Doanh nghiệp đã chọn sản xuất, phân phối xanh, dù khó khăn không nhỏ
Sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và khi các nguồn nguồn nguyên, vật liệu sơ cấp ngày càng cạn kiệt.
Tại tạo đàm với chủ đề: “Sản xuất và phân phối xanh - Giải pháp cho phát triển kinh tế bền vững”, ông Cù Huy Quang, Phó chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững cho biết, sản xuất, tiêu dùng bền vững là một trong những xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn nguồn nguyên vật liệu sơ cấp ngày càng cạn kiệt.
"Điều mừng nhất là các doanh nghiệp đã nhận thức được vai trò của sản xuất bền vững cũng như trong phân phối xanh và có định hướng chuyển đổi, đưa sản phẩm cạnh tranh tốt hơn tại thị trường nội địa lẫn xuất khẩu", ông Quang nói.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng, Quản lý Bộ phận Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, MM Mega Market Việt Nam, trong xu thế sản xuất, tiêu dùng, phân phối xanh, MM Mega Market là chuỗi siêu thị đầu tiên không phát túi nilon cho khách hàng tại quầy tính tiền và đưa ra những giải pháp cho khách hàng, ví dụ như thùng carton để khách hàng đựng, túi mua hàng sử dụng nhiều lần, túi nilon phân hủy sinh học…
Những điều này nhằm hướng đến kêu gọi nhận thức và thay đổi hành vi của khách hàng về tiêu dùng bền vững.
MM Mega Market cũng kêu gọi nhận thức thay đổi hành vi của khách hàng bằng cách kết hợp với những nhà sản xuất lớn hay những đối tác lớn như là Tetra Pak Việt Nam hoặc là TBC-Ball Việt Nam và sắp tới sẽ kết hợp với cả bên Alta Plastics để đặt hệ thống thùng thu gom vỏ hộp sữa, lon nhôm, chai nhựa.
Trong vận hành của MM Mega Market cũng luôn có những giải pháp tiết kiệm năng lượng cũng như hướng đến sử dụng năng lượng sạch từ nhiều năm qua.
Đơn cử, MM Mega Market dùng những hệ thống khuếch tán ánh sáng tự nhiên để tiết kiệm điện hay thay thế trang thiết bị để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Hiện nay MM Mega Market đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại 11 trung tâm.
Ông Nguyễn Hoàng Huân, Phó giám đốc Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin (VITE) cho hay, sản xuất xanh, sạch hơn là một xu hướng tất yếu. Với vai trò là đơn vị tư vấn của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, định hướng của công ty để tư vấn cho tập đoàn là hướng tới kinh tế tuần hoàn.
Bởi, sản xuất xanh, sạch không đơn giản là một công đoạn trong một chuỗi sản phẩm mà là một quá trình hình thành ngay từ khi bắt đầu cho đến lúc triển khai và kết thúc dự án. Xu hướng này đã tác động, làm thay đổi về mặt nhận thức, tư duy đối với các doanh nghiệp hiện tại, đặc biệt là trong ngành than.
Áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những xu hướng tất yếu tại Việt Nam, nhưng ngoài thuận lợi, doanh nghiệp cũng đối mặt với không ít khó khăn.
Theo ông Quang, khi chuyển đổi sang được nền sản xuất xanh, chúng ta cũng có những lợi thế về chiếm lĩnh được thị trường, chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng… Nhưng khó khăn là lựa chọn được mô hình phù hợp với quy mô sản xuất của doanh nghiệp, khó về vốn đầu tư. Đây là một trong những thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn vốn đầu tư thấp. Các doanh nghiệp rất khó để tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi cũng như lãi suất thấp.
Khó khăn thứ ba, theo ông Quang, đó là những chính sách của nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi sang nền sản xuất xanh còn hạn chế.