Doanh nghiệp điện mặt trời 'kêu trời'
Đầu tư lớn, nhưng nhà máy không được khai thác hết công suất, hoặc chưa được xác định giá bán điện khiến nhiều chủ đầu tư nhà máy điện năng lượng mặt trời như ngồi trên đống lửa.
Thừa cung, có ngày ngừng phát điện
Thông tin được ông Lưu Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Solar Electric Việt Nam (SEV) chia sẻ, nhiều nhà máy điện mặt trời hiện đang phải cắt giảm công suất truyền tải vì dư cung. Nhà máy của SEV tại Bình Dương, Long An có ngày phải cắt giảm 100% công suất.
“Nếu việc cắt giảm công suất điện diễn ra liên tục sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu và tốc độ thu hồi vốn của doanh nghiệp”, ông Tiến than thở.
Theo tính toán của ông Tiến, một dự án nhà máy điện mặt trời thường mất 6 năm để thu hồi vốn, nếu giảm công suất 30% trong thời gian liên tục thì cứ 3 năm, chủ đầu tư sẽ hụt doanh thu 1 năm, thời gian thu hồi vốn của dự án sẽ kéo dài từ 6 năm lên 8 năm.
SEV hiện đầu tư vào điện mặt trời áp mái khu công nghiệp, lĩnh vực thông thường ít bị cắt giảm công suất do nhu cầu điện tại khu công nghiệp lớn, điện sản xuất sử dụng tại chỗ, nhưng các nhà máy của Công ty vẫn nằm trong danh sách cắt giảm công suất phát điện. Trong tháng 2, nhà máy tại Bình Dương có 3 ngày bị cắt giảm 100% công suất, mất 10% doanh thu tháng 2.
Công văn công bố cắt giảm công suất của nguồn điện mặt trời mái nhà từ 15/3 - 21/3 do Tổng công ty Điện lực Miền Nam ban hành cho thấy, tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Long An…, sản lượng điện bị cắt giảm từ nguồn điện mái nhà khá lớn.
Để phát triển bền vững ngành năng lượng, cần tập trung đầu tư điện mặt trời áp mái đúng nghĩa, theo nhu cầu cụ thể của từng vùng, địa phương. Sản xuất đúng nhu cầu, tránh tình trạng phát điện nhiều mà phụ tải ít, cũng không phải đầu tư truyền tải nhiều.
Ông Lưu Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Solar Electric Việt Nam (SEV)
Cụ thể, trong giờ cao điểm từ 10h30 - 13h các ngày từ 15-21/3, tại Ninh Thuận, mỗi ngày bị cắt khoảng 40.103 - 53.471 MW; tại Bình Dương bị cắt từ 57.964 - 77.285 MW; tại Bình Thuận bị cắt từ 35.771 - 47.695 MW; tại Long An từ 49.276 - 65.701 MW; tại An Giang bị cắt từ 16.686 - 22.248 MW…
Điện lực Miền Nam cũng nhấn mạnh việc cắt giảm công suất thực hiện theo các tiêu chí đảm bảo minh bạch, công bằng và luân phiên thực hiện, ưu tiên cắt trước các nguồn có điều khiển từ xa, có FCO và phải giám sát được công suất giảm.
Mong chờ chính sách giá
Ngoài tình trạng phải cắt giảm công suất do dư cung, một số chủ đầu tư điện mặt trời chưa được xác định chính sách giá, cơ sở cho tính toán về hiệu quả của doanh nghiệp.
Chính sách giá bán điện cố định hỗ trợ từ Chính phủ (giá FIT) là yếu tố đảm bảo cho mức lợi nhuận hấp dẫn của dự án điện năng lượng tái tạo và cũng chính là lý do để nhiều nhà đầu tư ồ ạt tham gia vào lĩnh vực này trong thời gian qua.
Theo Nghị quyết số 115 ngày 31/8/2018 của Chính phủ, các dự án điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được hưởng chính sách giá bán điện tương đương 9,35 UScent/kWh đến hết năm 2020 đối với các dự án điện năng lượng mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000 MW.
Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, các dự án có chủ trương đầu tư được phê duyệt trước ngày 23/11/2019 và đưa vào vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/1/2021, với giới hạn tổng công suất là 2.000 MW thì được hưởng mức giá bán điện là 9,35 UScent/kWh.
Theo các quy định này, những dự án điện mặt trời đã có chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và vận hành thương mại trước ngày 1/1/2020 sẽ được hưởng giá mua điện 9,35 UScent/kWh.
Tuy nhiên, theo phản ánh của Công ty cổ phần Đầu tư, Xây dựng và Phát triển Trường Thành (Trường Thành Group, mã chứng khoán TTA), dự án Trang trại điện mặt trời Hồ Núi Một 1, công suất 50 MWp tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận do Công ty làm chủ đầu tư có chủ trương đầu tư ngày 14/9/2018 và đưa vào vận hành thương mại từ ngày 15/12/2020 lại chưa được xác định giá mua điện.
Bên cạnh đó, tại Ninh Thuận, có một số dự án bổ sung quy hoạch, dẫn đến vượt ngoài công suất 2.000 MW cũng chưa được xác định giá bán điện. Cụ thể, kết quả thực tế triển khai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 33 dự án điện mặt trời được Thủ tướng Chính phủ/Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất khoảng 2.535 MW.
Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến nay, có 32 dự án hoặc phần dự án đã đi vào vận hành thương mại, tổng công suất khoảng 2.216 MW. Căn cứ Quyết định 13, khoảng 216 MW điện của một số dự án không được áp dụng giá bán điện 9,35 UScent/kWh và 7,09 UScent/kWh (giá bán điện chưa được xác định).
Báo cáo của EVN cũng cho biết, một số dự án điện mặt trời có phần công suất đã được vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 nhưng có chủ trương sau ngày 23/11/2019 như Dự án nhà máy điện mặt trời xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, dự án điện mặt trời Thiên Tân 1.2, dự án điện mặt trời Thiên Tân 1.3 nên theo Quyết định 13 chưa xác định được giá bán điện, dẫn đến các chủ đầu và EVN chưa ký được hợp đồng mua bán điện, chưa thực hiện thanh toán sản lượng điện đã phát lên lưới.
Thực tế này khiến chủ đầu tư gặp áp lực lớn về tài chính.
Mới đây, Tập đoàn Trung Nam đã gửi kiến nghị tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong văn bản kiến nghị, Tập đoàn cho hay phải vay vốn nhiều ngân hàng để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo và nguồn trả nợ duy nhất là từ doanh thu bán điện, tuy nhiên, do bị cắt giảm công suất thường xuyên, nên việc trả nợ đang gặp khó khăn.
Doanh nghiệp dừng đầu tư dự án mới
Mới đây, Bộ Công thương có văn bản số 1226/BCT-ĐTĐL gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ liên quan đến việc cắt giảm các nhà máy năng lượng tái tạo.
Tại văn bản trên, Bộ Công thương cho hay, “đây là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện. Việc tiết giảm cũng đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia tính toán, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng cho tất cả các nhà máy mà không phân biệt chủ đầu tư”.
Theo Bộ Công thương, trong thời gian qua, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời ở nước ta đạt được nhiều kết quả tích cực, đã thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo có nhiều tiềm năng ở nước ta.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của các nguồn năng lượng này tập trung tại một số khu vực miền Trung, miền Nam đã gây ra hiện tượng quá tải cục bộ, quá tải lưới điện truyền tải liên kết miền và hệ thống điện dư thừa công suất phát so với nhu cầu phụ tải trong một số thời điểm, tình huống cụ thể.
Việc nhà đầu tư ồ ạt đầu tư trang trại điện mặt trời, dẫn đến có sự bùng nổ như hiện nay thêm một bài học về quy hoạch chiến lược tổng thể. Những khó khăn mà các nhà đầu tư đang gặp phải cũng chứng minh, điện năng lượng mặt trời không phải lĩnh vực "ngon ăn”.
Ghi nhận của người viết, một số đơn vị đã điều chỉnh chiến lược. Trường Thành Group chuyển sang đầu tư điện gió. Trong khi đó, Tập đoàn Trung Nam cho biết sẽ không phát triển thêm dự án điện mặt trời mới, mà tập trung hoàn thành các dự án hiện tại.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-dien-mat-troi-keu-troi-post264784.html