Doanh nghiệp dệt may kiến nghị hàng loạt giải pháp gỡ khó

7 tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất, kinh doanh đối với các doanh nghiệp dệt may diễn ra khá thuận lợi. Song từ nay đến hết năm 2022, các doanh nghiệp dệt may đứng trước nhiều khó khăn thách thức, cần Chính phủ tháo gỡ nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.

Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, nửa cuối năm 2022, các doanh nghiệp của ngành đứng trước nhiều khó khăn thách thức, trong đó tập trung vào 3 thách thức lớn.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam.

Thách thức thứ nhất là một số thị trường vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch nên ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, xung đột quân sự Nga-Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp; tỷ lệ lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, châu Âu… làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có hàng dệt may, giảm đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng và đơn giá của các doanh nghiệp dệt may từ nay đến cuối năm 2022, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng. “Doanh nghiệp dệt may phải chịu chi phí tăng tới 20-25% do giá nguyên, nhiên, phụ liệu từ đầu năm đến nay đã tăng rất nhanh. Cụ thể, giá dầu thô, giá xăng trong nước và thế giới biến động ở mức cao; chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với bình quân 5 năm trở lại đây. Nhiều đồng nội tệ của của nhiều quốc gia trong khu vực mất giá khá lớn so với USD gây bất lợi cho các DN xuất khẩu”, ông Trương Văn Cẩm nêu khó khăn.

Thách thức thứ hai đối ngành dệt may là vấn đề lực lượng lao động. Do dệt may là ngành thâm dụng lao động và chịu ảnh hưởng rất lớn do tác động của Covid-19. Hiện nay nhiều người lao động về quê đã không trở lại, việc tuyển lao động mới cũng gặp khó khăn và tăng chi phí đào tạo, năng suất của lao động mới tuyển thấp. Nhất là tình trạng nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, làm việc thời gian ngắn rồi xin nghỉ hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã gây mất ổn định lao động.

Một thách thức khác được đại diện VITAS đưa ra là nhiều doanh nghiệp dệt may đã rất khó khăn về vốn cho sản xuất kinh doanh, trong khi các gói hỗ trợ được Quốc hội thông qua 350.000 tỷ đồng chậm được triển khai, chính sách thuế, nhất là việc hoàn thuế của Nhà nước cho doanh nghiệp rất chậm, làm cho doanh nghiệp càng thêm khó khăn.

Kiến nghị hàng loạt giải pháp

Trước những thách thức đặt ra, đại diện VITAS kiến nghị Thủ tướng, các bộ, ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp. Đó là đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung, có công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư khâu dệt nhuộm giải quyết điểm nghẽn về vải cung cấp cho may xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu xuất xứ để ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do.

VITAS cũng đề nghị bỏ quy định nộp thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa dùng để sản xuất xuất khẩu, bởi quy định này gây ra nhiều bất cập khi không khuyến khích hàng sản xuất xuất khẩu; gây ra sự bất bình đẳng giữa hàng gia công xuất khẩu và hàng sản xuất xuất khẩu. “Doanh nghiệp phải nộp thuế VAT ngay, nếu chậm nộp bị phạt hoặc tính lãi, nhưng khi xuất khẩu xong việc hoàn thuế quá lâu, có doanh nghiệp đọng vốn 140 tỷ đồng cả năm qua như May Việt Tiến, 40 tỷ đồng như May Phương Đông. Trong khi tiền lãi vay ngân hàng trong thời gian chậm hoàn thuế, doanh nghiệp cũng phải chịu”, ông Trương Văn Cẩm dẫn chứng.

Sản xuất tại Tổng công ty May 10, Hà Nội.

Sản xuất tại Tổng công ty May 10, Hà Nội.

Cùng với đó, VITAS đề nghị Chính phủ sớm triển khai thực hiện gói hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp và gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm cho người lao động nằm trong gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng. Đặc biệt, sớm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 để doanh nghiệp đỡ khó khăn.

Để đảm bảo ổn định nguồn nhân lực cho sản xuất, VITAS đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Hiện tại tỷ lệ đóng quá cao, đặc biệt rà soát thời gian về hưu, điều kiện hưởng lương hưu cho phù hợp với khu vực sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng người lao động xin nghỉ hàng loạt để rút Bảo hiểm xã hội một lần gây biến động lao động rất lớn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, kiến nghị sửa đổi quy định hưởng trợ cấp thất nghiệp để tránh tình trạng lao động trẻ nhảy việc. Ví dụ, chỉ đi làm 1 tháng xin nghỉ để hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp gây mất ổn định lao động.

Ngoài ra, đại diện VITAS cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Có định hướng, khuyến cáo rủi ro, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế thanh toán, vận chuyển hàng hóa, chứng từ… cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu vào các nước khu vực và chung quanh khu vực có xung đột Nga – Ukraine.

Đặc biệt cần có chính sách phối hợp với các nước và tỉnh bạn có chung đường biên đang có chính sách chống dịch khác nhau, phối hợp giải quyết các vấn đề về di chuyển người, phương tiện, hàng hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất, nhập khẩu đáp ứng nguồn cung nguyên, phụ liệu cho sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Bài, ảnh: VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doanh-nghiep-det-may-kien-nghi-hang-loat-giai-phap-go-kho-702482