Doanh nghiệp đón xu hướng mới
Biến đổi khí hậu gây ra nhiều hậu quả nặng nề đối với cuộc sống con người trên toàn cầu. Cùng đó, dịch COVID-19 bùng phát đã khiến người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn về sống xanh, lối sống bền vững.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp muốn nắm bắt cơ hội tăng trưởng phải chuyển biến tư duy để đón đầu xu hướng mới. Ngoài ra, trợ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện khung chính sách sẽ khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi nhanh hơn sang sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Khoảng 5 năm trở lại đây, sử dụng sản phẩm hữu cơ đã trở thành thói quen của gia đình bà Lê Thị Hiền, ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) dù giá thành khá đắt, thông thường cao gấp 2 lần so với sản phẩm cùng loại có thành phần hóa học.
Không dừng lại ở các loại nông sản, thực phẩm sản phẩm dán nhãn organic (hữu cơ), ngay cả hóa mỹ phẩm như: xà phòng, dầu gội, nước rửa bát hay chén bát, cốc uống nước, thậm chí quần áo cũng được gia đình bà Lê Thị Hiền lựa chọn nguồn gốc từ nguyên liệu thân thiện môi trường.
Khảo sát về xu hướng tiêu dùng xanh từ góc nhìn của người tiêu dùng Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh của Intage Việt Nam cho thấy, 95% người tiêu dùng đã có ý thức về bảo vệ môi trường. Đáng lưu ý, nhận thức này được chuyển thành hành động, khi có tới 59% người tiêu dùng lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn.
Ngoài ra, có tới 44% tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới không cần thiết; 61% tắt các thiết bị điện trong nhà khi không sử dụng; 39% hạn chế dùng thực phẩm đóng gói, công nghiệp; 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa, thay thế bằng túi canvas…
Đặc biệt, có tới 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Nhận định từ các chuyên gia, tiêu dùng xanh không còn là khái niệm xa lạ mà đang dần phổ biến hơn trong đời sống hàng ngày. Đặc biệt, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, người tiêu dùng đã quan tâm hơn đến sức khỏe và ý thức sử dụng sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, quy trình sản xuất sạch không gây tác hại đến môi trường.
Đây cũng là nguyên nhân khiến xu hướng này ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ và được nhiều quốc gia, nhất là khu vực châu Âu (EU) đang áp dụng nhiều hơn tiêu chuẩn cao, gia tăng yêu cầu về chất lượng đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững với hàng hóa nhập khẩu gọi chung là “tiêu chuẩn xanh”.
Vẫn là những cây trồng quen thuộc, nhưng với cách nghĩ, cách làm khác, chú trọng khoa học – kỹ thuật, sản xuất theo hướng an toàn đã giúp nông dân huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình nâng cao hiệu quả kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Sở hữu vườn khoai lang hơn 5.000 m2, anh Lương Văn Tấn, thành viên Tổ hợp tác Ba Khan cho biết, tham gia mô hình liên kết, các hộ thống nhất phát triển sản xuất theo chuẩn VietGAP, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, chỉ sử dụng phân chuồng hoai mục, thân thiện môi trường.
Còn theo ông Hoàng Hữu Danh - Nhà sáng lập thương hiệu Miss Ede cho hay: Câu chuyện về cà phê cân bằng carbon cũng là cách mà doanh nghiệp đón đầu xu thế thị trường tiêu dùng xanh.
Theo tính toán của các tổ chức trên thế giới, để làm ra được 1 tấn cà phê thành phẩm sẽ thải ra ngoài môi trường khoảng 3 tấn carbon. Thế nhưng, vùng canh tác bền vững này đã giúp doanh nghiệp giảm lượng carbon thải ra môi trường xuống gần 1 nửa. Do đó, việc sản xuất 1 tấn cà phê thành phẩm chỉ thải ra khoảng 1,6 tấn carbon.
“Hiện tại, doanh nghiệp đang theo đuổi chiến lược giảm phát thải để đến năm 2025 việc sản xuất 1 tấn cà phê thành phẩm chỉ thải ra ngoài môi trường khoảng 1 tấn carbon”, ông Hoàng Hữu Danh bày tỏ.
Là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đã tập trung hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ và vừa để hình thành chuỗi sản xuất sạch.
Chẳng hạn như: mây tre đan, dệt may, sơn mài, xây dựng, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, điện - điện tử... với hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Qua đó, hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.
Nhận định xung quanh vấn đề này, ông Cù Huy Quang - Phó Chánh văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) chỉ ra rằng, bên cạnh khó khăn bởi lựa chọn công nghệ để chuyển đổi hướng sản xuất, doanh nghiệp còn phải đối diện với khó khăn về vốn đầu tư và những hạn chế trong chính sách hỗ trợ liên quan tới sản xuất xanh.
Để phát triển bền vững, giới chuyên gia nhấn mạnh: Trong lúc chờ sự giám sát mức độ tuân thủ pháp luật từ cơ quan quản lý về môi trường, doanh nghiệp cần chịu trách nhiệm với tuyên bố xanh và chủ động đưa ra bằng chứng hoạt động liên quan đến lĩnh vực này.
Cùng đó, doanh nghiệp sản xuất cần thực hiện hoạt động đánh giá từ chuyên gia nội bộ hoặc bên thứ ba về kế hoạch hành động giảm phát thải và hiệu quả thực thi. Đồng thời, thay thế, giảm thiểu nhựa trong bao bì; đầu tư, cam kết sử dụng năng lượng bền vững, thân thiện với môi trường.
Mặt khác, đầu tư, phát triển công nghệ thu thập dữ liệu về mức độ phát thải. Ứng dụng công nghệ cảm biến, AI, tự động hóa để cải thiện chuỗi cung ứng nhằm giảm lãng phí nước, năng lượng và nguyên liệu.
Các chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp bán lẻ nên dán nhãn carbon trên sản phẩm và sử dụng xe điện để vận chuyển hàng hóa; cho phép khách hàng theo dõi về tác động của giỏ hàng vừa mua tới môi trường; cung cấp nhiều sản phẩm chay, hữu cơ và sản phẩm địa phương.
Mặt khác, cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và tăng cường dự báo nhu cầu thị trường để doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất theo hướng phù hợp đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và đón đầu xu hướng mới theo nhu cầu khách hàng./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-don-xu-huong-moi/308482.html