Doanh nghiệp công nghiệp giữ vững thị trường tiêu thụ

Mặc dù thị trường tiêu thụ sản phẩm có tín hiệu phục hồi, nhưng các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn phải đối diện với những khó khăn do thiếu nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng cao. Cùng với linh hoạt các kế hoạch, chiến lược kinh doanh, nhiều DN đã đầu tư thêm công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới, tiết giảm chi phí để giữ ổn định hoạt động, tạo việc làm cho người lao động.

Công nhân Công ty Truyền tải Điện Thanh Hóa kiểm tra vận hành tại Trạm biến áp 220kV Nông Cống.

Công nhân Công ty Truyền tải Điện Thanh Hóa kiểm tra vận hành tại Trạm biến áp 220kV Nông Cống.

Trước nguy cơ một số sản phẩm truyền thống kém sức cạnh tranh trên thương trường, thời gian gần đây Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco) đã đưa ra thị trường nhiều nhãn hàng đồ uống đặc trưng như nước mía tươi đóng lon (mía tươi hồng sâm, mía tươi vị tắc, mía tươi dứa, mía tươi đào, mía tươi cam sả) cùng các sản phẩm như sữa gạo lứt, sữa đậu đỏ, sữa trái cây... Với các tiêu chí hoàn toàn từ thiên nhiên, Lasuco đã xuất khẩu tới trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ; đồng thời có mặt hầu hết tại các chuỗi siêu thị hiện đại trên toàn quốc như Big C, VinMart, MegaMart, Co.opmart...

Theo đại diện Lasuco, DN đang tiếp tục nghiên cứu và có lộ trình cải tiến sản phẩm theo hướng nông sản chế biến sâu để chinh phục thị trường thế giới, trong đó có nhiều quốc gia khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản; đồng thời chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ trong nước vốn đang phụ thuộc nhiều vào các đồ uống cùng loại được nhập khẩu với giá cao.

Những tháng đầu năm 2024, ngành gỗ cũng tiếp tục gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và chính sách thắt chặt phòng vệ thương mại để bảo hộ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, nhiều đơn vị, DN tập trung đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư công nghệ để chuyển hướng sản xuất thêm một số mặt hàng mới; đồng thời, tiết giảm chi phí hoạt động, giảm giá thành nhằm khai thác thêm đơn hàng từ các thị trường mới, ký kết các đơn hàng nhỏ để duy trì ổn định sản xuất.

Tại HTX Chế biến lâm sản Hợp Phát (Quan Hóa), trước đây mỗi năm DN sản xuất được khoảng 600 tấn giấy, vàng mã từ tre luồng để xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc). Do đơn giá sản phẩm giảm mạnh, từ năm 2023 đến nay HTX chỉ tiêu thụ được 50% sản lượng so với trước đó. Giám đốc HTX Nguyễn Duy Chính cho biết: "Từ cuối 2023 đến nay, trong khi giá nguyên liệu, ngày công lao động tăng thì giá thành sản phẩm lại hạ do cung quá cầu hoặc do tiêu thụ bị tiết giảm. Chúng tôi hiện đang đa dạng thêm các đơn hàng; đồng thời có ứng dụng thêm công nghệ lắng lọc thu hồi sản phẩm nhằm tiết giảm chi phí, ổn định hoạt động DN”.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, ngoài những sản phẩm truyền thống như bia, đường, ô tô, thì khó khăn của DN ngành gỗ, thủy sản cũng có khả năng tiếp tục kéo dài trong cả năm 2024. Tuy nhiên, thị trường sản phẩm công nghiệp năm 2024 đã và đang ghi nhận những tín hiệu tích cực của những ngành sản xuất trọng điểm như lọc hóa dầu, xi măng, điện, may mặc... làm động lực cho tăng trưởng. Cùng với đó, nhiều DN, HTX cũng đã và đang nỗ lực vượt khó nhờ điều tra kỹ về thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó đưa ra sản phẩm phù hợp, áp dụng hình thức kinh doanh mới hoặc sẵn sàng đảm nhận đơn hàng nhỏ lẻ, khai thác đa dạng nguyên liệu trong tỉnh, trong nước để phục vụ sản xuất.

Với những nỗ lực của DN và các ngành, địa phương, 6 tháng đầu năm 2024 chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Thanh Hóa tăng 15,8% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Sở Công Thương, các DN của tỉnh chủ yếu là vừa và nhỏ, hạn chế về vốn, nhân lực, trình độ quản trị nên năng lực cạnh tranh còn thấp; số lượng sản phẩm công nghiệp mới còn hạn chế, đặc biệt là thiếu các sản phẩm có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao.

Sở Công Thương đang hỗ trợ các DN sản xuất công nghiệp hiện có tập trung sản xuất tối đa công suất trên cơ sở đảm bảo thị trường tiêu thụ; khuyến khích các cơ sở sản xuất có thị trường tiêu thụ tốt, nâng công suất, mở rộng sản xuất; tiếp tục hỗ trợ, động viên các chủ đầu tư đang đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, phấn đấu đưa các dự án đầu tư vào hoạt động đúng kế hoạch trong năm, góp phần đóng góp chung vào sản lượng và giá trị sản phẩm công nghiệp của tỉnh.

Bài và ảnh: Bách Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep-cong-nghiep-nbsp-giu-vung-thi-truong-tieu-thu-218551.htm