Doanh nghiệp dệt may cần làm gì để lách qua 'khe hẹp'?

Mất dần lợi thế cạnh tranh ở một số thị trường chủ lực là mối lo lớn cho ngành dệt may Việt Nam trong lúc này. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp nội địa trong ngành hàng này cần xây dựng phương án ứng phó, phải thích ứng liên tục để không bị tụt hậu so với các đối thủ, lách qua 'khe hẹp' bằng cách hướng tới các mặt hàng cao cấp có tính kỹ thuật và giá trị cao.

Tính đến tháng 6/2024, CTCP Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) - từng là một “tên tuổi” hàng đầu trong ngành dệt may nội địa, vẫn đang theo đuổi vụ kiện đòi bồi thường 280 triệu USD đối với khách hàng Amazon và chưa thể đánh giá vụ kiện có phần trăm thắng là bao nhiêu.

Ứng phó trước mối lo mất dần lợi thế cạnh tranh

Bên cạnh vấn đề này, tại đại hội cổ đông thường niên 2024 diễn ra cách đây vài ngày, lãnh đạo Gilimex cho biết năm nay công ty đã có đơn hàng ký kết khoảng 40 triệu USD với khách hàng truyền thống và đang tiếp tục tìm kiếm đơn hàng của các khách hàng khác.

Tiếp cận với các nhà thu mua quốc tế là cơ hội cho DN dệt may nội địa cải thiện đơn hàng.

Tiếp cận với các nhà thu mua quốc tế là cơ hội cho DN dệt may nội địa cải thiện đơn hàng.

Theo đó, công ty này tập trung làm đơn hàng có giá trị cao và không làm những đơn hàng có giá trị thấp hoặc không có lợi nhuận, bị lỗ. Ngoài việc thực hiện các hành động để phù hợp với yêu cầu của khách hàng, để tăng đơn hàng, Gilimex phải thực hiện cùng với khách hàng cải thiện doanh thu, đó là mở rộng nhà máy nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa hiện nay và đảm bảo lợi ích tương quan lâu dài với khách hàng.

Không chỉ với DN nêu trên, việc đề ra các phương án để tăng đơn hàng xuất khẩu (XK) và cải thiện doanh thu vẫn là mối bận tâm lớn của các DN nội địa trong ngành dệt may. Điều này càng đặc biệt đối với những DN gặp biến cố, kiện tụng, mất khách hàng lớn, đối mặt sức ép cạnh tranh như trong thời gian qua.

Số liệu thống kê cho thấy 5 tháng đầu năm 2025 XK dệt may đạt kim ngạch 13,1 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Với mức tăng trưởng khiêm tốn như vậy, ngành hàng này được cho là vẫn còn đối mặt những khó khăn, thách thức ở phía trước.

Nhất là tổng cầu dệt may năm 2024 dự báo tăng 5 – 6% so với 2023 nhưng vẫn thấp hơn 2019. Do đó, đơn hàng sẽ chưa được cải thiện nhiều. Xu hướng chung hiện nay là đơn giá chưa được cải thiện, nhất là với các đơn hàng FOB.

Với một số DN thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), về cơ bản đơn hàng đã có đủ tới hết quý 3/2024, nhưng đơn hàng quý 4/2024 vẫn chưa chắc chắn vì các khách hàng còn thận trọng theo dõi các diễn biến của thị trường.

Hơn nữa, các quốc gia đang thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy XK dệt may, cạnh tranh lấy lại thị phần như: Giảm giá, chính sách hỗ trợ trong nước đặc biệt là Trung Quốc.

Như chia sẻ mới đây của ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) tại một hội thảo quốc tế diễn ra ở Tp.HCM nhằm bàn về việc thúc đẩy đà phục hồi XK vào các thị trường trọng điểm, một trong những thách thức lớn là việc hạn chế về tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực khiến việc cạnh tranh với các nhà sản xuất dệt may từ Trung Quốc còn nhiều khó khăn.

Đáng chú ý khi báo cáo cập nhật mới nhất về ngành dệt may Việt Nam trong tháng 6/2024 của Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, ngành dệt may Việt Nam mất dần lợi thế cạnh tranh ở thị trường Mỹ.

Cụ thể, theo khảo sát của Hiệp hội thời trang Hoa Kỳ (USFIA) về so sánh lợi thế cạnh tranh giữa các nước tại Mỹ với điểm số càng cao càng tốt. Hiện tại, Việt Nam có tổng điểm số cao hơn Trung Quốc và Bangladesh cho thấy Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao hơn. Tuy nhiên, so sánh với năm 2020, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc giảm điểm trong khi các nước đang tăng dần báo hiệu Việt Nam đang mất dần lợi thế cạnh tranh.

Làm gì để không tụt hậu trước đối thủ?

Cho nên, trong 6 tháng cuối năm 2024, điều mà các DN nội địa trong ngành dệt may cần làm là cải thiện năng lực cạnh tranh của mình để giành đơn hàng, đặc biệt là ở những thị trường trọng điểm.

Chẳng hạn, theo VDSC, Việt Nam đang đứng đầu về khả năng sản xuất sản phẩm đa dạng và nhanh chóng nhờ đầu tư máy móc và tay nghề cao. Tuy nhiên, về dài hạn, các nước khác có khả năng bắt kịp và lợi thế trên sẽ giảm dần. Các DN Việt Nam có thể đẩy mạnh đầu tư công nghệ, tối ưu quy trình sản xuất và cung ứng cũng như tham gia sâu vào chuỗi giá trị OBM hoặc ODM để tạo lợi thế cạnh tranh so với các nước khác.

Ngoài ra, như với thị trường Mỹ, trong bối cảnh thị phần XK của Trung Quốc tại Mỹ ngày càng giảm dần ở tất cả các mặt hàng dệt may thì điều hy vọng với việc thay đổi nhà cung cấp ở Mỹ sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam chớp cơ hội để tăng trưởng CAGR (tăng trưởng kép) cao hơn thế giới nhờ chiếm thị phần của Trung Quốc trong ngắn hạn. Nhất là các DN có thị phần XK sang Mỹ cao cần tận dụng cơ hội này hưởng lợi nhờ tỷ trọng doanh thu cao tại thị trường Mỹ do các nước đối thủ khác trên thế giới chưa có khả năng sản xuất nhanh và đa dạng.

Hay như khi khuyến cáo một số chương trình hành động cho các DN thành viên triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh từ nay đến hết năm 2024, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, nhấn mạnh đề nghị các DN tính toán để có thể chốt được đơn hàng trong những tháng cuối năm, nhất là với thị trường Mỹ, EU. Với thị trường Mỹ, nếu ký được đơn hàng dài hơi thì các DN nên tận dụng các cơ hội để có được đơn hàng.

Song song đó, giới chuyên gia cho rằng để cạnh tranh với một số quốc gia có khả năng tiếp tục phá giá đồng nội địa thì “khe hẹp” cho ngành dệt may Việt vẫn là các mặt hàng cao cấp có tính kỹ thuật và giá trị cao. Đồng thời, các DN cần siết chặt hơn nữa chất lượng và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, không chạy theo sản lượng.

Còn theo ông Trần Như Tùng, với những đặc điểm của thị trường trong giai đoạn tới, các DN dệt may của Việt Nam cần xây dựng một số phương án để ứng phó, linh hoạt trong sản xuất và điều hành, bám sát thị trường, đối tác. Qua đó để có những dự báo, xây dựng phương án cho sản xuất, duy trì hoạt động của DN, linh hoạt trong chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu của thị trường, nhất là các thị trường mới tiềm năng.

Ngoài ra, theo ông Tùng, sự phụ thuộc bị động vào chuỗi cung ứng nguyên liệu và thị trường XK thế giới đang thay đổi nhanh chóng đòi hỏi các DN của ngành phải thích ứng liên tục để không bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh khác.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-det-may-can-lam-gi-de-lach-qua-khe-hep-1100316.html