Doanh nghiệp Đà Nẵng khôi phục sản xuất tạo đà tăng trưởng cho năm 2022
Năm 2021, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến doanh nghiệp ở Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. Sau khi kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tại Đà Nẵng dần trở về trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả cao hơn.
Ngày cuối năm, tại phân xưởng sản xuất lốp Radial, Công ty Cổ phần cao su Đà Nẵng, không khí làm việc khẩn trương hơn để chuẩn bị cho kịp những đơn hàng đã ký. Đây là những đơn hàng đầu tiên của năm mới 2022, vì vậy ai nấy đều cố gắng để đảm bảo chất lượng, tiến độ sản xuất.
Ông Nguyễn Văn An, công nhân phân xưởng lốp Radial cho biết, ngay từ đầu năm nay, anh em phân xưởng đã nỗ lực nhiều hơn để có năm mới “ăn nên làm ra”: “Thực hiện sự chỉ đạo của ban lãnh đạo công ty, toàn thể cán bộ công nhân viên bắt tay ngay vào công việc sản xuất kinh doanh với khí thế vui tươi, phấn khởi, hy vọng công ty tiếp tục đạt kết quả sản xuất kinh doanh khả quan hơn năm 2021. Cũng mong ban lãnh đạo công ty tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên”.
Năm ngoái, trong thời điểm Đà Nẵng thực hiện “Ai ở đâu thì ở đó” để kiểm soát dịch, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng đầu tư kinh phí để thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến” để duy trì sản xuất, đáp ứng đơn hàng cho đối tác trong và ngoài nước. Nhờ đó, kết thúc năm 2021, công ty đạt doanh thu tăng 13% so với kế hoạch và tăng 20% so với năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần MP Pack ở Khu Công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, đơn vị chuyên sản xuất bao bì giấy lớn nhất ở khu vực miền Trung cho biết, sau khi thực hiện trạng thái bình thường mới, công ty đã trở lại nhịp độ sản xuất ở mức cao, đáp ứng tốt các đơn hàng trong nước. Khi dịch bệnh căng thẳng, một số công nhân không thể đi làm, công ty vẫn duy trì lương cơ bản và các đãi ngộ hợp lý để giữ chân lao động. Vì vậy, khi kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã sớm ổn định. Trung bình mỗi tháng, Công ty Mp Pack sản xuất được 3 triệu đến 4 triệu thùng giấy, doanh thu 30 tỷ đồng/tháng.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần MP Pack ở Khu Công nghiệp Hòa Khánh cho biết, hiện công ty đang khẩn trương các đơn hàng cho năm 2022: “Năm 2022, công ty cũng đã mở rộng thêm mặt bằng nhà máy và đầu tư thêm thiết bị in ấn hiện đại hơn. Về đầu ra thì đối với các khách hàng chiến lược họ đã thấy năm qua bị ảnh hưởng dịch nhưng công ty đã đáp ứng đầy đủ, nhanh chóng nên gia tăng lòng tin của họ và họ gia tăng sản lượng đặt hàng của MP Pack. Như vậy thấy triển vọng năm 2022 rất lớn”.
Theo Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, các doanh nghiệp đang đẩy nhanh tiến độ để sớm phục hồi, hứa hẹn 1 năm mới đầy triển vọng.
Điểm sáng của năm 2021 là hoạt động xuất nhập khẩu và sẽ tạo đà cho năm 2022. Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh thành phố Đà Nẵng cho biết, điểm sáng nền kinh tế Đà Nẵng trong năm 2021 là hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực như: RCEP, EVFTA... Tuy vậy, thực tế là doanh nghiệp ở thành phố Đà Nẵng chưa tận dụng tốt tính ưu việt của các hiệp định mới để đặt chân vào các thị trường đầy tiềm năng này. Vì vậy, năm 2022 bên cạnh các chính sách hỗ trợ thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các lợi thế của những Hiệp định này giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội tốt hơn cho phát triển.
“Sắp tới sẽ có những gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, phục hồi doanh nghiệp rất lớn thì cộng đồng doanh nghiệp cũng rất kỳ vọng vào gói hỗ trợ này, sẽ mở ra kỳ vọng lớn hơn, tốc độ tăng trưởng cao hơn. Đương nhiên để doanh nghiệp phục hồi cần thực thi nhanh, quyết liệt, hiệu quả các chính sách hỗ trợ, đặc biệt các gói hỗ trợ để tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực thuận lợi nhất”.
Được biết, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Nghị quyết số 60 về quy định hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn để thực hiện dự án phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đó, ngân sách hỗ trợ 50% lãi suất theo quy định hiện hành về mức lãi suất cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố. Hiện, lãi suất của Quỹ là 6,5%/năm không thả nổi. Số tiền hỗ trợ lãi suất được tính trên tổng số vốn đã giải ngân và thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 24 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng. Tổng số vốn giải ngân được hỗ trợ theo Nghị quyết này tối đa không quá 200 tỷ đồng và số vốn giải ngân được hỗ trợ lãi suất tối đa tính trên một doanh nghiệp không quá 10 tỷ đồng./.