Doanh nghiệp công nghiệp Thủ đô hướng đến chuyển đổi số
Những tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp công nghiệp Thủ đô đều đang rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, giảm tốc độ sản xuất. Các doanh nghiệp đang vận dụng nhiều cách thức để vượt khó, đạt mức đề ra...
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để mở rộng thị trường
Hiện nay, Hà Nội có khoảng 950 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó có khoảng 300 - 350 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Trong năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16-17% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội.
Nhìn chung từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp này đều đang chững lại các đơn hàng. Các doanh nghiệp đang tự mình tìm kiếm thị trường mới nhờ công nghệ số.
Ông Lê Đại Quảng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Supertex (Cụm CN Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ: Với thị trường dệt kim, thời gian này đang là giữa mùa vụ, nên doanh nghiệp đang nghiên cứu nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ số trong tìm kiếm, mở rộng thị trường. Nhất là thị trường tiêu thụ sang Mỹ, Australia, hay khu vực châu Á. Đây là những điểm sáng tích cực để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi, phát triển. Hiện công ty đang duy trì khoảng 250 lao động, doanh thu của công ty năm 2022 giảm so với năm trước nên bước vào năm 2023 công ty đặt quyết tâm tăng tốc sản xuất.
Cùng chiến thuật cần thay đổi lối tư duy sản xuất truyền thống, Phó tổng Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ (PMTT Group) Khu công nghiệp Phú Nghĩa huyện Chương Mỹ, Đinh Hồng Lương cho hay: Năm 2023, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng trong cả về doanh thu và các chỉ tiêu khác. Vì thế ngay từ đầu năm công ty đã triển khai nhiều giải pháp về công nghệ, khắc phục đứt gãy về nguyên liệu và đơn hàng vì thế đến nay đã giữ được ổn định sản xuất trong chuỗi sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thành phố đã tìm nhiều phương pháp và hỗ trợ nhiều chính sách để các doanh nghiệp phát triển. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Bà Trần Thị Phương Lan Quyền, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Trong năm 2023, TP Hà Nội sẽ thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, mặt hàng sản xuất ưu tiên phát triển. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Ngoài ra, Sở Công Thương sẽ tổ chức hội chợ chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ với quy mô khoảng 200 - 300 gian hàng nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ quốc tế đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… tham gia, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cung ứng cho các chuỗi sản xuất toàn cầu trong công nghiệp chế tạo.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm (bao gồm cả chuyển đổi số); nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu… giúp doanh nghiệp.
Một trong những chính sách hỗ trợ thành phố dành cho doanh nghiệp: Cải cách hành chính giảm chi phí thủ tục, thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận về đất đai, vốn, sẵn sàng đối thoại tháo gỡ khó khăn ngay từ khi phát sinh...
Hướng đến sản xuất xanh và kinh tế toàn cầu
Trong số các ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành dệt may tiếp tục ở trạng thái cầu thấp còn đối mặt với nhiều khó khăn. Nhất là Liên minh châu Âu đang hướng đến mục tiêu loại bỏ văn hóa “tiêu thụ và vứt bỏ”, loại bỏ các sản phẩm có “vòng đời ngắn”, và nền kinh tế “tạo rác”. Những quy định này sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu dệt may, da giày Việt Nam
Chiến lược này bao gồm, các sản phẩm phải được thiết kế và sản xuất để chúng có thể sử dụng lâu hơn, có thể được sửa chữa và sau đó được tái sử dụng nó được nằm trong một vòng tuần hoàn. Quy định thiết kế sinh thái còn bao gồm việc phát triển hộ chiếu sản phẩm số như, ngoài thông tin thông thường, còn phải thông báo cho người tiêu dùng biết về hàm lượng hóa chất, khả năng sửa chữa, và thành phần sợi. Các yêu cầu thông tin cụ thể về sản phẩm sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng biết được tác động của sản phẩm đến môi trường khi mua hàng.
Riêng với thị trường Bắc Âu được áp dụng cho tất cả các nước Bắc Âu: Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan. Một trong những yêu cầu mới nhất là thiết kế để tái chế, Bắc Âu đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt đối với các hóa chất không mong muốn và cấm sử dụng các bộ phận bằng nhựa, kim loại chỉ có mục đích trang trí. Ngoài ra, có thể sử dụng vải tái chế mà đáp ứng được một số yêu cầu cho việc thiết kế lại
Chính điều này đã làm các doanh nghiệp thay đổi cái nhìn chất thải trong quy trình sản xuất. Như hãng giầy Adidas hiện cung cấp giầy làm từ chất thải Đại dương. Hiện Việt Nam rất thuận lợi về công nghệ nhuộm cũng rất thân thiện với môi trường. Lãng phí không phải là gánh nặng
Các quốc gia Bắc Âu cũng yêu cầu khắt khe hơn đối với sợi tự nhiên và sợi tổng hợp. Sợi dệt phải là sợi hữu cơ, tái chế hoặc có nguồn gốc sinh học. Bông được sử dụng trong quần áo dán nhãn sinh thái Bắc Âu không làm được từ sản phẩm biến đổi gen (GMO) và phải là 100% hữu cơ hoặc tái chế. Len phải được chứng nhận hữu cơ hoặc tái chế.
Đối với quần áo bảo hộ lao động, các yêu cầu riêng được áp dụng là sợi tổng hợp phải được tái chế hoặc làm từ nguyên liệu thô tái tạo. Sợi cellulose phải được chứng nhận FSC (Hội đồng quản lý rừng) hoặc PEFC (Chứng nhận tiêu chuẩn rừng).
Bà Nguyễn Hoàng Thúy, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Iceland, Na Uy, Látvia, Đan Mạch khuyến cáo: Dệt may, da giày Việt nam là hai trong những sản phẩm, hàng hóa có sự tăng trưởng xuất khẩu tương đối cao vào thị trường EU thời gian qua, nhờ được hưởng ưu đãi thuế từ Hiệp định EVFTA. Do đó, doanh nghiệp dệt may, da giày cần đặc biệt lưu ý đến những thay đổi của thị trường.