Doanh nghiệp địa ốc phân hóa mục tiêu kinh doanh 2025

Khi thị trường còn nhiều biến động, các doanh nghiệp bất động sản đã lựa chọn những hướng đi khác nhau. Sự phân cực này phản ánh chiến lược ứng phó trước những thách thức vẫn còn hiện hữu và sự kỳ vọng vào chu kỳ phục hồi sắp tới.

Khách hàng đi xem nhà tại dự án Aquacity Đồng Nai của Novaland. Ảnh: Lê Toàn.

Khách hàng đi xem nhà tại dự án Aquacity Đồng Nai của Novaland. Ảnh: Lê Toàn.

Người tăng tốc, kẻ xác định "đi lùi"

Trong bối cảnh thị trường bất động sản chứa đựng nhiều ẩn số và chưa phục hồi đồng đều, các doanh nghiệp trong ngành đang cho thấy những chiến lược kinh doanh mang tính phân hóa rõ rệt.

Có những doanh nghiệp lựa chọn hướng đi thận trọng, bảo toàn nguồn lực, trong khi số khác lại chủ động tăng tốc, đẩy mạnh đầu tư và đặt ra mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng, phản ánh sự kỳ vọng vào chu kỳ phát triển mới của thị trường.

Ở nhóm chủ động tăng tốc, tại Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã chứng khoán KDH), tiếp nối đà tăng trưởng ấn tượng trước đó, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng trong năm 2025, lần lượt tăng 16% và 23% so với thực hiện năm 2024.

Được biết, năm 2024, Khang Điền ghi nhận doanh thu 3.279 tỷ đồng, tăng 57% so với năm 2023, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 810 tỷ đồng, tăng 13% và vượt 3% kế hoạch đề ra.

Không chỉ duy trì nền tảng tài chính ổn định, Khang Điền còn đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong chiến lược dài hạn khi công bố kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp với dự án khởi đầu là Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Một doanh nghiệp khác là Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp, mã chứng khoán DIG) lên kế hoạch đạt tổng doanh thu hợp nhất 3.500 tỷ đồng trong năm 2025 - cao nhất từ trước đến nay, tăng 2,7 lần so với thực hiện năm 2024; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 718 tỷ đồng, tăng 4,5 lần.

Trong năm nay, DIC Corp có kế hoạch giải ngân đầu tư 6.600 tỷ đồng, tăng 152% so với năm trước. Nguồn vốn này sẽ tập trung vào các dự án trọng điểm như Khu đô thị Nam Vĩnh Yên, Long Tân và Bắc Vũng Tàu.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán HPX) cho thấy nỗ lực tái cơ cấu để lấy lại đà tăng trưởng. Năm 2025, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu 2.327 tỷ đồng, tăng 44% và lợi nhuận sau thuế đạt 137 tỷ đồng, tăng 111% so với kết quả năm trước. Hải Phát dự kiến hoàn tất các nghĩa vụ trái phiếu đáo hạn trong năm, đồng thời đẩy mạnh công tác bán hàng tại các dự án ở Thái Bình, Bắc Giang, Cao Bằng, Lào Cai…

Ở chiều ngược lại, không ít doanh nghiệp bất động sản niêm yết lựa chọn chiến lược thận trọng, thậm chí “đi lùi” trong kế hoạch kinh doanh năm 2025. Những con số được công bố phần nào phản ánh áp lực tài chính và chiến lược phòng thủ của những doanh nghiệp này trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.

Đơn cử, tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán NVL), lần đầu tiên trong lịch sử kinh doanh, Novaland đưa ra kế hoạch không có lợi nhuận cho năm tài chính mới, một động thái thể hiện rõ định hướng “hy sinh ngắn hạn để tái cơ cấu dài hạn”.

Cụ thể, Novaland đưa ra 2 kịch bản tài chính cho năm 2025: Kịch bản 1, doanh thu 13.400 tỷ đồng và lỗ nhẹ 12 tỷ đồng; kịch bản 2, doanh thu 10.400 tỷ đồng và lỗ sâu 688 tỷ đồng.

Điều này cho thấy, dù kỳ vọng phục hồi doanh thu sau cú sốc thua lỗ hơn 4.000 tỷ đồng năm 2024, Novaland chưa thể quay lại đường đua tăng trưởng lợi nhuận và tiếp tục tập trung tối đa nguồn lực cho quá trình tái cấu trúc toàn diện.

Bối cảnh thị trường hiện tại là thời điểm thích hợp để triển khai chiến lược đầu tư chọn lọc. Sự phân hóa rõ nét trong bức tranh kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp sẽ mang tới cơ hội cho nhà đầu tư biết “gạn đục, khơi trong”.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã chứng khoán TDC) đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 ở mức 3.100 tỷ đồng, tăng gần 140% so với năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm gần 46%, chỉ còn 239 tỷ đồng. Nguyên nhân được doanh nghiệp đưa ra là do tổng chi phí tăng cao, đến từ áp lực chi phí vốn, giá đầu vào và chi phí triển khai dự án.

Tương tự là trường hợp của Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành (mã chứng khoán SZL), doanh thu dự kiến tăng nhẹ, trong khi lợi nhuận sau thuế lại giảm so với năm 2024. Tuy vậy, Sonadezi Long Thành vẫn lên kế hoạch đầu tư 610 tỷ đồng cho các dự án mới, trong đó gần 202,5 tỷ đồng dành cho công tác xây dựng cơ bản và 376 tỷ đồng cho chi phí bồi thường.

Cơ hội chọn "hàng tuyển"

Theo các chuyên gia tài chính, bối cảnh thị trường bất động sản hiện tại là thời điểm thích hợp để triển khai chiến lược đầu tư chọn lọc. Sự phân hóa rõ nét trong bức tranh kế hoạch kinh doanh 2025 của các doanh nghiệp sẽ mang tới cơ hội cho nhà đầu tư biết “gạn đục, khơi trong”.

Theo đó, bên cạnh những doanh nghiệp sở hữu nền tảng tài chính vững vàng, chiến lược phát triển bài bản và dòng tiền ổn định, nhóm doanh nghiệp đang trong quá trình tái cấu trúc cũng là lựa chọn đáng lưu ý.

Chẳng hạn, tại Novaland, sau giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp này đang ghi nhận những tín hiệu tích cực trong quá trình tái cấu trúc. Gần đây, Novaland đã hoàn tất việc mua lại trước hạn lô trái phiếu NVL2020-03-340 với tổng giá trị 340 tỷ đồng.

Tính đến hiện tại, Novaland đã hoàn tất mua lại toàn bộ 21 lô trái phiếu này, với tổng giá trị 7.000 tỷ đồng. Với các nghĩa vụ trái phiếu còn lại, Novaland đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi của trái chủ.

Như vậy, tính đến cuối năm 2024, tổng dư nợ vay của Novaland đã giảm đáng kể so với cuối năm 2022, còn khoảng 29.700 tỷ đồng.

Cùng lúc, Novaland tiếp tục được bổ sung nguồn vốn lớn từ các khoản tín dụng tại các ngân hàng lớn như MBBank, VPBank, TPBank và MSB với tổng hạn mức tài trợ lên đến 18.200 tỷ đồng. Những khoản tín dụng này đang được giải ngân đúng tiến độ để bảo đảm dòng tiền cho các dự án chiến lược.

Hiện tại, Novaland đang bước vào giai đoạn cuối của quá trình tái cấu trúc. Trong năm 2025, doanh nghiệp này đặt mục tiêu bàn giao hơn 3.000 sản phẩm và hoàn tất cấp sổ hồng cho hơn 7.000 sản phẩm tại các dự án trọng điểm.

Từ quý II/2025, nhiều dự án lớn của Novaland sẽ đẩy mạnh hoàn tất các thủ tục pháp lý. Trong đó, dự án Aqua City dự kiến hoàn tất quy hoạch chi tiết 1/500 và được cấp phép bán hàng.

Dự án NovaWorld Phan Thiết sẽ thực hiện xong nghĩa vụ tài chính về đất đai và xin giấy phép xây dựng cho các phân khu mới; dự án NovaWorld Hồ Tràm đang xúc tiến phê duyệt các phân kỳ nổi bật như Bình Châu Onsen, Happy Beach Villas và Long Island…

Ông Lưu Quang Tiến - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) nhận định, năm 2025 sẽ là giai đoạn quan trọng giúp thị trường bất động sản tạo nền tảng vững chắc trước khi chính thức bước vào chu kỳ phục hồi vào năm 2026. Các yếu tố hỗ trợ ngày càng ghi dấu ấn rõ nét hơn, từ chính sách tín dụng, đầu tư hạ tầng kết nối, giải ngân đầu tư công… đến tâm lý nhà đầu tư, sự chủ động của doanh nghiệp.

Một điểm đáng chú ý, theo ông Tiến, đó là thị trường đã hình thành rõ nét các vùng thị trường “dẫn sóng” - tập trung tại những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương... và các vùng thị trường “theo sóng” - là các đô thị vệ tinh, nơi đang hút mạnh dòng tiền nhờ lợi thế về giá và tiềm năng kết nối hạ tầng.

“Sức cầu trong năm 2025 sẽ cải thiện đáng kể, đặc biệt tại các thị trường dẫn sóng, nơi ghi nhận nhu cầu thực gia tăng và dòng tiền quay trở lại. Song song với đó, nguồn cung thứ cấp sẽ được phân bổ đều hơn giữa các khu vực, với sự đa dạng về phân khúc khi nhiều dự án dự kiến hoàn tất và bàn giao trong năm tới. Về tổng thể, những chuyển biến này đang củng cố niềm tin thị trường, tạo nền tảng vững vàng cho chu kỳ phục hồi toàn diện vào năm 2026”, ông Tiến nói.

Việt Dũng

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-dia-oc-phan-hoa-muc-tieu-kinh-doanh-2025-post367327.html