Doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá xăng dầu: Cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ

Đề xuất doanh nghiệp đầu mối được tự quyết giá bán xăng dầu được kỳ vọng sẽ tạo môi trường cạnh tranh theo cơ chế thị trường và người tiêu dùng được hưởng lợi. Tuy nhiên, đề xuất này đang nhận được không ít phản hồi băn khoăn, lo ngại của các chuyên gia.

Đưa giá xăng dầu tiệm cận với cơ chế thị trường

Tại hồ sơ thẩm định dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu lần 3 gửi Bộ Tư pháp mới đây, Bộ Công Thương giữ quan điểm như tại bản thảo hồi tháng 4/2024 là Nhà nước sẽ không điều hành giá bán lẻ nhiên liệu trong nước. Thay vào đó, doanh nghiệp đầu mối và phân phối kinh doanh xăng dầu tự tính, quyết giá bán lẻ trên cơ sở các yếu tố do Nhà nước công bố.

Bộ Công Thương đề xuất doanh nghiệp đầu mối được tự quyết giá bán xăng dầu. Ảnh minh họa

Bộ Công Thương đề xuất doanh nghiệp đầu mối được tự quyết giá bán xăng dầu. Ảnh minh họa

Trong đó, cơ quan quản lý sẽ công bố giá thế giới bình quân 7 ngày một lần và một số chi phí cố định, bao gồm tỉ giá ngoại tệ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế nhập khẩu. Dựa trên dữ liệu này, doanh nghiệp đầu mối sẽ cộng thêm các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, để tính giá bán tối đa. Giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này. Giá bán lẻ tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được tăng thêm tối đa 2% so với giá bán xăng dầu.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện thông báo giá bán, kê khai giá bán gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sau khi thương nhân công bố giá bán xăng dầu. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện thông báo giá bán, kê khai giá bán gửi Sở Công Thương, Sở Tài chính, Cục quản lý thị trường tại địa phương nơi thương nhân có hoạt động kinh doanh xăng dầu sau khi thương nhân công bố giá bán lẻ xăng dầu.

Trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, hoặc trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá.

Giá xăng dầu sẽ được điều hành tiệm cận với cơ chế thị trường nhưng có điều tiết của cơ quan quản lý Nhà nước. Ảnh minh họa

Giá xăng dầu sẽ được điều hành tiệm cận với cơ chế thị trường nhưng có điều tiết của cơ quan quản lý Nhà nước. Ảnh minh họa

Phân tích cụ thể, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Thúy Hiền thông tin: với cơ chế giá xăng dầu, dự thảo tiến dần hơn với cơ chế thị trường, Nhà nước ban hành nguyên tắc công thức giá để thương nhân đầu mối xăng dầu quyết định giá bán; nhưng giá này không cao hơn công thức giá quy định.

Dự thảo được Bộ Công Thương xây dựng với tư duy có nhiều thay đổi với mục tiêu cuối cùng là cân đối cung - cầu xăng dầu, không thiếu hụt và bảo đảm an ninh năng lượng. Giá xăng dầu sẽ được điều hành tiệm cận với cơ chế thị trường nhưng có điều tiết của cơ quan quản lý Nhà nước.

Cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ

Nhận định về đề xuất doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá bán xăng dầu, nhiều chuyên gia đồng quan điểm, đề xuất hướng đến cơ chế tự quyết định giá của doanh nghiệp là bước đi mới, hướng đến sự thay đổi mạnh mẽ về mặt quản lý, điều hành giá.

Càng sớm đưa mặt hàng xăng dầu tiến tới thị trường thì càng tốt, nhưng phải hội tụ đầy đủ các yếu tố về tự do nhập khẩu, tự do phân phối. Thời điểm này, mặt hàng xăng dầu trong nước chưa đạt được điều đó nên Nhà nước vẫn phải quản lý.

TS Nguyễn Minh Phong

Song, trước mắt nên cho thí điểm triển khai cơ chế này trước khi mở cửa hoàn toàn với mặt hàng xăng dầu. Các chuyên gia cũng lo ngại về việc đảm bảo kinh doanh lành mạnh, độc quyền nếu trao quyền cho các đầu mối xăng dầu tự quyết giá.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), với một số đơn vị đầu mối chi phối thị trường từ khâu nhập khẩu đến bán lẻ, cơ chế mới như đề xuất chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề thị trường xăng dầu hiện nay. Nếu trao quyền quyết định giá bán cho đầu mối, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, kịp thời để bảo đảm giá mặt hàng này không tăng sốc, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Dù lo ngại doanh nghiệp đầu mối chiếm thị phần có thể áp đảo giá nếu được tự quyết giá, nhưng PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, quy định này sẽ tạo sự cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu mối nhỏ cũng có thuận lợi khi tạo nguồn hàng linh hoạt, đa dạng, chi phí thấp để tăng tính cạnh tranh trong chiết khấu. Để kiểm soát tốt, nên có quy định cụ thể về biên độ lợi nhuận so với chi phí giá đầu vào được Bộ Công Thương quy định để tránh sự độc quyền và lạm dụng vị trí thống lĩnh, cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường.

Về lâu dài, để giá xăng dầu thực sự theo cơ chế thị trường, hoạt động một cách công khai, minh bạch, TS Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị cần thành lập sàn giao dịch xăng dầu. Việc này sẽ tạo ra thị trường lành mạnh, hoạt động giao dịch đúng theo nguyên lý thị trường, thuận mua vừa bán; giá cả giao dịch bán buôn, bán lẻ do doanh nghiệp tự tính toán, lời ăn, lỗ chịu, không còn áp chiết khấu, giá trần định mức.

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-dau-moi-tu-quyet-gia-xang-dau-can-co-che-kiem-soat-chat-che.html