Doanh nghiệp đẩy mạnh dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường Tết
Thành phố Hà Nội đã chuẩn bị khoảng 292.500 tấn gạo, 56.700 tấn thịt lợn, 18.900 tấn thịt gà, 18.459 tấn thịt bò... để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.
Lượng hàng dữ trữ tăng từ 2-3 lần, nhiều doanh nghiệp bán lẻ và siêu thị đã lên kế hoạch cân đối cung-cầu, kết nối giao thương, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng với mức giá bình ổn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.
Chủ động dự trữ hàng hóa
Từ thời điểm cuối tháng 11 hàng năm, hoạt động thương mại đã diễn ra sôi động, nhu cầu mua sắm nhiều mặt hàng cũng tăng 3-20% so với ngày thường.
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp sẵn sàng các phương án tích trữ hàng hóa và bình ổn thị trường.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Đối ngoại marketing Tổng Công ty Thương mại Hà Nội-Hapro (thuộc Tập đoàn BRG), ngoài 8 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường, Hapro đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị các nguồn hàng hóa để kinh doanh dịp Tết, như: Gạo Hapro Đồng Tháp; hạt điều rang muối; bộ sản phẩm xúc xích, chân giò hun khói, thịt ba chỉ xông khói và các sản phẩm kinh doanh theo chương trình khai thác đặc sản vùng miền...
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chủ động kết nối với các đơn vị sản xuất và để luôn có đủ nguồn hàng phục vụ người dân mua sắm trong các thời điểm cao điểm mua sắm.
Về phía Saigon Co.op (đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Co.opmart) có 6 siêu thị và 6 cửa hàng Co.op Food trên địa bàn Hà Nội, trong dịp Tết sắp tới, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh dữ trữ hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân khi mua hàng.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông cho biết hiện Saigon Co.op đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa thiết yếu với tổng giá trị lên đến gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với dịp Tết Canh Tý 2020. Trong đó, ưu tiên dự trữ 9 nhóm hàng bình ổn thị trường, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, đặc sản Tết.
Bên cạnh đó, Saigon Co.op thực hiện phương thức đối lưu hai chiều, vận chuyển hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội và ngược lại nhằm phục vụ đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng với đa dạng các mặt hàng từ nhiều vùng, miền khác nhau.
“Dịch COVID-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, cung cấp hàng hóa, do đó Saigon Co.op đã chủ động lên phương án dự trữ hàng hóa từ rất sớm; đồng thời, chuẩn bị nhiều phương án vận chuyển phân phối để bảo đảm hàng hóa thiết yếu luôn đầy đủ, không bị đứt gãy nguồn cung, tăng giá đột biến,” bà Nguyễn Thị Kim Dung cho hay.
Tương tự, hệ thống VinMart và VinMart+ đã lên kế hoạch và làm việc với các nhà cung cấp trước Tết Nguyên đán 4 tháng để dự phòng hàng hóa đầy đủ cho nhu cầu mua sắm tiêu dùng của khách hàng.
Cụ thể, từ tháng 9-2020, VinMart và VinMart+ đã lập kế hoạch mở rộng kho bãi, tối ưu vận hành tổng kho ở 2 miền Bắc - Nam, các kho trung chuyển và các địa điểm phân phối.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp luôn bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày. Ngoài ra, thành phố Hà Nội đã chuẩn bị khoảng 292.500 tấn gạo, 56.700 tấn thịt lợn, 18.900 tấn thịt gà, 18.459 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 315 nghìn tấn rau củ, 15.750 tấn thủy, hải sản... để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tính đến hết tháng 11/2020, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của thành phố Hà Nội và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Kiểm soát chặt an toàn thực phẩm
Cùng với tăng dữ trự hàng hóa, vấn đề an toàn thực phẩm cũng được các cơ quan chức năng và doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ.
Tại hệ thống siêu thị BRGmart và cửa hàng Haprofood, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, cho biết, hàng hóa đưa vào hệ thống của doanh nghiệp đều được kiểm duyệt kỹ lưỡng thông qua bộ tiêu chí đánh giá các nhà cung cấp.
Trong khi đó, Saigon Co.op cũng đẩy mạnh các biện pháp để kiểm soát chất lượng đầu vào. Cùng đó, không gian mua sắm và làm việc được khử trùng, nhân viên, khách hàng phải đeo khẩu trang và đo thân nhiệt để phòng, chống dịch COVID-19.
“Đối với thực phẩm, ngoài việc tuân thủ các quy định của Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, Saigon Co.op thực hiện quy trình quản lý chất lượng chặt chẽ, bài bản với tất cả các đối tác ký hợp đồng. Tiếp đó, mỗi bộ phận hàng hóa lại có bộ phận kiểm soát chất lượng trước khi đưa vào phân phối tại siêu thị,” bà Nguyễn Thị Kim Dung cho biết thêm.
Trong khi đó, theo đại diện lãnh đạo hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+, hàng hóa luôn được cam kết kiểm soát từ nguồn gốc, với quy trình đánh giá chất lượng nghiêm ngặt từ hồ sơ chào hàng tới vận chuyển, bảo quản.
Để ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, trong những tháng cuối năm và Tết Tân Sửu 2021, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng thông tin, Cục sẽ triển khai các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường; đồng thời, phối hợp với các quận, huyện, thị xã ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hội chợ xuân để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
“Việc kiểm tra, kiểm soát thị trường chống hàng lậu, hàng giả gắn liền với mục tiêu ổn định kinh tế, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong thời điểm cuối năm,” ông Trần Việt Hùng khẳng định.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cũng thông tin, ngoài sự chuẩn bị của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hội chợ lớn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; kịp thời điều tiết cung-cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến./.