Doanh nghiệp đã có 'giấy thông hành' cho gạo thơm vào EU

Nghị định số 103/2020/NĐ-CP có hiệu lực ngay nên doanh nghiệp có những loại gạo thơm trong danh sách và đơn hàng khẩn trương gửi hồ sơ để có giấy chứng nhận xuất khẩu gạo vào EU thuế 0%.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh vừa cho biết Nghị định số 103/2020/NĐ-CP ngày 4/9/2020 của Chính phủ quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU chính thức có hiệu lực, doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ đến Cục Trồng trọt để có giấy chứng nhận.

Vinaseed đã bắt đầu với vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và lựa chọn hệ thống quản lý FSSC 22000.

Theo Hiệp định EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo với mức thuế 0% đối với gạo xay xát, chưa xay xát và gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm.

Đối với 30.000 tấn gạo thơm trong hạn ngạch, quy định tại Hiệp định EVFTA hiện có 9 giống lúa thơm là: Jasmine 85, ST 20, ST 5, Nàng Hoa 9, VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài nguyên Chợ Đào.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đánh giá, EU là thị trường rất khó tính với các yêu cầu về giống, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Việc chứng nhận sẽ thể hiện được chất lượng, uy tín, giá trị, thương hiệu của gạo Việt.

"Với 30.000 tấn hạn ngạch gạo thơm không phải là lớn nhưng đây là tín hiệu tốt. Nếu làm tốt khẩu kiểm tra, kiểm soát tốt về chất lượng và được người tiêu dùng EU tiếp nhận thì đây cũng là cơ sở cho việc đàm phán mở rộng hạn ngạch xuất khẩu gạo thơm vào thị trường EU trong thời gian tới", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Cụ thể, theo yêu cầu về gạo thơm xuất khẩu, để được hưởng miễn thuế nhập khẩu của EU theo hạn ngạch, giống gạo thơm phải được chứng nhận đảm bảo tính đúng giống, tức cần thiết phải kiểm tra ruộng lúa thơm trước khi thu hoạch.

“Những đơn vị khảo nghiệm giống cây trồng được công nhận sẽ thực hiện việc chứng nhận đúng giống này. Việc kiểm tra đúng giống sẽ được thực hiện khoảng 20 ngày trước khi lúa được thu hoạch, bởi đây là thời điểm sẽ xác định được toàn bộ đặc tính chuẩn nhất của giống. Như vậy, đơn vị khảo nghiệm sẽ xác định được đặc tính của giống đó”, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết.

Thực thi EVFTA, EU cam kết dành cho Việt Nam xuất khẩu 80.000 tấn gạo vào thị trường này với thuế suất 0%.

Các tổ chức, cá nhân xuất khẩu gạo thơm phải chịu trách nhiệm về độ thuần, tính đúng giống trong quá trình thu hoạch, phơi, sấy, sơ chế, bảo quản, xay, xát, chế biến, đóng gói. Cục Trồng trọt sẽ là cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, chứng nhận lại, hủy bỏ Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm.

Trước đó, trong quá trình góp ý xây dựng dự thảo nghị định, nhiều doanh nghiệp lo lắng, để xuất khẩu được gạo vào EU, những lô hàng gạo thơm thuộc diện hạn ngạch thuế quan (RTQ) phải có chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và ghi rõ "gạo thuộc một trong các chủng loại được hưởng ưu đãi theo RTQ của EVFTA".

Đồng thời, doanh nghiệp phải có chứng nhận Global G.A.P và phải thay đổi quy trình canh tác, trồng trọt so với trước đây. Ví dụ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để giữ chất lượng gạo và phải xây dựng được chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị ngay từ khi EVFTA đang đàm phán. Ông Nguyễn Quang Trường, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) cho biết, doanh nghiệp bắt đầu với vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và lựa chọn hệ thống quản lý FSSC 22000. Chứng nhận được cấp sau 8 tháng vận hành và trải qua quá trình đánh giá khắt khe và nghiêm ngặt.

Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng cho biết đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo thơm ST20 và Jasmine với 3 doanh nghiệp ở Đức, với giá là 1.008 USD/tấn (FOB) tại cảng TPHCM.

Trên thực tế, gạo của Việt nam có tiềm năng lớn để xuất khẩy vào EU khi mở rộng được hạn ngạch: năm 2019 lượng gạo của Việt Nam xuât khẩu vào EU: 50 nghìn tấn gạo, 28,5 triệu Euro (tổng nhập khẩu gạo của EU 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch là 1,4 tỷ Euro; so với các nước ASEAN khác xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 với Thái Lan, 1/10 Myamnar, ¼ Campuchia)

Theo Thy Hằng/enternews.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/doanh-nghiep-da-co-giay-thong-hanh-cho-gao-thom-vao-eu-327591.html