Doanh nghiệp, doanh nhân Tuyên Quang: Trụ cột quan trọng của nền kinh tế địa phương

Những năm gần đây doanh nghiệp doanh nhân tỉnh nhà đã góp phần to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đã và đang trở thành trụ cột quan trọng của nền kinh tế địa phương.

Đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 2.500 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 30.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, doanh nhân đăng ký hoạt động trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trên địa bàn.

Năm 2022 tổng thu ngân sách từ các doanh nghiệp đạt trên 1.650 tỷ đồng chiếm 62% tổng thu nội địa. Nhiều dự án, công trình quan trọng được cộng đồng doanh nghiệp đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng, đã tạo tiền đề để có những bước phát triển quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân; đồng thời, tích cực hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trao danh hiệu doanh nghiệp tiêu biểu cho các doanh nghiệp (Năm 2022). Ảnh: Thành Công

Các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trao danh hiệu doanh nghiệp tiêu biểu cho các doanh nghiệp (Năm 2022). Ảnh: Thành Công

9 tháng đầu năm nay hoạt động doanh nghiệp cơ bản đã ổn định và phục hồi tích cực. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn là 194 đơn vị, với tổng số vốn đăng ký 2.993 tỷ đồng (tăng 46,38% so với cùng kỳ) tổng số lao động đăng ký trên 2.700 người; góp phần quan trọng để 6 tháng đầu năm 2023 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,55% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 1 trên 11 tỉnh miền núi phía Bắc.

Nhìn vào các công trình lớn của tỉnh đã và đang xây dựng, chúng ta đều thấy sự góp mặt của các doanh nghiệp trong tỉnh. Trong đó, Công ty TNHH Hiệp Phú đang thi công cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. Trước đó, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng thi công Dự án sửa chữa cầu Thăng Long (Hà Nội), giá trị hợp đồng 242 tỷ đồng và nhiều công trình quan trọng khác.

Cùng với đó là đóng góp trong xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội... Đơn cử huyện Hàm Yên, toàn huyện hiện có 34 Hợp tác xã có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, có 12 Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh 15 sản phẩm OCOP, chiếm 71,4% tổng số sản phẩm OCOP. Vừa qua, sản phẩm OCOP Vịt Bầu Minh Hương, Hàm Yên được vinh danh trong 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam. Kết quả này là sự đóng góp không nhỏ của doanh nghiệp, doanh nhân trong huyện.

Những doanh nhân tiêu biểu

Nhìn lại các đợt vinh danh doanh nhân tiêu biểu, sản phẩm tiêu biểu của Trung ương, Tuyên Quang vinh dự có một số doanh nhân được gọi tên.

Trong đó, sản phẩm bột giấy và giấy của Công ty cổ phần Giấy An Hòa (Tập đoàn Geleximco) được công nhận Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022. Theo ông Nguyễn Văn Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Giấy An Hòa, hiện An Hòa là nhà máy duy nhất tại Việt Nam có sản phẩm bột giấy tẩy trắng thương phẩm và cũng là sản phẩm bột giấy duy nhất của Việt Nam có mặt trên thị trường quốc tế. Hiện, công ty đang xuất khẩu sang thị trường hơn 10 nước, doanh thu đạt trên 3.000 tỷ đồng/năm, trong đó doanh thu xuất khẩu đạt trên 5,5 triệu USD/năm (tương đương khoảng 1.400 tỷ đồng), nộp ngân sách Nhà nước từ 120 đến 140 tỷ đồng/năm.

Mới đây nhất, doanh nhân Trần Văn Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Khánh Xuân, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vinh danh Doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Cũng trong năm 2022, ông Nguyễn Hữu Hoạch, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Vận tải và Dịch vụ môi trường Thanh Bình, thành phố Tuyên Quang được tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" cho 100 nông dân Việt Nam xuất sắc. Ông vinh dự được bình chọn là 1 trong 10 công dân tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang năm 2022.

Năm 2019, doanh nhân Bùi Thị Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang vinh dự là một trong 100 doanh nhân tiêu biểu được trao Giải thưởng Sao Đỏ - Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019. Trên cương vị Giám đốc, chị Bùi Thị Thúy đã lãnh đạo công ty ngày càng phát triển, doanh thu mỗi năm đạt hàng trăm tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 6 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 200 lao động.

Trước đó, năm 2016, doanh nhân Phạm Quang Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú là một trong 37 doanh nghiệp và doanh nhân tiêu biểu trong cả nước được vinh danh là doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu đồng hành cùng báo chí trong các hoạt động xã hội năm 2016... Cũng trong năm này, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, là 1 trong 100 doanh nhân tiêu biểu toàn quốc được tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu có thành tích tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh. Với vai trò là Chủ tịch Hội, ông đã xây dựng tổ chức hội làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên với cơ quan nhà nước các cấp. Hiệp hội kịp thời tập hợp, phản ánh các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp với các cơ quan quản lý để xem xét tháo gỡ, giải quyết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, trong thời gian tới, doanh nghiệp, doanh nhân Tuyên Quang tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi số bằng các hình thức thông qua ứng dụng trong hoạt động kế toán, trong quảng bá các sản phẩm qua các sàn giao dịch điện tử. Đồng thời tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm, phát huy vai trò tự lực và đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp, năng động, nhạy bén, chủ động tháo gỡ khó khăn, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ quản lý để phát triển.

Hoàng Anh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan-tuyen-quang-tru-cot-quan-trong-cua-nen-kinh-te-dia-phuong-181553.html