Doanh nghiệp địa ốc đôn đáo tìm vốn

Thị trường bất động sản bước vào giai đoạn mới cũng là lúc các doanh nghiệp lĩnh vực này 'chạy đôn, chạy đáo' tìm cách huy động vốn để đón đầu cơ hội.

Phát triển các dự án nhà ở luôn cần nguồn vốn lớn

Phát triển các dự án nhà ở luôn cần nguồn vốn lớn

Từ chào bán cổ phiếu đến bán tài sản, hợp tác với đối tác ngoại

Tập đoàn Novaland (mã NVL) gần đây chốt phương án chào bán gần 1,2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 10:6 (tương ứng cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu nhận 6 quyền mua, cứ 10 quyền mua sẽ được quyền mua thêm 6 cổ phiếu mới) và cổ phiếu sau khi phát hành không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý II-IV/2024, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán theo quy định.

Với hơn 11.700 tỷ đồng có thể thu được từ đợt huy động này, Novaland dự kiến dùng gần 10.600 tỷ đồng góp vốn vào công ty con; hơn 855 tỷ đồng tái cơ cấu nợ và thanh toán một phần các khoản phải trả; hơn 140 tỷ đồng thanh toán chi phí lương cho cán bộ, nhân viên; gần 139 tỷ đồng thanh toán chi phí vận hành chung.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán cũng tiến hành huy động vốn thông qua việc chào bán cổ phiếu trong năm nay như: Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp, mã DIG) thông qua kế hoạch chào bán 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, thời gian thực hiện từ quý II-IV/2024; Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã PDR) chào bán 134,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thời gian đăng ký đặt mua và nộp tiền mua từ 16/5 - 5/6/2024; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (mã AGG) có kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 25%, đồng thời phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tỷ lệ khoảng 25% với giá phát hành không thấp hơn 12.000 đồng/cổ phiếu…

Các doanh nghiệp đặt ra kế hoạch huy động vốn từ thị trường chứng khoán chủ yếu để thực hiện việc triển khai các dự án bất động sản, một số khác nhằm mục đích cơ cấu nợ. Điều này thể hiện sự lạc quan cũng như tham vọng của doanh nghiệp trước những tín hiệu tích cực từ thị trường.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lựa chọn cách bán tài sản như là một hình thức huy động vốn. Đơn cử, Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã LDG) dự kiến chuyển nhượng các dự án gồm Khu du lịch Bãi Bụt - Sơn Trà (Đà Nẵng, quy mô 29 ha), Chung cư lô C1 tại TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương và các tài sản, dự án khác của công ty này cũng như các công ty con… để thanh toán các khoản nợ trái phiếu, nợ ngân hàng và các khoản nợ khác.

Tương tự, những doanh nghiệp chưa lên sàn cũng xoay đủ cách để có vốn, trong đó việc hợp tác với các đối tác được đẩy mạnh. Chẳng hạn, vào trung tuần tháng 5/2024, Tập đoàn Danh Khôi ký kết hợp tác chiến lược với Knightsbridge Partners - đơn vị phân phối bất động sản hàng đầu tại Hồng Kông (Trung Quốc) với kỳ vọng đưa các sản phẩm thuộc dự án Khu phức hợp thương mại và căn hộ cao cấp Astral City ra nước ngoài.

Dự án Astral City đã hoàn thiện toàn bộ pháp lý và được Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho phép huy động vốn theo hình thức bán nhà ở hình thành trong tương lai; được phép bán sản phẩm ra thị trường quốc tế và được ngân hàng thương mại bảo lãnh nghĩa vụ tài chính.

Ngoài ra, một loạt các dự án trọng điểm khác của Danh Khôi cũng đã được tháo gỡ khó khăn, tiếp tục triển khai các hoạt động kinh doanh như Welltone Luxury (Nha Trang), Nhơn Hội New City (Quy Nhơn), Barya Citi (Bà Rịa - Vũng Tàu)...

“Các hoạt động M&A sẽ giúp doanh nghiệp rút ngắn được rất nhiều thời gian trong việc triển khai và cung cấp các sản phẩm bất động sản giá trị cho thị trường ở nhiều phân khúc và loại hình. Hiện nay, Danh Khôi đang xúc tiến hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động M&A trong năm 2024. Chúng tôi kỳ vọng, đây sẽ là động lực hồi phục, đa dạng hóa dòng vốn để giúp doanh nghiệp ổn định các hoạt động vận hành và kinh doanh, tăng tính thanh khoản sản phẩm và phục hồi niềm tin thị trường”, một lãnh đạo cấp cao của Danh Khôi nói.

Trước đó, hồi tháng 3/2024, Khải Hoàn Land đã có nhiều buổi làm việc với Quỹ đầu tư FSK đến từ Nga để bàn kế hoạch M&A dự án Khai Hoan Prime tại huyện Nhà Bè, TP.HCM. Đây là dự án đầu tay của Khải Hoàn Land, có diện tích 19.730 m2 với 1.257 căn hộ, hiện đang xây dựng phần móng. Mức giá FSK đưa ra để sở hữu dự án là 1.600 tỷ đồng, trong đó sẽ thanh toán trước 1.000 tỷ đồng, số tiền còn lại được thanh toán sau khi dự án được chấp thuận ký hợp đồng mua bán với khách hàng.

Nếu thành công, FSK sẽ giao cho Khải Hoàn Land làm đơn vị phát triển dự án, tiền xây dựng phần móng sẽ được FSK thanh toán cho Khải Hoàn Land. Dù vậy, tới nay vẫn chưa có thông tin chính thức về thương vụ này, 2 bên vẫn đang trong quá trình thương thảo.

Đón đầu cơ hội mới

Sự hồi phục của thị trường bất động sản đã thúc đẩy các tổ chức tín dụng gia tăng giải ngân vào lĩnh vực này, nhất là các phân khúc đáp ứng nhu cầu thực.

Theo nhận định của giới chuyên gia, sở dĩ các doanh nghiệp đang đôn đáo tìm vốn, thậm chí chấp nhận bán bớt tài sản là để chuẩn bị nguồn lực đón đầu cơ hội mới, khi 3 sắc luật điều chỉnh lĩnh vực bất động sản gồm Luật Đất Đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ có hiệu lực sớm (dự kiến từ ngày 1/8/2024), thay vì ngày 1/1/2025. Đây được xem là một bước đi quan trọng trong nỗ lực củng cố thị trường bất động sản đang đối mặt với nhiều khó khăn hiện nay.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, các quy định mới sẽ có tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, Quốc hội đang xem xét 2 dự thảo Nghị quyết thí điểm về thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở và tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C; đồng thời các bộ, ngành đang nỗ lực hoàn thiện hơn 20 dự thảo nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật liên quan. Theo đó, các khó khăn mấu chốt của trường bất động sản liên quan tới pháp lý dự án và nguồn vốn kỳ vọng sớm được tháo gỡ, giúp gia tăng nguồn cung sản phẩm cũng như khơi thông dòng vốn cho thị trường.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến nay, hoạt động tín dụng lĩnh vực bất động sản trên địa bàn Thành phố có xu hướng tăng, gắn liền với những chuyển biến tích cực trên thị trường địa ốc. Cụ thể, tính đến cuối tháng 4/2024, tổng dư nợ tín dụng bất động sản tại TP.HCM đạt khoảng 981.500 tỷ đồng, tăng 1,61% so với cuối năm 2023 và chiếm khoảng 33% tổng dư nợ tín dụng bất động sản cả nước.

Theo ông Lệnh, sự hồi phục của thị trường bất động sản đã thúc đẩy các tổ chức tín dụng gia tăng giải ngân vào lĩnh vực này, nhất là các phân khúc đáp ứng nhu cầu thực. Trong đó, hoạt động cho vay mua nhà để ở, xây và sửa chữa nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất để xây nhà ở… được chú trọng. Điều này khiến tỷ trọng các khoản vay bất động sản với mục đích sử dụng chiếm tới 68% tổng dư nợ cho vay bất động sản tại TP.HCM trong 4 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, tín dụng phân khúc bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất cũng ghi nhận mức tăng 9,3% so với cuối 2023, đạt khoảng 44.600 tỷ đồng.

Việt Dũng

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-dia-oc-don-dao-tim-von-post346419.html