Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp 60% GDP cả nước
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động và 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Sáng 4/10, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp mặt đại diện các doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). Sự kiện có 200 doanh nhân tiêu biểu đại diện cho các thành phần, lĩnh vực của nền kinh tế, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Đóng góp 60% GDP, 85% lao động và 98% kim ngạch xuất nhập khẩu
Trước những ảnh hưởng mà cơn bão Yagi gây ra với 26 tỉnh, thành phía Bắc, Thủ tướng bày tỏ sự xúc động khi các doanh nghiệp, doanh nhân tự giác đóng góp, chia sẻ, giúp đỡ đồng bào bão lũ rất chân tình, hiệu quả.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng, chào đón các doanh nhân Việt Nam. Đây là những người tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm then chốt, có vai trò tiên phong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước.
“Cổ nhân có câu Phi công bất phú, phi thương bất hoạt để nói nên tầm quan trọng, không thể thiếu của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển. Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng mong muốn tại buổi gặp này, các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp có thể đưa ra các góp ý về phát triển kinh tế, thể chế để doanh nhân phát triển lành mạnh, đúng pháp luật, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ mạnh để cùng đất nước vươn lên phát triển.
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đang có hơn 930.000 doanh nghiệp hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng trong 9 tháng đầu năm đã có hơn 183.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội.
Thực tế cho thấy lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động và 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Trong 9 tháng đầu năm, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng, phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực. Lũy kế thu ngân sách Nhà nước 9 tháng ước đạt 85,1% dự toán, tăng gần 18% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu vượt 577 tỷ USD, tăng hơn 16%; xuất siêu ước đạt 21,5 tỷ USD…
Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trở lại cũng là động lực quan trọng, dẫn dắt cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Những kết quả khả quan nêu trên đều có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực tư nhân.
Đoàn kết cùng tạo dựng thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế
Bộ trưởng Dũng cho biết qua khảo sát nhanh gần đây, tình hình doanh nghiệp đã lạc quan hơn rất nhiều, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá "tích cực" về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới cao gấp 5 lần so với kỳ khảo sát trước.
"Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, tồn tại. Tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả", Bộ trưởng KHĐT nói.
Theo ông, phần lớn doanh nghiệp hiện có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; còn có tư duy kinh doanh "thời vụ", thiếu tầm nhìn chiến lược. Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.
Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.
Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng KHĐT đã đưa ra một số giải pháp để phát huy hơn nữa vai trò của các doanh nhân, doanh nghiệp.
Cụ thể, với cơ quan quản lý Nhà nước, ông Dũng cho rằng cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; sớm xây dựng cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn; nghiên cứu các gói chính sách quy mô đủ lớn, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong phát triển doanh nghiệp...
Với các doanh nghiệp, Bộ trưởng KHĐT đề nghị tiếp tục nỗ lực cùng Chính phủ thực hiện các giải pháp góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các giải pháp mang tính đột phá, đổi mới, sáng tạo; cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; phát huy tinh thần dân tộc, đoàn kết để cùng tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế; tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc...
Nguồn Znews: https://znews.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan-dong-gop-60-gdp-ca-nuoc-post1501987.html