Doanh nghiệp dè dặt làm hàng Tết

Nhận định thị trường cuối năm và Tết sắp tới sẽ có nhiều biến động khó lường, các doanh nghiệp (DN) làm hàng Tết đều thận trọng khi tăng nguồn cung, cũng như giữ nguyên giá khi đưa hàng đến người tiêu dùng.

Không dám mạo hiểm

Do ảnh hưởng tình hình kinh tế, việc làm nhiều khó khăn trong suốt năm 2023, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) phải tính toán kỹ lưỡng với kế hoạch làm hàng Tết. DN dành ngân sách hơn 540 tỷ đồng để dự trữ lượng hàng Tết 2024, tương đương sản lượng thực hiện cùng kỳ Tết 2023.

Cụ thể, Vissan sẽ đưa ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến; đồng thời dự trữ thêm từ 10 - 20% sản lượng hàng hóa để dự phòng các trường hợp thiếu hụt.

Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan, từ tháng 6/2023, DN đã bắt đầu dự trữ nguyên vật liệu, chuẩn bị tốt nguồn hàng hóa phục vụ cho thị trường cuối năm và Tết 2024. “Nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, năm nay công ty cam kết không tăng giá, mà còn triển khai nhiều chương khuyến mãi, giảm giá từ 10 - 20% thường xuyên vào các ngày cuối tuần và sẽ nâng mức giảm giá lên đến 30% trong những ngày sát Tết” - ông An nói.

Thời điểm này, đa số các DN thực phẩm đã bắt đầu cho những đơn hàng Tết nhưng rất dè dặt khi tăng số lượng. Đại diện Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (quận 12) cho biết, trong 10 tháng đầu năm nay, sức tiêu thụ giảm 50% nên DN chỉ chuẩn bị khoảng 2 triệu quả trứng gia cầm/ngày từ ngày 23 tháng Chạp trở đi. Đối với các nhà bán lẻ có phương án chuẩn bị nguồn hàng ở mức vừa phải.

Chuyên cung ứng các loại mứt, trái cây sấy khô cho các chợ TPHCM và nhiều tỉnh thành, bà Võ Thị Hà, chủ cơ sở Thịnh Phát (Long An) nhìn nhận, thời điểm này những năm trước dịch bệnh COVID-19, đối tác gọi điện đặt hàng rất nhiều để có giá tốt nhất. Tuy nhiên tới lúc này, số người đặt hàng giảm hơn 50%. Chúng tôi không dám liên hệ nhà vườn dự trữ nguyên liệu vì sợ ôm lỗ.

“Điều khó khăn hiện nay là dù lượng khách hàng ngày càng giảm, nhưng giá cả nguyên liệu đầu vào vẫn tăng cao. Từ đó chắc chắn sản phẩm đến tay người tiêu dùng buộc phải tăng giá, như vậy sức mua sẽ còn giảm sâu hơn” - bà Hà nói.

Sẵn sàng tăng sản lượng trong tình huống khẩn cấp

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM nhìn nhận, thị trường năm nay rất khó khăn. Hiện sức mua yếu, DN chỉ dự trữ lượng hàng Tết tăng khoảng 15 - 20% so với bình thường nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong trường hợp sức mua tăng đột biến.

Theo bà Chi, tỷ giá tăng khiến chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất của DN lương thực, thực phẩm bị đội lên nhưng trong bối cảnh hiện tại, DN chấp nhận lợi nhuận thấp, thậm chí huề vốn để bán được hàng, tham gia bình ổn thị trường.

Sản xuất hàng phục vụ thị trường Tết tại Công ty Vissan. Ảnh: U.P

Sản xuất hàng phục vụ thị trường Tết tại Công ty Vissan. Ảnh: U.P

Chiều ngày 9/11, ông Nguyễn Phương Duy, Phó trưởng phòng Quản lý năng lượng Sở Công Thương TPHCM cho biết, do diễn biến giá xăng dầu, tỷ giá, giá cả nguyên vật liệu biến động phức tạp, tạo áp lực lớn đối với hoạt động sản xuất trong nước.

Để ứng phó với vấn đề trên, các DN bình ổn thị trường đang chuẩn bị kế hoạch sản xuất, chuẩn bị nguyên liệu trên cơ sở tuân thủ nghiêm quy định của chương trình bình ổn. Các DN sẽ nỗ lực cung ứng đủ hoặc vượt sản lượng, bán đúng giá đã công bố, qua đó góp phần điều tiết thị trường. Thời gian qua, trên địa bàn TPHCM đã không để xảy ra đột biến giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn tiếp tục cung ứng vốn kịp thời cho các DN nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và giữ ổn định giá cả hàng hóa những tháng cuối năm, phục vụ người tiêu dùng mua sắm Tết. “Các ngân hàng cần tiếp tục tiết giảm chi phí thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa sản phẩm cho vay và thanh toán phục vụ DN, hộ gia đình sản xuất kinh doanh hàng hóa Tết” – ông Lệnh nói.

Để chuẩn bị hàng hóa Tết, ngay từ đầu năm, thành phố đã xây dựng kế hoạch và giao Sở Công Thương chủ trì tích cực triển khai thực hiện. Theo đó, các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25 - 43% nhu cầu thị trường, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản...

“Bên cạnh đó, DN sẽ sẵn sàng tăng sản lượng trong tình huống khẩn cấp, sẵn sàng bán hàng lưu động đến nơi thiếu hàng cục bộ, kiên quyết không để xảy ra khan thiếu hàng hóa, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống” - ông Duy nói.

Riêng mặt hàng gạo, vừa qua Sở Công Thương đã tổ chức kiểm tra nguồn hàng gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Qua nhận định của các đầu mối xuất khẩu gạo cho thấy giá gạo thế giới đang trong xu hướng tăng và khó dự đoán do phụ thuộc nhu cầu của các thị trường lớn và tính toán chiến lược của các nước xuất khẩu.

Sở Công Thương đang theo dõi sát diễn biến, bởi biến động của thị trường toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo trong nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán.

Uyên Phương - Vân Sơn - Nhàn Lê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/doanh-nghiep-de-dat-lam-hang-tet-post1586370.tpo