Doanh nghiệp dệt may, da giày tìm giải pháp ứng phó với chính sách thuế mới của Mỹ

Dự báo, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn sau khi Hoa Kỳ tuyên bố mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp phải xoay xở, chủ động tìm giải pháp để ứng phó với chính sách mới này.

Việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam sẽ tác động đến xuất khẩu và kinh tế của Việt Nam, đặc biệt với các ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ...

Với ngành dệt may, hiện các doanh nghiệp dệt may Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ tương đối lớn. Các doanh nghiệp đang tìm cách ứng phó linh hoạt, chủ động tìm kiếm thị trường mới và nâng cao giá trị sản phẩm để duy trì sự ổn định.

Bà Nguyễn Phương Thảo - Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10 cho biết, doanh nghiệp đang theo dõi sát những diễn biến liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ, đồng thời có sự chuẩn bị để hạn chế tác động tiêu cực từ biến động thương mại. May 10 đã thực hiện đa dạng hóa thị trường, như xuất khẩu sang thị trường EU, thị trường Nhật Bản, Australia và một số thị trường khác.

Theo bà Thảo: "May 10 phải tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào Mỹ, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do FTA để phát triển các thị trường mới. Thứ hai là tiết kiệm trên mọi lĩnh vực, đầu tư thiết bị công nghệ, giảm định mức, tăng năng suất, nâng cao hiệu suất làm việc, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh và có giá thành cạnh tranh. Thứ ba phải kiểm soát chặt thông tin về nguồn gốc xuất xứ của nguyên phụ liệu.

Ngoài thuế thì Mỹ cũng rất quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng như là nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm ấy. Hiện nay, các khách hàng đều quay lại làm việc với các nhà máy về vấn đề thuế. May 10 đang kết hợp chặt chẽ khách hàng để đàm phán, làm sao vẫn có thể giữ được đơn hàng. Một biện pháp nữa của May 10 là tăng cường phát triển thị trường nội địa, giảm tỷ lệ chênh lệch giữa xuất khẩu và nội địa".

Để giảm tác động từ việc Mỹ áp thuế, một trong những hướng đi quan trọng là tập trung phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Đây không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là bước đi chiến lược giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bà Đỗ Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty TNHH may mặc VinaGeni ở Hà Tĩnh chia sẻ: "Chúng ta chưa chủ động được nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc và Ấn Độ. Thứ 2 là chi phí nhân công của chúng ta so với nước như Ai Cập, Bangladesh thì vẫn cao hơn. Vì vậy, cạnh tranh đơn hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ đặc biệt khó khăn. Giải pháp trước mắt chúng tôi sẽ phải đầu tư máy móc hiện đại và đầu tư vào công nghệ để tăng năng suất. Thứ hai là đầu tư phát triển nhà máy xanh để cạnh tranh với các doanh nghiệp mạnh của các nước đã phát triển công nghiệp xanh".

Da giày luôn nằm trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ. Trước mức áp thuế mới, ngành hàng này đã chuẩn bị sẵn sàng nhiều kế hoạch.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam khẳng định, chính sách thuế mới của Hoa Kỳ sẽ làm tăng chi phí, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phải có những giải pháp để tiếp tục duy trì sản xuất cũng như tối ưu hóa hơn nữa quá trình sản xuất để giúp cân bằng lại chi phí về thuế có thể sẽ bị tăng trong thời gian tới. Cơ hội cho ngành hàng da giày, túi xách Việt Nam tại nhiều thị trường tiềm năng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương mà Việt Nam đã có Hiệp định CPTPP, hay thị trường EU có hiệp định EVFTA, cùng nhiều FTA khác cũng sẽ được đẩy mạnh khai thác.

"Chúng ta tiếp tục đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu cũng như tận dụng các lợi thế của các thị trường có FTA vẫn là một trong những ưu tiên của các doanh nghiệp. Thứ hai, với các thách thức như vậy thì các doanh nghiệp sẽ là một cơ hội để tái cấu trúc lại quá trình sản xuất, tiết giảm chi phí, đặc biệt là các chi phí đầu vào. Và qua đây chúng tôi cũng có một kiến nghị, mong muốn là phía cơ quan Nhà nước, Chính phủ nên có một chính sách tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi, đặc biệt là các chính sách ưu đãi và các chính sách cải cách thủ tục hành chính, thuế, hải quan, giúp cho các doanh nghiệp hoàn thuế nhanh hơn, cũng như các thủ tục hải quan được thông thoáng hơn, giúp cho các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí, hiệu quả hơn trong quá trình sản xuất" - bà Xuân chia sẻ.

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm kiếm thị trường mới, mở rộng tệp khách hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Đồng thời, việc nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện chất lượng và đẩy mạnh sản xuất xanh theo tiêu chuẩn quốc tế cũng là những hướng đi quan trọng giúp ngành dệt may, da giày Việt Nam giữ vững vị thế trên thị trường toàn cầu.

TS Nguyễn Quốc Việt - Chuyên gia chính sách công, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Chúng ta phải thúc đẩy hơn nữa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hướng tới xuất khẩu, kết nối các thị trường mới, tận dụng các thị trường nằm trong Hiệp định FTA. Tôi cũng mong các Hiệp hội, các ngành hàng cùng đồng lòng giúp cho doanh nghiệp nội địa có sức bền, sức chống chịu nhất định để vượt qua giai đoạn khó khăn của thị trường".

Bá Toàn/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-det-may-da-giay-tim-giai-phap-ung-pho-voi-chinh-sach-thue-moi-cua-my-post1189940.vov