Doanh nghiệp công nghiệp thích nghi và tăng trưởng tích cực
Hầu hết các địa phương có quy mô công nghiệp lớn đều có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khá cao. Nhiều doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Theo số liệu ngày 16-11 của Tổng cục Thống kê, so với tháng 9, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh Quảng Ninh tăng 25,2%; của thành phố Hải Phòng tăng 19,8%; của tỉnh Bắc Giang tăng 7%; Vĩnh Phúc tăng 5,8%; Bình Dương tăng 4,9%.
So với cùng kỳ năm 2023, IIP của tỉnh Quảng Nam tăng 34,1%; tỉnh Bắc Giang tăng 21,9%; Hải Dương tăng 14,3%; thành phố Đà Nẵng tăng 14%; tỉnh Bình Dương tăng 13,6%; thành phố Hải Phòng tăng 12,1%.
Trong số các địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp lớn, tỉnh Bắc Ninh là địa phương có IIP tháng 10-2024 giảm mạnh so với tháng trước (giảm 6,8%) và so với cùng kỳ năm trước (giảm 6,1%). Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức mua yếu, cộng thêm chi phí đầu vào tăng cao.
Do sụt giảm quy mô ở cả thị trường trong nước lẫn thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang phải sản xuất cầm chừng để duy trì hoạt động, chờ sự khởi sắc hơn trong tháng cuối năm khi kinh tế thế giới dần hồi phục.
Trong khi đó, tính chung 10 tháng năm 2024, tỉnh Bắc Giang là địa phương có tốc độ tăng IIP cao nhất, đạt 27,2% so với cùng kỳ năm 2023. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cơ bản tăng trưởng tốt và tháng sau cao hơn so với tháng trước.
Tỉnh Long An cũng là địa phương có chỉ số IIP 10 tháng tăng 27,2%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 27,7%. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao là: Đồng hồ thông minh tăng 47,3%; tai nghe có micro tăng 44,3%; giường gỗ các loại tăng 51,5%.
Sau bão số 3, cùng với những biện pháp hỗ trợ của các cấp, ngành, doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã chủ động khôi phục, tăng cường sản xuất để bù lại thời gian ngừng hoạt động, bù lại lượng thành phẩm đã bị hỏng do bão và đảm bảo kịp tiến độ đơn hàng.
Nhờ đó, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng phục hồi tích cực, với sự phát triển mạnh trong các lĩnh vực sản xuất ô tô, linh kiện điện tử, dệt may, chế biến thực phẩm, và các ngành công nghiệp chế biến khác. Tính chung, tốc độ tăng IIP 10 tháng năm 2024 của thành phố Hải Phòng đạt 14,5%.
Quảng Nam cũng là địa phương có tốc độ tăng IIP 10 tháng năm 2024 đạt khá so với các địa phương trên cả nước nói chung và so với các địa phương có quy mô công nghiệp lớn nói riêng (tăng 17,5%). Một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Quảng Nam có chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2024 đạt mức tăng khá so cùng kỳ năm trước là sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; dệt; sản xuất thuốc, hóa dược và dược; sản xuất xe có động cơ…
Tổng cục Thống kê cho hay, kết quả sản xuất công nghiệp tích cực một phần là do các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế, hỗ trợ vay vốn ưu đãi để khôi phục sản xuất... phát huy hiệu quả.