Doanh nghiệp đóng cửa vì quy định phòng cháy, chữa cháy mới (Bài 1): 'Khó chồng khó' khi không bảo đảm quy định mới
Từ cuối năm 2022, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành rà soát việc đáp ứng tiêu chí phòng cháy, chữa cháy (PCCC) mới đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hàng trăm doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã phải ngừng hoạt động vì không đáp ứng các quy định mới về PCCC. Để hoạt động trở lại, các DN phải đầu tư, bổ sung các hạng mục và được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu theo quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Tuy nhiên, quá trình thực hiện thực tế không dễ dàng vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến các DN đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Toàn cảnh KCN Tây Bắc Ga với hạ tầng kỹ thuật còn sơ khai và hệ thống PCCC chưa hoàn thiện. Ảnh: P.V
Năm 2010, Công ty TNHH MTV In Đông Á thuê đất tại Khu Công nghiệp (KCN) Tây Bắc Ga (TP Thanh Hóa) để xây dựng nhà xưởng. Tự ý thức việc phòng chống cháy nổ, công ty đã đầu tư hệ thống báo cháy tự động, bể nước phục vụ công tác chữa cháy với chi phí khoảng nửa tỷ đồng. Tuy nhiên, tháng 12-2022 khi lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ tiến hành kiểm tra, công ty đã bị xử phạt hành chính 90 triệu đồng do đưa hệ thống PCCC vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu, đồng thời áp dụng biện pháp tạm đình chỉ để bổ sung, đầu tư các hạng mục công trình PCCC theo quy định mới.
Ông Lê Tất Thắng, Tổng Giám đốc Công ty, chia sẻ: “DN chuyên sản xuất, in ấn các mặt hàng trên nhiều chất liệu cung cấp đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Những năm qua, tình hình sản xuất, kinh doanh thuận lợi, doanh thu của công ty đạt từ 15 - 20 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho trên dưới 50 lao động với thu nhập trung bình 8 - 10 triệu đồng/tháng. 3 năm dịch COVID-19, kinh tế đình trệ, tiêu thụ hàng hóa khó khăn, hoạt động sản xuất của DN bị tê liệt, doanh thu giảm đi tới 80 - 90%. Vừa khôi phục hoạt động và kết nối lại khách hàng được vài tháng lại phải tạm ngừng hoạt động khiến chúng tôi vô cùng lo lắng”. Ông Thắng cũng cho biết thêm, hiện công ty đang tháo dỡ các công trình vi phạm, không có trong thiết kế xây dựng ban đầu như nhà xe, nhà ăn để bảo đảm các lối thoát nạn, đường cho xe chữa cháy. Đồng thời đã thuê đơn vị tư vấn thiết kế hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, bể nước phục vụ chữa cháy 300m3 và các hạng mục phụ trợ khác với dự toán kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên quá trình thẩm duyệt, thi công và nghiệm thu cũng cần thời gian nhất định. Việc bị đình chỉ sản xuất kéo dài sẽ khiến DN bị chậm trễ giao các đơn hàng đã ký kết, mất doanh thu, lao động không có việc làm và ảnh hưởng đến uy tín với đối tác”.
Cũng tại KCN Tây Bắc Ga, chỉ mới đầu tư từ năm 2017 nhưng hệ thống PCCC của Công ty TNHH An Phúc Thịnh cũng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định mới. Ông Thiều Quang Tâm, giám đốc công ty, cho biết: “Khi thuê hơn 6.000m2 đất sản xuất, cùng với công trình nhà xưởng được đầu tư với trị giá gần 5 tỷ đồng, công ty đã đầu tư hệ thống PCCC gồm bể chữa cháy 200m3, 2 máy bơm tăng áp, hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động cho khu vực nhà kho và báo cháy tự động cho khu văn phòng với kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, cuối năm 2022 khi lực lượng chức năng kiểm tra, ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính 103 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động 3 hạng mục là văn phòng điều hành, nhà mái tôn để xe mở rộng và khu nhà ăn, DN còn được yêu cầu cải tạo, bổ sung thêm một số hạng mục như: cửa thoát hiểm, lối thoát nạn, trang bị, lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động theo quy định mới tại Thông tư số 150/2020/TT-BCA. Ngoài việc phải phá bỏ bớt công trình đã đầu tư, thì dự toán chi phí cho hạng mục PCCC bổ sung mới sẽ mất khoảng 1 tỷ đồng. Đây thực sự là khó khăn cho chúng tôi trong bối cảnh lãi suất ngân hàng tăng cao, thị trường kinh doanh biến động liên tục hiện nay”.
Hệ thống máy in laser công nghệ cao của Công ty TNHH MTV In Đông Á tại KCN Tây Bắc Ga nguy cơ bị hoen gỉ, xuống cấp do không hoạt động.
Trên đây chỉ là điển hình 2 trong số hàng trăm DN trên địa bàn tỉnh đang bị tạm đình chỉ sản xuất, kinh doanh. Theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, từ cuối năm 2022 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và UBND tỉnh về tổng kiểm tra PCCC, toàn tỉnh đã tiến hành hơn 35.000 lượt kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về PCCC đối với gần 2.500 hành vi với tổng tiền phạt 18 tỷ đồng; đồng thời ra quyết định đình chỉ hoạt động 211 trường hợp. Riêng với KCN Tây Bắc Ga, lực lượng công an tỉnh đã tiến hành kiểm tra phát hiện sai phạm, các cơ quan liên quan đã tiến hành xử phạt 183 lượt cơ sở với số tiền phạt hơn 9 tỷ đồng. Trong các lỗi vi phạm, có 110 trường hợp mắc lỗi chưa thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động; 41 trường hợp vi phạm quy định về hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở; 22 trường hợp vi phạm về phương tiện PCCC; 10 trường hợp vi phạm quy định hồ sơ, điều kiện thoát nạn... Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành quyết định tạm đình chỉ 103 trường hợp; yêu cầu tạm dừng hoạt động 3 trường hợp để khắc phục tồn tại về PCCC.
Qua kết quả kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, nhóm lỗi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về PCCC là “chưa thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đã đi vào hoạt động” chiếm tỷ lệ cao, tập trung chủ yếu ở các DN đã đi vào hoạt động lâu năm. Cũng theo thông tin của Công an tỉnh, tại KCN Tây Bắc Ga có 193 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có 164 cơ sở thuộc đối tượng thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC. Tuy nhiên qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 55 cơ sở chưa thẩm duyệt về PCCC đã đi vào hoạt động; 72 cơ sở đã thẩm duyệt nhưng chưa nghiệm thu PCCC; 92 cơ sở thi công xây dựng không đúng thiết kế. Ngoài ra, nhiều cơ sở không bảo đảm điều kiện về an toàn PCCC như: đường giao thông cho phương tiện chữa cháy, nguồn nước phục vụ chữa cháy, khoảng cách an toàn PCCC giữa các công trình, giải pháp ngăn cháy lan, không bảo đảm bộ phận tường, vách ngăn, bậc chịu lửa... theo các tiêu chuẩn mới.
Qua tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các DN tại KCN Tây Bắc Ga đều cho rằng, để đáp ứng đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, bảo đảm đủ điều kiện nghiệm thu PCCC thì rất nhiều DN phải phá bỏ, đầu tư xây dựng lại từ đầu, từ nhà xưởng tới hệ thống PCCC. Trong đó, chỉ tính riêng hệ thống PCCC ước chi phí khoảng 1 tỷ đồng. Các nhà xưởng cũng phải bảo đảm khoảng cách theo quy định mới, trong khi diện tích cho mỗi lô tại KCN Tây Bắc Ga khá chật hẹp và đã được đầu tư công trình cố định với chi phí lớn.
KCN Tây Bắc Ga là 1 hợp phần trong KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga. Hàng năm, các DN tại KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga đạt doanh thu khoảng 7.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 200 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động; trong đó đa phần là kết quả hoạt động của các DN tại hợp phần Tây Bắc Ga. Theo thống kê của ngành chức năng, 103 DN đang bị tạm đình chỉ hoạt động đang tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động.
Từ tháng 9-2018 đến nay, tại KCN Tây Bắc Ga xảy ra 5 sự cố cháy. Trong đó có 3 vụ cháy phương tiện giao thông cơ giới; 2 vụ cháy tại bãi rác, phế liệu. Lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp với lực lượng PCCC cơ sở xử lý kịp thời, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.