vọng vững chắc về nhu cầu, nhiều công ty công nghệ được dự báo sẽ duy trì được đà tăng trưởng kết quả kinh doanh hai con số trong dài hạn.
Lợi nhuận tăng mạnh, giá cổ phiếu bứt tốc
Theo thống kê của HOSE, cuối tháng 6/2024, VN-Index giảm 1,3% so với cuối tháng 5, nhưng nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin tăng 10,2%, lũy kế kể từ đầu năm 2024 tăng 53,6%.
Tính đến tháng 9, dữ liệu từ Simplize cho thấy, nhóm cổ phiếu công nghệ có mức tăng 91% so với đầu năm, trong khi VN-Index gần như không thay đổi sau một số nhịp trồi sụt. Trong đó, nhóm dịch vụ viễn thông và phần mềm lần lượt tăng 93,9% và 59,5%.
Kết quả kinh doanh tích cực và triển vọng sáng trong dài hạn là động lực tăng giá chính của các cổ phiếu công nghệ.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần FPT (mã FPT) đạt doanh thu 39.664 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.077 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2024, lần lượt tăng 20,8% và 19,9% so với cùng kỳ năm 2023. Năm nay, FPT lên kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023.
Tại Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel (mã CTR), 7 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp đạt doanh thu 6.777,4 tỷ đồng, tăng 11%; lợi nhuận trước thuế 363,3 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Kế hoạch năm nay của Công trình Viettel là đạt 671,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 4,1% so với năm ngoái, là năm thứ tám tăng trưởng liên tiếp từ mức 131,6 tỷ đồng năm 2016.
Với Công ty cổ phần Công nghệ - Viễn thông ELCOM (mã ELC), 6 tháng đầu năm 2024, Công ty đạt 250,5 tỷ đồng doanh thu, tăng 106,7%; lợi nhuận sau thuế 11,9 tỷ đồng, tăng 41,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Mục tiêu cả năm của doanh nghiệp là đạt doanh thu 1.100 tỷ đồng, tăng 12% và lợi nhuận sau thuế 108 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2023 (năm ngoái, Công ty lãi thấp trong nửa đầu năm, nhưng đến cuối năm hoàn thành gấp rưỡi kế hoạch đề ra).
Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (CMC, mã CMG) đang thực hiện lộ trình chiến lược tới năm 2028 trở thành doanh nghiệp số toàn cầu, với quy mô 10.000 - 15.000 nhân sự.
Mục tiêu doanh thu năm tài chính 2024 (31/3/2024 - 31/3/2025) của Công ty là đạt 8.824 tỷ đồng, tăng 20%; lợi nhuận trước chi phí lãi vay, thuế và chi phí khấu hao (EBITDA) là 1.095 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2023.
Tiềm năng tăng trưởng dài hạn
Theo giới phân tích, xu hướng đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, sự bùng nổ của chuyển đổi số và nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ công nghệ thông tin là những yếu tố tạo động lực tăng trưởng dài hạn cho nhóm doanh nghiệp công nghệ.
Đáng chú ý, năm 2024, Chính phủ đưa ra định hướng phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, số hóa các ngành, quản trị số và dữ liệu số, nhằm tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Đây cũng là năm phổ cập hạ tầng số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng suất lao động, qua đó tạo ra điều kiện cho sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ.
Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, chi tiêu cho lĩnh vực công nghệ sẽ tiếp tục tăng trưởng do 3 yếu tố chính: sự phát triển nhanh của công nghệ, đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải mạnh tay đầu tư để cạnh tranh, thích nghi với xu thế tất yếu; thói quen của người tiêu dùng dần thay đổi, phụ thuộc vào các sản phẩm công nghệ thông tin; chính phủ các nước ưu tiên phát triển công nghệ để bắt kịp sự thay đổi của thế giới. Với triển vọng vững chắc về nhu cầu, các công ty công nghệ có thể duy trì được đà tăng trưởng kết quả kinh doanh hai con số trong thời gian tới.
Trong một cuộc thảo luận chuyên sâu về công nghệ do FPT tổ chức gần đây, chủ tịch tập đoàn này, ông Trương Gia Bình đã thể hiện quyết tâm về định hướng phát triển AI.
Để biến AI làm bệ phóng phát triển, người đứng đầu FPT nhận xét, chưa bao giờ Việt Nam nói chung hay FPT nói riêng có cùng điểm xuất phát với thế giới.
Trước đây, người Việt phải ngước nhìn lên các “gã khổng lồ” trong ngành phần mềm, nhưng giờ đây đã có thể cùng đối thoại với những “ông lớn” về AI. Đến năm 2035, thay vì nỗ lực và tự hào khi có hàng vạn lập trình viên, FPT sẽ phải đặt một mục tiêu khác, đó là 1 triệu chuyên gia tư vấn AI.
Ông Bình cho biết, FPT đã đầu tư vào Landing AI, trở thành một trong những nhà đầu tư lớn và đối tác chiến lược của Landing AI tại châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Tập đoàn hợp tác với Andrew Ng. để thành lập AVI Les.
Trong nội bộ, FPT thành lập đơn vị chiến lược DC5 (DC5 Hub/DC5), tập trung vào việc xây dựng dữ liệu. Về đầu tư, FPT chi 200 triệu USD xây dựng AI Factory ở Việt Nam.
Tập đoàn đang làm phòng thí nghiệm AI lab ở Singapore và Mỹ, hợp tác với các doanh nghiệp lớn như Yoshua Bengio, Andrew Ng. Song song với đó, FPT sẽ tiếp tục hợp tác, đồng hành với những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực AI như Microsoft, Google, Nvidia trên nhiều lĩnh vực.
Trong khi đó, CMC thể hiện tinh thần tiên phong trong việc chuyển đổi AI, ứng dụng AI khi trở thành đối tác của các hãng lớn trên thế giới như Microsoft, Google, Meta, Nvidia, AWS, Dell, Cisco, Palo Alto... Chủ tịch Hội đồng quản trị CMC Nguyễn Trung Chính cho hay, tại CMC, AI không chỉ là một xu hướng, mà còn là yếu tố cốt lõi thúc đẩy sự phát triển bền vững và đổi mới trong doanh nghiệp.
Chiến lược của CMC bắt đầu từ việc thúc đẩy văn hóa chuyển đổi AI từ nội bộ, xây dựng một môi trường làm việc hiện đại từ trong chính Công ty và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng đón nhận và ứng dụng công nghệ AI trong công việc hàng ngày.
Vừa qua, sự ra mắt của CMC Korea đã đánh dấu một bước tiến mới trong hành trình “Go Global” của CMC. Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng thị trường tại những khu vực công nghệ trọng điểm của thế giới như Mỹ và châu Âu (Anh, Đức).
Tại thị trường quốc tế, doanh nghiệp đặt trọng tâm gia tăng thị phần, mang các giải pháp công nghệ chất lượng cao đến khách hàng quốc tế, nối dài hành trình đầy cảm hứng vươn mình khỏi biên giới Việt Nam. Mỹ sẽ là thị trường trọng tâm với việc CMC dự kiến mở văn phòng công ty tại quốc gia này vào cuối năm 2024.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, CMC đã trình cổ đông thông qua chủ trương đầu tư dự án “Trung tâm dữ liệu siêu quy mô” (DC Hyperscale) tại TP.HCM, tổng mức đầu tư dự kiến 7.677 tỷ đồng, mục tiêu là xây dựng trung tâm hạ tầng dữ liệu siêu lớn và phát triển các nền tảng, hệ sinh thái công nghệ điện toán đám mây, AI, dữ liệu lớn, an ninh an toàn thông tin...
Với Công trình Viettel, SSI Research đưa ra quan điểm tích cực về triển vọng doanh nghiệp, nhất là khi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu ngừng sóng điện thoại di động 2G từ ngày 15/10/2024, khuyến khích các thuê bao di động chỉ sử dụng 2G (2G Only) thay thế bằng các thiết bị di động có công nghệ tiên tiến hơn.
Tính đến tháng 6/2024, cả nước vẫn còn hơn 10 triệu thuê bao di động 2G Only cần phải loại bỏ dần hoặc chuyển đổi sang các thiết bị di động mới. SSI Research kỳ vọng, quá trình chuyển đổi công nghệ di động này sẽ thúc đẩy Công trình Viettel đẩy nhanh việc xây dựng nhiều trạm thu phát sóng cơ sở (BTS).
SSI Research ước tính, số lượng trạm BTS mới được Công trình Viettel xây dựng trong nửa cuối năm 2024 khoảng 3.100 trạm, có thể không tạo ra đóng góp nhiều trong tăng trưởng doanh thu ngay trong năm nay, song sẽ hỗ trợ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm 2025. Cùng với đó, việc triển khai sóng 5G tại Việt Nam vào cuối năm 2024 hoặc năm 2025 sẽ hỗ trợ triển vọng tăng trưởng của Công trình Viettel trong dài hạn.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-cong-nghe-se-tiep-tuc-bay-xa-post354305.html