Doanh nghiệp điện gió thua lỗ dù hưởng nhiều ưu đãi

Đặc điểm chung của các dự án điện gió thua lỗ là sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, dẫn đến chi phí lãi vay tăng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất tăng cao như thời gian quan.

Dự án điện gió của Tập đoàn Trung Nam tại Ninh Thuận

Dự án điện gió của Tập đoàn Trung Nam tại Ninh Thuận

Công ty Điện gió Phong Liệu vừa công bố thông tin định kỳ về chỉ tiêu tài chính cơ bản. Theo đó, năm 2022, Phong Liệu ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 124 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với múc 46 tỷ đồng năm 2021.

Lợi nhuận giúp vốn chủ sở hữu của Phong Liệu tăng tương ứng, lên 675 tỷ đồng, qua đó giúp các chỉ số nợ trên vốn của doanh nghiệp giảm xuống. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Phong Liệu thời điểm cuối năm 2022 là 1,68 lần, giảm so với mức 2,26 lần cuối năm 2021.

Điện gió Phong Liệu là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Phong Liệu tại xã Tân Thành và Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Dự án này có công suất 48 MW, tổng mức đầu tư 1.600 tỉ đồng. Dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2021.

Tương tự, Công ty TNHH Điện gió REE Trà Vinh (REE Trà Vinh WindPower) trong năm 2022 ghi nhận doanh thu 328 tỷ đồng và lợi nhuận 107 tỷ đồng ngay sau năm đầu tiên đi vào vận hành thương mại.

Dự án điện gió của REE bắt đầu triển khai thi công từ quý 2/2020, quy mô đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng. Theo REE, dự án đưa vào vận hành thương mại từ ngày 27/10/2021 và đã đủ tiêu chí để được áp dụng giá điện ưu đãi trong thời hạn 20 năm đối với điện gió gần bờ theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/09/2018 của Thủ Tướng Chính Phủ.

Thống kê có 84 dự án điện gió, tổng công suất gần 4 GW đã kịp vận hành thương mại trước tháng 11/2021, hạn cuối để ghi nhận giá bán điện ưu đãi. Mặc dù vậy, không phải dự án năng lượng tái tạo nào được hưởng giá điện ưu đãi cũng đang có lợi nhuận.

Công ty Trung Nam Đăk Lăk 1 vận hành dự án điện gió Ea Nam 400 MW báo lỗ 859 tỷ đồng. Hai dự án Ia Pết Đăk Đoa 1 – 2, công suất 99 MW mỗi dự án, đều báo lỗ trên 200 tỷ đồng trong năm 2022. Dự án Yang Trung và Phước Hữu – Duyên Hải 1 , lỗ lần lượt 91 tỷ đồng và 60 tỷ đồng…

Đặc điểm chung của các dự án điện gió thua lỗ là cấu trúc tài chính có vấn đề, đòn bẩy tài chính quá cao. Chẳng hạn, dự án Ea Nam, nợ phải trả hơn 12.100 tỷ đồng cuối năm ngoái, gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu. Các dự án khác như Ia Pết Đăk Đoa 1 – 2, Yang Trung, Chơ Long, Hòa Đông 2… nợ phải trả/vốn chủ sở hữu từ 4 – 6 lần.

Đòn bẩy cao kéo theo chi phí tài chính của các dự án điện tái tạo phải chịu hàng năm rất lớn. Các doanh nghiệp năng lượng cũng là những đơn vị phát hành trái phiếu doanh nghiệp quy mô lớn, chỉ xếp sau nhóm bất động sản.

Các lô trái phiếu chỉ áp dụng lãi suất cố định trong vài kỳ trả lãi đầu tiên, sau đó thả nổi. Việc lãi suất tăng mạnh từ năm 2022 đến nay đã khiến chi phí tài chính của dự án này tăng mạnh, lợi nhuận từ giá điện ưu đãi không đủ để trả lãi.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/doanh-nghiep-dien-gio-thua-lo-du-huong-nhieu-uu-dai-1684349309747.htm