Doanh nghiệp dè chừng tăng giá hàng hóa

Giá nguyên liệu đầu vào cùng với giá xăng dầu cao đang đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Song, cộng đồng doanh nghiệp vẫn dè chừng và đắn đo tăng giá sản phẩm.

Nhiều chương trình đẩy mạnh khuyến mãi kích cầu tiêu dùng.

Nhiều chương trình đẩy mạnh khuyến mãi kích cầu tiêu dùng.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao

Ghi nhận tại các chợ dân sinh trên địa bàn TPHCM cho thấy, bí xanh tăng khoảng 3.000 đồng/kg, trước đây chỉ 20.000 đồng/kg; xà lách cuộn tăng thêm 5.000 đồng thành 45.000 đồng/kg... Mặt hàng bún tươi, bánh phở cũng tăng thêm 3.000 - 5.000 đồng/kg. Nói về tăng giá sản phẩm, nhiều tiểu thương cho biết, giá nguyên liệu tăng cùng với chi phí vận chuyển cũng leo thang nên tiểu thương buộc phải tăng giá.

Nói về giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, ông Lương Vạn Vinh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa mỹ phẩm Mỹ Hỏa cho hay: “Sau dịch Covid-19 giá nguyên liệu tăng rất nhiều. Khoảng một tháng nay đầu vào nguyên liệu tăng khoảng hơn 10%. Thời gian tới, nếu xăng dầu tiếp tục tăng thì nguyên liệu đầu vào dự báo tăng 30%. Điều này gây khó phần nào cho các nhà sản xuất”. Tuy nhiên, khi tính đến chuyện tăng giá sản phẩm bán lẻ, ông Vinh lại đắn đo: “Hiện nay chúng tôi chưa dám tăng giá bán lẻ do sức mua trên thị trường rất yếu. Nếu tăng giá người tiêu dùng sẽ lựa chọn sản phẩm khác cùng loại. Hơn nữa, doanh nghiệp còn nguyên liệu đầu vào giá cũ, chưa kể thời gian tới biết đâu nguyên liệu đầu vào sẽ giảm giá. Thực ra, doanh nghiệp không còn lợi nhuận mới tính chuyện tăng giá, còn trước mắt đơn vị chưa tính đến việc này”.

Bà Từ Lê Thanh Vy - Phó Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Bột quốc tế cho biết: “Gạo, đường tăng giá, trong khi đây là 2 thành phần chính của sản phẩm bột. Điều này vô hình chung người tiêu dùng sẽ bị thêm gánh nặng tăng giá. Song, hiện tại có một số nhà cung cấp thân thiết và lâu năm đồng ý giữ giá cho doanh nghiệp nên không đến nỗi. Nhìn chung, doanh nghiệp còn chịu đựng được”.

Theo đại diện Công ty liên doanh Bột quốc tế, từ đầu năm đến nay giá nguyên liệu sản xuất liên tục tăng. Thậm chí, có nguyên liệu đầu vào tăng 100% như: Bột bắp nhập từ các nước châu Âu từ mức 25.000 đồng/kg tăng lên 50.000 đồng/kg. Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ sụt giảm mạnh, khách hàng khó khăn nên doanh nghiệp chưa thể điều chỉnh giá theo đà tăng nguyên liệu đầu vào nên vẫn cố gắng giữ giá bán.

Điều chỉnh giá bán được xem xét, cân nhắc kỹ

Liên quan tăng giá sản phẩm, đại diện nhà bán lẻ Saigon Co.op cho hay, gần đây nhà bán lẻ này nhận được đề nghị tăng giá bán hàng hóa từ hơn 100 nhà cung cấp. Những mặt hàng tăng giá bao gồm lương thực, thực phẩm liên quan đến gạo, đường, ngũ cốc... Đáng chú ý, có sản phẩm nhà sản xuất đề nghị tăng hơn 20%. Nhưng nhà bán lẻ này cố gắng trì hoãn việc tăng giá bán vì tình hình thị trường tiêu dùng vẫn khó khăn.

Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, do khó khăn của thị trường tiêu dùng nên các nhà bán lẻ cũng có sự dè chừng, dòm ngó nhau về giá bán để tăng tính cạnh tranh. Chính vì vậy mà việc điều chỉnh giá bán cũng được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng.

Trước tình hình thị trường tiêu dùng hiện nay, các chuyên gia cho rằng, sức mua chậm nếu tăng giá bán sẽ làm cho thị trường ì ạch hơn. Đồng nghĩa với việc đẩy mạnh tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng, chưa kể lạm phát sẽ gia tăng. Theo Cục Thống kê TPHCM, bình quân tháng 9/2023, CPI tăng 3,45% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2022 tăng 2,18%). Phân tích diễn biến chỉ số giá một số nhóm ngành hàng trong tháng 9, Cục Thống kê TPHCM cho biết, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,49%. Trong đó, nhóm lương thực tăng 2,44%, chủ yếu do giá gạo tăng 3,37%; nhóm thực phẩm tăng 0,1%, cụ thể thịt chế biến tăng 0,74%; rau tươi, khô và chế biến tăng 0,87%; thủy sản chế biến tăng 0,36%. Nhóm giao thông tăng 1,4%, chủ yếu do giá nhiên liệu tăng 3,19% khi giá xăng tăng 3,55%, dầu diesel tăng 5,96%.

Nhằm hạn chế khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng, từ ngày 1/7, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% được áp dụng đến hết ngày 31/12/2023. Cụ thể, giảm từ 10% xuống còn 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ. Chính sách trên được đánh giá, góp phần giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ.

THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/doanh-nghiep-de-chung-tang-gia-hang-hoa-5741029.html