Doanh nghiệp đi tiên phong: Phát triển kinh tế tuần hoàn

Không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp về kinh doanh và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, nền kinh tế tuần hoàn còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt như cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu… đang ngày càng trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh tăng dân số và đô thị hóa. Trước thực tế này, nhiệm vụ triển khai nền kinh tế tuần hoàn sẽ tạo cơ hội lớn cho phát triển nhanh và bền vững; tạo không gian phát triển mới. Những năm gần đây, tại một số doanh nghiệp, quá trình chuyển đổi sản xuất theo hướng tuần hoàn không còn là lý thuyết, mà đã được áp dụng thực tế và cho kết quả cụ thể, với quy mô đầu tư ngày càng gia tăng.

XANH HÓA SẢN XUẤT ĐANG CHIẾM ƯU THẾ

Công ty cổ phần lâm sản và khoáng sản Tuyên Quang chuyên sản xuất gạch Tuynel công nghệ cao đã theo đuổi mô hình kinh tế xanh từ những ngày đầu thành lập. Theo ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, trước đây, sản xuất gạch nung sử dụng nguồn nguyên liệu là đất sét, đất ruộng nạc, đốt từ than tự nhiên. Hệ quả là người nông dân mất đất ruộng, ô nhiễm môi trường.

Để thay thế, nhà máy đã tìm kiếm các loại phế liệu khác như đất bóc thải của các mỏ khai thác khoáng sản, các chất thải rắn như gạch vỡ, bê tông phá dỡ… và sản xuất với công nghệ tuần hoàn. Thành phẩm có giá thành cạnh tranh, lại đáp ứng mọi tiêu chuẩn về chất lượng.

Là doanh nghiệp thủy sản hàng đầu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Công ty cổ phần Nam Việt (Navico) cũng đang tận dụng triệt để giá trị từ năng lượng xanh. Tổng Giám đốc Doãn Tới cho biết, hưởng ứng chủ trương “xanh hóa” ngành thủy sản, công ty đã xây dựng được nhiều vùng nuôi cá tra với diện tích gần 1.000ha mặt nước. Xây dựng các vùng nuôi kiểu mẫu sử dụng năng lượng mặt trời, quy trình nước tuần hoàn (hạn chế xả thải ra môi trường), dùng dây chuyền tự động cho ăn...

“Sử dụng năng lượng tái tạo giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tiền điện, chung tay bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết”, ông Doãn Tới nhấn mạnh.

Quá trình chuyển đổi sản xuất theo hướng tuần hoàn không còn là lý thuyết, mà đã được áp dụng thực tế và cho kết quả cụ thể.

Quá trình chuyển đổi sản xuất theo hướng tuần hoàn không còn là lý thuyết, mà đã được áp dụng thực tế và cho kết quả cụ thể.

Với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, việc theo đuổi mô hình sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế SRP (Sustainable Rice Platform) mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích. Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận, Lộc Trời đã trình dự án về xác lập tín chỉ carbon lên hệ thống đánh giá và thẩm định của The Gold Standard. Sau khi được công nhận, đây sẽ là “hồ sơ xanh” cho mảng xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu và Hoa Kỳ, giúp tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp khi luật về thuế carbon có hiệu lực vào năm 2025 ở các quốc gia này.

Xanh hóa sản xuất hay kinh tế tuần hoàn giờ đây có thể thấy ở nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc. Theo ông Don Lâm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, 10 - 20 năm trước, rác thải nông nghiệp là gánh nặng rất lớn ở Việt Nam. Ngày nay, phần lớn rác thải đó có thể được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất viên nén sinh khối, giảm nhu cầu về năng lượng hóa thạch.

Chẳng hạn, Nestlé đang sản xuất gạch hay vật liệu lợp mái nhà từ hộp sữa; Heineken Việt Nam tái sử dụng hoặc tái chế gần 99% rác thải hoặc sản phẩm phụ của quá trình sản xuất bia; Unilever Việt Nam đã thực hiện một chương trình thu gom và tái chế bao bì nhựa... “Không có lý do gì để các doanh nghiệp Việt không áp dụng các thực tiễn kinh tế tuần hoàn”, ông Don Lâm khẳng định.

Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều khu công nghiệp ở TP.HCM cũng đã từng bước chuyển đổi sản xuất, kinh doanh sang kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững. Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM đã vận dụng ngày càng nhiều khái niệm “cộng sinh công nghiệp”, khi chất thải của doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác.

Đơn cử, khí hơi nóng từ quá trình chưng cất dầu thực vật Cái Lân được chuyển sang tham gia quá trình sấy của nhà máy Meizan. Chất thải của các công ty sản xuất khuôn đúc được tận dụng làm gạch không nung, làm nguyên liệu cho hoạt động sản xuất khác...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 43-2023 phát hành ngày 23-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Lưu Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-di-tien-phong-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan.htm