Doanh nghiệp dệt may gặp khó
Sức cầu tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Mỹ, EU suy giảm trong bối cảnh lạm phát cao kỷ lục đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may.
Đơn hàng và giá bán đều giảm
Khi người tiêu dùng Mỹ, EU “thắt lưng buộc bụng”, hạn chế chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu (trong đó có dệt may), đơn hàng quý III và quý IV của nhiều doanh nghiệp dệt may bị thiếu nghiêm trọng, nhất là phân khúc hàng dệt kim, sơ mi, quần âu. Đơn giá xuất khẩu cũng xuống thấp.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, ngành sợi rơi vào trầm lắng, thiếu hợp đồng, giá sợi có thời điểm chỉ tương đương giá bông nguyên liệu. Diễn biến này đã phản ánh vào kết quả kinh doanh quý III của Tập đoàn. Doanh thu hợp nhất trong kỳ ước đạt 4.600 tỷ đồng, thấp hơn bình quân quý I và II gần 10%. Trong khi đó, theo thông lệ, quý III là giai đoạn cao điểm xuất khẩu dệt may, doanh thu của Tập đoàn thường cao hơn 10% so với quý trước đó.
Lợi nhuận hợp nhất quý III/2022 của Vinatex ước đạt 200 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với bình quân hai quý đầu năm và chỉ tương đương với giai đoạn bùng phát dịch Covid-19.
Lợi nhuận hợp nhất quý III/2022 của Vinatex ước đạt 200 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với bình quân hai quý đầu năm và chỉ tương đương với giai đoạn bùng phát dịch Covid-19. Nhờ hai quý đầu năm tích cực, kết quả sản xuất - kinh doanh 9 tháng đầu năm của Vinatex vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Theo ông Cao Đức Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex, “quý IV năm nay, dự báo tình hình thị trường sẽ vô cùng bất lợi, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của ngành”.
Tình hình tại Công ty cổ phần Dệt may Nam Định còn xấu hơn, khi Công ty báo lỗ hơn 9,1 tỷ đồng trên báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 (trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 23,4 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu là giá nguyên liệu đầu vào bông xơ biến động liên tục, đồng thời giá bán các mặt hàng sợi giảm, sản lượng hàng bán ra trong nước cũng như xuất khẩu giảm mạnh. Lũy kế 9 tháng, Công ty đạt doanh thu 992 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 48,4 tỷ đồng (giảm 27% so với cùng kỳ).
Chặng đường còn lại của năm là quý IV, các doanh nghiệp nhận định sẽ thực sự nhiều khó khăn. Để có thể cán đích kế hoạch kinh doanh đề ra, doanh nghiệp cần phải linh hoạt, tháo gỡ nút thắt và chuyển hướng.
Các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ và EU đều đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao trong nhiều thập kỷ qua khiến ngân hàng trung ương các quốc gia này phải tăng lãi suất nhanh và mạnh để kiềm chế lạm phát, tăng trưởng theo đó sẽ chậm lại và nền kinh tế đứng trước rủi ro suy giảm và nặng hơn là suy thoái.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May 10 (M10) nhận định, thị trường đang trong xu hướng giảm cầu khi tại Mỹ, EU lạm phát đang căng thẳng, trong khi đây vốn là các thị trường lớn của dệt may Việt Nam.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành dệt may trong quý IV năm nay dự báo sẽ suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái do chịu tác động của nhiều yếu tố địa chính trị, chiến tranh, lạm phát, các nhà nhập khẩu tại Mỹ, EU, Nhật Bản đều có xu hướng giảm giá hàng và giảm đơn hàng.
Nỗ lực tìm kiếm thị trường mới
Trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của ngành dệt may ước đạt 35,3 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt gần 80% kế hoạch xuất khẩu cả năm. Theo ông Vũ Đức
Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), dù tình hình đơn hàng sụt giảm, nhưng với sự năng động của các doanh nghiệp, khả năng cao kim ngạch xuất khẩu của ngành vẫn sẽ đạt được mục tiêu đề ra là 44 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Giải pháp để doanh nghiệp “bẻ lái”, vượt qua khó khăn là gì? Trả lời câu hỏi này, ông Thân Đức Việt cho rằng, mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm kiếm cơ hội ở các thị trường tiềm năng như Canada, Trung Quốc, Nga… là xu thế chung của các doanh nghiệp ngành may, tuy nhiên, việc khai khác các thị trường này chưa được nhiều. Riêng May 10 đang tập trung đẩy mạnh thị trường nội địa để bù đắp cho sự thiếu hụt của đơn hàng xuất khẩu.
Công ty cổ phần Dệt lụa Nam Định cũng có kế hoạch xây dựng lợi thế từ chuỗi cung ứng và đẩy mạnh phát triển thị trường Bangladesh.
Trong khi đó, nhờ thích ứng linh hoạt với thị trường, Công ty cổ phần Dệt may Thành Công (mã chứng khoán TCM) đã ghi nhận kết quả kinh doanh khá khả quan.
Cụ thể, TCM cho biết, trong tháng 9/2022, doanh thu Công ty đạt hơn 15 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 953.000 USD, tăng 158% so với cùng kỳ. Doanh thu tháng 9/2022 đến từ ba mảng chính, trong đó sản phẩm may chiếm 76%, vải chiếm 15% và sợi chiếm 7% tổng doanh thu.
Lũy kế 9 tháng, ước tính doanh thu của Công ty đạt hơn 142,8 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ, đạt khoảng 80% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 9 triệu USD, tăng 85% so với cùng kỳ và đạt khoảng 84% kế hoạch năm.
Xuất khẩu tháng 9 của Công ty sang châu Mỹ chiếm tỷ trọng 51,7% trong cơ cấu doanh thu xuất khẩu, riêng thị trường Mỹ đóng góp 50,62%. Thị trường châu Á chiếm 47,5%, trong đó thị trường Nhật chiếm 19,75%, Hàn Quốc chiếm 13,08%. Thị trường châu Âu chỉ đóng góp 0,8% doanh thu xuất khẩu.
TCM cho biết, tính đến tháng 10, Công ty đã nhận khoảng 80% đơn hàng cho kế hoạch doanh thu quý IV/2022, và đang nhận đơn hàng cho quý I/2023. TCM đã tiến gần sát đến mục tiêu kinh doanh năm 2022.
Vinatex cũng dự kiến sẽ hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kinh doanh năm 2022, đặc biệt lợi nhuận có thể vượt 25% so với chỉ tiêu đại hội cổ đông giao. Tuy vậy, Vinatex dự cảm kém lạc quan về triển vọng kinh doanh năm 2023.
Kinh tế toàn cầu đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, xác suất xảy ra khủng hoảng hoặc suy thoái đều tăng, điều này khiến cho các đối tác xuất khẩu của dệt may Việt Nam cũng thận trọng. Lẽ ra, các hợp đồng mua bán hàng trong quý I, II/2023 đã đến thời điểm thương thảo, nhưng tạm thời đang bị chậm lại.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-det-may-gap-kho-post308882.html